Arsene Wenger, người tạo dựng huyền thoại (kì 4): Một HLV trưởng với phong cách 'giáo sư'

26/10/2013 19:33 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sự nghiệp huấn luyện viên của Wenger có chút duyên nợ với một người mang họ Platini: Aldo Platini. Ông Aldo được người ta nhớ đến chủ yếu bởi có con trai là Michel Platini, cầu thủ vĩ đại của bóng đá Pháp.

1984 là một năm tốt đẹp với bóng đá Pháp và Wenger. Mùa Hè đó, Michel Platini cùng đội tuyển Pháp giành chức Vô địch châu Âu còn Wenger lần đầu tiên trở thành huấn luyện viên trưởng. Không những thế, đó còn là đội bóng đang chơi ở giải Vô địch Pháp. Đề nghị từ AS Nancy Lorraine đến một cách bất ngờ. Tuy rất muốn giữ Wenger nhưng Cannes cũng không muốn cản trở ông tìm lối đi riêng.

Guillou nói: “Tôi không cố gắng giữ chân Arsene bởi đó là một cơ hội cho anh ấy. Arsene không phải típ người chịu phục tùng người khác theo kiểu sai vặt. Anh ấy có những phẩm chất để trở thành nhân vật chính“.

Cơ hội bằng vàng

Wenger có thể có những phẩm chất đó dù mới chỉ 35 tuổi, nhưng ở buổi bình minh của sự nghiệp huấn luyện viên, ông chưa từng được đánh giá là một tài năng xuất sắc. Wenger có được công việc đó khi Nancy đang tuyệt vọng và một lý do khác nữa là ông lại rẻ.


HLV Wenger (ngoài cùng hàng hai bên phải) và đội hình Nancy mùa giải 1986-87

Chính Aldo Platini đã liên hệ với Wenger. Xuất thân là cầu thủ có sự nghiệp khiêm tốn, vị huấn luyện viên trẻ tuổi ấp ủ tham vọng chinh phục đỉnh cao này có quá ít vốn liếng xét về kinh nghiệm cá nhân. Nhưng Wenger có thế mạnh là ham hiểu biết và khả năng tiếp cận những người lớn tuổi như con với cha. Aldo Platini chỉ là người tiếp theo, sau Hild và Frantz.

Mùa bóng 1983-1984, mùa thứ hai của huấn luyện viên Herve Collot, Nancy có nguy cơ xuống hạng, nhiều cầu thủ chủ chốt của họ ra đi và tới cuối mùa thì Collot từ chức với lý do sức khỏe. Tất cả xảy ra đột ngột và điều quan trọng là phải nhanh chóng tìm được ai đó lấp chỗ trống mà ông để lại.

Nhiều vị trí huấn luyện viên được tạo ra từ thất bại của ai đó. Trường hợp của Wenger đặc biệt bởi không ai ở Nancy biết về ông. Họ buộc phải tin rằng khả năng của ông tốt như lời giới thiệu. Chủ tịch Gerard Rousselot không biết Wenger. Giám đốc bóng đá Aldo Platini cũng chỉ nghe Hild giới thiệu.

Nhưng sau đó Aldo Platini đã gặp Wenger ở Cannes trong một chuyến săn tìm các cầu thủ trẻ giá rẻ. Ông kể: “Chúng tôi rất hợp ý nhau và tôi đã hỏi Wenger có muốn đến Nancy hay không. Thực ra vị trí của tôi không có quyền tìm huấn luyện viên. Đó là quyền của chủ tịch câu lạc bộ. Nhưng Rousselot tin tưởng tôi“.

Wenger đã tới Nancy để thương thảo hợp đồng với Rousselot. Họ nhất trí ký hợp đồng 3 năm với mức lương khoảng 25.000 franc/tháng (gần 4.000 USD).

Gánh nặng trách nhiệm

Vào thời gian Wenger nhận ghế huấn luyện viên, những chiến thắng quen thuộc với Nancy từ giữa thế kỷ 1970 đã trở thành dĩ vãng và tiền của họ cũng cạn dần. Thời còn Michel Platini, câu lạc bộ thu hút 13.000 khán giả/trận (đó là một con số khổng lồ với một đội bóng như Nancy). Trong mùa bóng đầu tiên của Wenger, số khán giả đã giảm xuống dưới 6.000. Doanh thu bán vé giảm, ngân quỹ để tăng cường sức mạnh cũng giảm sút hoặc không thuyết phục được các cầu thủ hàng đầu gia hạn hợp đồng. Nancy chưa bao giờ tiêu nhiều hơn số tiền họ có. Vị trí huấn luyện viên trưởng của Wenger ngay ở lần đầu tiên đã thực sự gặp khó khăn.

Với các đội trẻ (như khi Wenger còn ở Strasbourg và Cannes), thành công trên sân cỏ chỉ là thứ yếu so với các mục tiêu dài hạn. Một đội bóng trẻ là vườn ươm tài năng và không có mục tiêu buộc phải chiến thắng. Giờ là lần đầu tiên Wenger thấy mình phải huấn luyện một đội bóng mà kết quả sẽ trở thành vấn đề thật sự vào cuối tuần.

Chính ở Nancy, Wenger bắt đầu bộc lộ khả năng tinh tường trong việc mua cầu thủ mà sau này đã trở nên quen thuộc ở Arsenal. Không có những khoản tiền lớn để xây dựng đội hình theo ý đồ, ông buộc phải bỏ công đi tìm kiếm cầu thủ. Với năng khiếu, khả năng ứng biến và biết cách tung hỏa mù, đôi khi còn giả vờ tin tưởng không đúng chỗ, Wenger đã “làm xiếc“ trên thị trường cầu thủ. Ông mượn được một hậu vệ Bồ Đào Nha từ PSG và một trung phong từ Metz, đội láng giềng ở hạng 4. Để thay thế “máy quét“ Phillippe Jeannol, người bị quyến rũ bởi danh tiếng và tiền bạc của PSG, Wenger đã liên hệ với người bạn cũ Jean-Luc Arribat. Ở tuổi 29, Arribat đã chu du nhiều nơi và quyết định tới Nancy bởi sự đặc biệt của Wenger.


Aldo Platini và Arsene Wenger - Ảnh: FERMER

Wenger rất nghiêm túc, yêu cầu cao và kiên định. Ông luôn là người đầu tiên đến Forêt-de-Haye, sân tập ngoại ô cách trung tâm thành phố 10km, và là người về cuối cùng. Nhưng mặt khác, ông cũng là người của thực tế, cấp tiến và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Arribart kể: “Để tạo được hứng thú cho các cầu thủ, Wenger cố gắng đảm bảo sự đa dạng trong các buổi tập. Ông ấy giúp chúng tôi tin tưởng vào bản thân và hiểu rõ trách nhiệm trên sân“.

Aldo Platini cũng hài lòng: “Tôi hơi ngạc nhiên bởi những gì Arsene đã làm được. Tôi chưa bao giờ thấy có điều tiếng gì về vấn đề huấn luyện của anh ấy. Arsene rất được yêu mến và đó là điều hiếm thấy. Anh ấy là một thủ lĩnh bẩm sinh. Arsene biết khi nào nên im lặng và khi nào nên nói“.

Tinh thần đổi mới

Từ đầu những năm 1970, Nancy đã sử dụng hàng rào cầu thủ bằng gỗ để tập đá phạt trực tiếp. Đó cũng là câu lạc bộ đầu tiên ở Pháp lập ra trung tâm đào tạo. Còn cái Wenger đã mang đến câu lạc bộ này là tinh thần đổi mới.

Giờ thì ông đã có toàn quyền về chuyên môn và cơ hội để thực hiện các ý tưởng đang ấp ủ. Động thái đầu tiên là đưa đội bóng đi cắm trại xa để tập luyện trong mùa hè. Không bao giờ làm điều gì nửa vời, Wenger chọn Val Thorens, một khu trượt tuyết thuộc dãy núi Alps.

Wenger mời một nhà dinh dưỡng học tới để giáo dục các cầu thủ về phương pháp và chế độ ăn, cái gì nên ăn và cái gì không. Khi các cầu thủ ngồi ăn trong căn tin, họ không bao giờ thấy có bánh mì trên bàn và chắc chắn cũng không có bơ. Wenger cấm ngặt trò ăn vặt trước các bữa và yêu cầu tăng tối đa các thực phẩm thô hoặc rau luộc. Thậm chí vợ của các cầu thủ cũng được gọi đến để nghe nói chuyện bởi họ là những người nấu ăn ở nhà. Bác sĩ dinh dưỡng viết một cuốn sổ tay hướng dẫn nhỏ và phân phát cho cả đội bóng.

“Với một huấn luyện viên trưởng, điều khó khăn nhất là phải tới vào thời điểm thích hợp và ra đi cũng vào một thời điểm thích hợp. Nó giống như một mối tình: luôn có một người ít muốn chia tay hơn người kia và khi sự việc đã qua, họ phải mất nhiều thời gian hơn để vượt qua nỗi thất vọng. Có những người vẫn tiếp tục nghĩ ngợi và gặm nhấm nỗi buồn trước khi quen được với thực tại. Cũng có những người không thể không lo nghĩ và chuẩn bị để đối phó ngay khi hiểm họa còn đang manh nha. Tôi là người như thế“.

Có cảm giác Wenger coi Nancy như một phòng thí nghiệm bóng đá. Một trong những điều vĩ đại nhất mà ông làm được ở Arsenal là tạo ra những ngôi sao. Ông biết cách thu thập những mảng màu mờ nhạt để ráp thành một bức tranh rực rỡ. Chính ông đã biến Emmanuel Petit từ sự lựa chọn thứ 3 ở vị trí hậu vệ trái đội tuyển quốc gia thành tiền vệ trung tâm số một của đội tuyển Pháp và tỏa sáng ở World Cup 1998. Giống như một cao thủ chơi cờ, ông đã điều Thierry Henry từ biên vào giữa và biến anh thành một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới. Nhưng điều tương tự xảy ra đầu tiên ở Nancy. Khi Wenger ký hợp đồng với cầu thủ 20 tuổi Eric Bertrand, anh này còn là một tiền đạo ở các hạng đấu thấp. Tới khi Wenger rời Nancy 3 năm sau đó, ông đã kịp biến Bertrand thành một hậu vệ cánh tài năng. Năm 1986, một tiền vệ trái có tên Eric Di Meco được mượn về từ Olympique Marseille. Wenger đã thử anh ở vị trí hậu vệ trái và nhờ thi đấu tốt trong vai trò đó, Di Meco đã được gọi vào đội tuyển Pháp và trở lại Marseille, nơi anh được chơi ở 2 trận chung kết Cúp C1.

Arribart nói: “Wenger có thể nhìn thấy khả năng phát triển của các cầu thủ trẻ. Ông ấy hiểu rằng một cầu thủ có thể chơi ở nhiều vị trí khác nhau, phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe và sự phát triển tài năng. Đó là vấn đề năng khiếu“.

Phong cách “giáo sư"

Thoạt trông, Wenger như một kẻ nhạt nhẽo. Ông vẫn thường xuất hiện ở đường biên với vẻ ngoài vô cảm. Thậm chí trong những thất bại cay đắng nhất, Wenger vẫn xuất hiện trước giới truyền thông với một cái “mặt nạ“ mà nếu không tinh ý bạn sẽ không nhận ra dấu hiệu thất vọng phảng phất trên mặt ông.


HLV Wenger mang phong cách "giáo sư" - Ảnh: The Sun

Thực ra, khi còn ở Nancy, Wenger chưa có cái “mặt nạ“ đó và lúc ông tức giận, điều đó sẽ lộ rõ. Theo Arribart, trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp huấn luyện viên, Wenger thể hiện cảm xúc nhiều hơn. Nhưng rồi ông dần học được cách kiềm chế cơn giận khi nhận ra rằng người bình tĩnh có lợi hơn và tạo được ảnh hưởng tốt hơn tới các học trò.

Bão táp

Wenger đã ổn định được cuộc sống ở Nancy. Nơi ở của huấn luyện viên này là một căn hộ tại trung tâm thành phố nhưng ông chỉ dùng để về ngủ và nghiên cứu băng hình các trận đấu. Sau mỗi trận trên sân nhà, ông cùng với Ban giám đốc câu lạc bộ đi ăn tối ở một nhà hàng Italia, thói quen vẫn được duy trì sau này khi ở Arsenal. Mỗi tuần một lần, Wenger ăn trưa ở nhà Platini gần Forêt-de- Haye.

Mùa bóng đầu tiên của Wenger ở Nancy kết thúc với vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng. Theo Aldo Platini, vị trí đó cũng đã là rất tốt. Nhưng sau khi mùa bóng kết thúc, Nancy không còn giữ được những cầu thủ tốt nhất. Tiền đạo Robert Jacquet sang PSG, tiền vệ sáng tạo người Uruguay Ruben Umpierrez được bán cho Matra Racing, thủ môn đội tuyển quốc gia Bruno Martini trở lại Auxerre sau thời gian được cho mượn 2 năm. Lần đầu tiên, Wenger thể hiện khả năng tìm kiếm các tài năng giá rẻ hơn ở nước ngoài. Vượt qua nhiều câu lạc bộ khác, ông có được hậu vệ người Slovenia, Adriano Fegic (từng khoác áo đội tuyển Nam Tư cũ).

1985-1986 không phải là một mùa giải thành công với Nancy. Lượng khán giả nhà tới sân tăng lên nhưng thành tích của đội bóng đi xuống. Thảm họa được chặn lại ở vị trí thứ 17 cuối mùa giải và có suất play-off tranh vé trụ hạng gặp đội bóng cũ của Wenger, FC Mulhouse (đội xếp thứ hai ở giải hạng Nhì). Nancy giành chiến thắng chung cuộc sau 2 lượt đấu với tổng tỷ số 3-2 và đảm bảo vị trí ở giải Vô địch Pháp mùa kế tiếp.

Sau mùa giải thứ hai của Wenger ở Nancy, tình hình “chảy máu“ cầu thủ của câu lạc bộ thêm trầm trọng. Các tiền vệ Arribart, Bruno Germain, Eric Martin lần lượt ra đi. Nancy mất gần như cả hàng tiền vệ. Ngân sách hạn hẹp nên dù đã trổ tài mua sắm cầu thủ “tốt và rẻ“ nhưng Wenger cũng chỉ đưa về được một tiền vệ là Phillippe Piette. Aldo Platini tìm thêm được tiền vệ Peter Hannich, tuyển thủ Hungary từng chơi ở Mexico’86.

Tình hình của Nancy thực sự nguy ngập ở mùa bóng 1986-1987. Aldo Platini thừa nhận là không thể cứu vãn: “Các cầu thủ bỏ đi khi hết hạn hợp đồng. Những cầu thủ mà chúng tôi định mua thì lại đắt nên Chủ tịch câu lạc bộ không muốn chi tiền. Chúng tôi bị xuống hạng là đúng“.

Đó là lần duy nhất trong 3 thập kỷ liên quan tới bóng đá cho tới nay, Wenger có trải nghiệm xuống hạng. Nhưng thái độ của ông khá bình thản. Wenger đã làm hết sức mình. Thông thường, khi thành tích của câu lạc bộ giảm sút thì huấn luyện viên bị quy lỗi trước tiên và ở trường hợp này, Wenger sẽ là người đầu tiên bị sa thải. Nhưng ông đã chuẩn bị tinh thần khi biết trước mình sẽ phải ra đi.

Nancy xuống hạng nhưng cả nước Pháp đã biết đến tài năng của Wenger. Rõ ràng, Nancy xuống hạng vì quá yếu chứ không phải do lỗi ở huấn luyện viên. Một chân trời mới đang chờ đón Wenger!  

Đón đọc kì 5: Đoạt chức vô địch quốc gia ngay mùa đầu tiên dẫn dắt Monaco

Quang Dũng
Tư liệu từ TT&VH, ngày 31.12.2005

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm