Khắc phục 'điểm nghẽn' trong giáo dục nghề nghiệp

03/09/2018 11:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Phân luồng giáo dục, nhất là học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Mặc dù nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra nhưng nhiều năm qua việc phân luồng vẫn là "điểm nghẽn" trong hệ thống giáo dục quốc dân, gây nên sự tốn kém, lãng phí không nhỏ trong việc sử dụng nguồn nhân lực của đất nước.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ Chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình đào tạo cao đẳng 9+). Đây được coi là giải pháp nhằm tăng cường tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo trình độ trung cấp đối với học sinh trung học cơ sở, tạo cơ hội thuận lợi cho người học, đẩy mạnh định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025.

Kinh nghiệm của quốc tế

Theo các chuyên gia về lao động việc làm, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước phát triển khác, chương trình 9+ thường thiết kế 3 đến 5 năm rất thành công; học sinh học ra trường có việc làm với thu nhập cao. Điển hình, tại Nhật Bản, mô hình Kosen là hệ thống các trường đào tạo kỹ thuật quốc lập tại Nhật Bản được thành lập năm 1961, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lớn từ ngành công nghiệp khi nền công nghiệp Nhật Bản đang ở mức phát triển vượt trội.

Hiện, Nhật Bản có tổng số 57 trường thuộc hệ thống Kosen (51 trường cấp quốc gia, 3 trường công, 3 trường tư). Mô hình này tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở ở độ tuổi 15 và đào tạo học sinh trong 5 năm để cấp bằng cao đẳng. Kosen sử dụng xuyên suốt phương pháp đặt vấn đề trong quá trình dạy học, nhằm giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng cần thiết như thói quen/kỹ năng đọc tài liệu, phương pháp tư duy khoa học, tranh luận khoa học, làm việc tập thể, sớm tiếp cận những vấn đề thực tiễn. Trong mô hình Kosen, trên 80% giảng viên là những người có trình độ cao về chuyên môn.

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các trường Kosen được đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại để học sinh có thể thích nghi nhanh chóng với việc làm sau khi tốt nghiệp. Những năm cuối, học sinh được dành phần lớn thời gian để tiến hành các thí nghiệm và thực tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên, chuyên gia nhằm phát huy tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Tính hấp dẫn của các trường Kosen không chỉ là chất lượng đào tạo cao, còn có nhiều cơ hội cho học sinh tự phát triển, thể hiện mình. Khoảng 99% sinh viên tốt nghiệp từ các trường Kosen tìm được việc làm và làm các công việc đúng chuyên ngành học tập của mình.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2012-2016, Bộ Công Thương đã hợp tác với JICA đào tạo thí điểm theo mô hình Kosen tại một số trường thuộc Bộ: Cao đẳng Công thương Phúc Yên, Cao đẳng Công thương Huế, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm, Đại học Sao Đỏ, Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Năm 2018, Kosen triển khai hợp tác với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở thỏa thuận hợp tác cấp cao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hiện, Bộ đang dự kiến trình Chính phủ tổ chức đào tạo thí điểm theo mô hình Kosen; nếu được Thủ tướng chấp thuận, dự kiến năm 2019, người học sẽ có cơ hội lựa chọn các ngành, nghề học theo mô hình này để đa dạng các hình thức đào tạo.  

Áp dụng tại Việt Nam

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ Chương trình đào tạo cao đẳng 9+ đồng thời có Công văn số 2817 ngày 13/7/2018 gửi tới các trường trung cấp, trường cao đẳng về việc khuyến khích xây dựng chương trình, tổ chức tuyển sinh đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo đó, công văn đề nghị các trường nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo cao đẳng liên thông từ trung cấp dành cho đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Chương trình này được thiết kế, tổ chức đào tạo bảo đảm các điều kiện: việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Người học sau khi nhận bằng trung cấp sẽ tiếp tục học liên thông ngay lên chương trình cao đẳng cùng ngành nghề, những nội dung đã học không phải học lại. Trong quá trình học trung cấp, người học được tăng cường học văn hóa trung học phổ thông theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm đủ điều kiện học liên thông lên trình độ cao đẳng. Chương trình đào tạo được thiết kế chặt chẽ, linh hoạt, chia từ 3-5 năm theo ngành nghề, bảo đảm người học tùy theo điều kiện của mình có thể học liên tục theo các giai đoạn của chương trình hoặc cũng có thể dừng học để tham gia thị trường lao động với trình độ tương ứng với quá trình học tập.

Giải thích thêm về chương trình này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết: Thực ra đây không phải là mô hình mới. Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ năm 2015 và ngày 1/1/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các bậc sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (15 tuổi) sẽ có hai "ngã rẽ" cho học sinh lựa chọn: học tiếp Trung học phổ thông và cao hơn hoặc gia nhập thị trường lao động. Nhưng tại một số quốc gia đã có sự phân luồng sớm ở tuổi 15, tức là các em có thể lựa chọn vào học nghề để tham gia thị trường lao động sớm hơn.

Chương trình đào tạo 9+ được hiểu theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo thông lệ quốc tế là học sinh học hết lớp 9 có quyền lựa chọn: học các lớp nghề ngắn hạn như chăm sóc sắc đẹp, nghề nấu ăn, làm bánh hay một số ngành nghề dịch vụ và tham gia thị trường lao động ngay tại các Trung tâm dạy nghề. Những nghề này chỉ mất thời gian đào tạo từ 6 tháng đến một năm, sau đó các em chỉ được làm những công việc không nặng nhọc, độc hại và pháp luật cho phép lao động vị thành niên (16 đến 18 tuổi) được làm. Lựa chọn thứ hai là các em sẽ tham gia học các chương trình 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 theo đúng quy định 8 bậc trình độ Quốc gia. Theo đó, từ 1- 2 năm, các em có thể lấy bằng trung cấp, 1-2 năm sau lấy bằng cao đẳng. Sau khi tham gia thị trường lao động, các em có thể học lên đại học nếu muốn. Điều này có nghĩa sau khi tốt nghiệp lớp 9, ở 15 tuổi các em có quyền vào học sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Chương trình này được thiết kế liên thông để các nội dung phù hợp với từng lứa tuổi theo một lộ trình dài. Quá trình đào tạo nó cũng đảm bảo tâm sinh lý và sức khỏe từng giai đoạn cũng như từng lứa tuổi. 17-18 tuổi, các em được học chuyên sâu vào các nghề mang tính thực hành nhiều hơn còn ở lứa tuổi 15-16 sẽ tập trung đào nhiều hơn về văn hóa, thể mỹ. Do đó, chương trình 9+ thường được thiết kế từ 3- 5 năm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số quốc gia khác. Bởi, từ 3-5 năm mới đủ thời gian để đào tạo cả văn hóa, đạo đức, phẩm chất, kỹ năng nghề cho các em từ 15 đến 19 tuổi. Với lộ trình này, những em cảm thấy không phù hợp với việc học lên cao hơn, khi 18, 19 tuổi đã có bằng cao đẳng để làm việc.

Xây dựng chương trình chất lượng, gắn với doanh nghiệp

Dù vậy, việc thực hiện mô hình 9+ cũng có một số khó khăn nhất định trong việc phân luồng và thay đổi nhận thức của xã hội. Mô hình phân luồng của Việt Nam ngược so với Nhật Bản và các nước trên thế giới. Những học sinh không đỗ được trung học phổ thông hoặc đại học mới nghĩ đến đi học nghề. Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến năm 2020, phân luồng sau trung học cơ sở phải đạt 30% học sinh vào học các trường nghề nhưng hiện nay con số này mới chỉ đạt 15%. Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017, có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không học Đại học. Điều này dẫn đến sự lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, xã hội hiện nay rất chú trọng bằng cấp, vì vậy, nhiều người có suy nghĩ học nghề chỉ dành cho những người không đỗ đạt. Cần thay đổi nhận thức này. Mỗi người sẽ có sự lựa chọn để phù hợp nhất với hoàn cảnh kinh tế gia đình và điều kiện bản thân. Ví dụ, một học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thể lựa chọn trường nghề để được miễn giảm học phí và có việc làm ngay tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Bất cứ khi nào các em muốn có thể học liên thông lên đại học.

Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra các giải pháp để phân luồng người học bằng chính sách hấp dẫn như: miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội, học theo chế độ cử tuyển, người học học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù; chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chi phí và vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài...

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất trình Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025", với mục tiêu đến 2025 có thể phân luồng 40% học sinh vào học các trường nghề.

Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng, nghiêm cấm, buộc dừng các chương trình đào tạo kém; xây dựng các chương trình đào tạo thí điểm có chất lượng cao, gắn chặt với doanh nghiệp để sau khi tốt nghiệp, người học có công việc tốt, mức lương cao. "Chỉ có chất lượng tốt mới bảo đảm điều kiện thuận lợi cho các em ở lứa tuổi 15 và chỉ có chất lượng tốt mới giúp phân luồng tốt, thu hút được người học tham gia" - Thứ trưởng Lê Quân khẳng định.

TTXVN/Phúc Hằng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục cần cởi mở, minh bạch để tạo đồng thuận trong xã hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục cần cởi mở, minh bạch để tạo đồng thuận trong xã hội

Ngày 2/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm