Góc nhìn: Falcao có sống nổi ở Manchester?

12/09/2014 14:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Không có gì phải nghi ngờ về tài năng của Falcao, cho dù tiền lương cao ngất ngưởng (265 nghìn bảng/ tuần) và áp lực phải thành công ngay lập tức ở Man United là những trở ngại không nhỏ trước mắt anh. Nhưng liệu anh có hòa nhập được với cuộc sống ở Anh hay không vẫn là câu hỏi lớn nhất.

Khác biệt về ngôn ngữ và lối sống

Falcao kết hôn với Lorelei Taron, một ca sĩ người Argentina, có một cô con gái được sinh ra ở Monaco, vừa kỷ niệm sinh nhật lần đầu tiên. Đây là đất nước thứ sáu anh từng đặt chân đến trong sự nghiệp của mình, nhưng không phải một quốc gia nói tiếng Latin hoặc nằm ở Địa Trung Hải như năm lần trước đây.

Mùa giải 1992-1993, khi kỷ nguyên Premier League bắt đầu, số cầu thủ vượt đại dương đến Anh thi đấu chỉ vừa đủ 11 người. Vụ chuyển nhượng Falcao đã nâng số quốc tịch hiện diện ở mình sân Old Trafford lên con số 11.

Vào những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng Hè này, Harry Redknapp đã kịp ký hợp đồng với hai cầu thủ người Chile, Eduardo Vargas và Mauricio Isla từ Napoli và Juventus. Đó là điều đáng ngạc nhiên, vì trước đó, lần gần nhất chiêu mộ một cầu thủ Chile của Redknapp, vụ Javier Margas đến West Ham năm 1998, là một thảm họa thực sự.

“Chúng tôi cho cậu ta ở một ngôi nhà ở trung tâm Essex, cho cậu ta một chiếc xe để chạy, nhưng cậu ta không nói nổi một từ tiếng Anh” - Redknapp nhớ lại. “Vào ngày đầu tiên cậu ta nhận xe, chúng tôi muốn cậu ta tìm sân tập của đội, nhưng rốt cục, cậu ta lái xe thẳng đến phi trường Stansted, rồi bị nổ lốp khi đi vào đường làng”.

“Không ai bận tâm đến họ cả. Margas tội nghiệp, vợ cậu ta khóc ròng cả ngày” - Redknapp ngán ngẩm kết luận. Margas gần như biến mất chỉ sau vài tuần, vẫn gắn bó với West Ham ba mùa nhưng chỉ ra sân 24 lần và ghi một bàn thắng.

Cristiano Ronaldo cũng từng phải khóc ròng sau khi trở về từ EURO 2004, giải đấu mà cái nháy mắt tinh quái của anh khi Wayne Rooney bị đuổi đã khiến truyền thông lá cải của nước Anh nổi giận. Thierry Henry mất đến vài tháng chật vật đến mức phải thừa nhận rằng “tôi cần phải được dạy lại về nghệ thuật làm bàn” ở Arsenal. Jose Antonio Reyes, bản hợp đồng kỷ lục của Arsenal năm 2004, không bao giờ vượt qua được nỗi nhớ nhà và phải trở lại Iberia sau hai năm rưỡi vật lộn với cuộc sống ở Anh.

Khi David Ginola chuyển đến Newcastle từ Paris Saint-Germain năm 1995, anh lập tức nhận ra cú sốc văn hóa ảnh hưởng đến gia đình mình như thế nào: “Vào ngày đầu tiên ở Newcastle, tôi lái xe vòng quanh thành phố với vợ và nói, ‘đây là nơi chúng ta sẽ sống’. Tôi nhận ra sự biến chuyển lớn khi nhìn thấy vợ tôi gục vào vai tôi và khóc ngon lành trong xe”.

Vẫn có những ngoại lệ

“Điều tôi lo lắng nhất là gia đình tôi sẽ thích ứng thế nào. Họ (đội bóng) trả rất nhiều tiền và họ muốn kết quả. Đôi khi người ta quên rằng cầu thủ bóng đá cũng là con người” - Ginola nhớ lại. Rất may mắn là ban đầu, Ginola được ở chung với Les Ferdinand và Warren Barton ở một khách sạn tại Newcastle. Cả hai rất cởi mở, thân thiện và là những người đã dạy Ginola cách yêu bài hát truyền thống của đội, ‘Only Fools and Horses’, khi nó được bật trên xe bus.

Tất nhiên, vẫn có một số ngoại lệ. Sergio Aguero đến Man City năm 2011, lập tức ghi bàn trong trận ra mắt và sau đó là một lô bàn thắng không ngừng nghỉ. Diego Costa mới đến Chelsea, nhưng đã hòa nhập tuyệt vời với lối chơi của đội và nhanh chóng trở thành chân sút chủ lực.

Falcao có một vài “đồng minh” sẽ cùng tham gia vào quá trình hòa nhập với sân Old Trafford, là Angel di Maria, Daley Blind, Ander Herrera, Luke và Marcos Rojo. Nhưng như đã nói, sức ép mà anh (và Di Maria) phải chịu là lớn hơn rất nhiều so với các tân binh còn lại, với mức lương “trên trời” nhận được. Anh có thể không chỉ phải đối mặt với khác biệt về lối sống, mà còn cả sự đố kỵ, lẫn kỳ vọng.

Và cũng đừng quên, mùa trước, anh đã phải vật lộn với chấn thương như thế nào.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm