Italia thua penalty vì thiếu 'chất Balotelli'?

29/06/2013 14:05 GMT+7 | Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Người Ý luôn thiếu tự tin và may mắn trong những lần đá luân lưu. Trong tổng cộng 9 lần phải thi đá luân lưu để phân định thắng thua trong các giải lớn, Italia chỉ thắng 3, đạt tỉ lệ chiến thắng chỉ 33%. So với những chuyên gia đá phạt đền nổi tiếng như CH Czech (100%) hay Đức (80%), khả năng đá luân lưu của Ý rõ ràng là kém. Trong số các đội mạnh trên thế giới, Ý chỉ đá phạt đền giỏi hơn Hà Lan (20%) và Anh (14%).


Một lần nữa, Italia gục ngã trước Tây Ban Nha ở chấm 11m

Đấy là một nghịch lý, bởi Italia chưa bao giờ thiếu những thủ môn giỏi và chuyên gia đá penalty trong đội hình. Tại World Cup 1990, họ có thủ môn vĩ đại Walter Zenga trong thành phần, nhưng ông cũng chỉ chạm được tay vào bóng ở cú sút của Jose Serrizuela, chứ không thể cản được, và Ý thua Argentina ở bán kết vì hai quả đá hỏng ăn của Donadoni và Aldo Senna.

Tại World Cup 1994 và 1998, Gianluica Pagliuca hai lần liên tiếp thất bại. Hôm qua trước Tây Ban Nha, những Pirlo, Montolivo, De Rossi, Buffon, đâu có kém gì Iniesta, Xavi, Mata, Casillas,… về khả năng đá và cản phá penalty?

Đá phạt đền rất cần sự lỳ lợm, và cầu thủ Ý, thật kỳ lạ, nổi tiếng với khả năng phòng ngự lỳ lợm nhưng luôn run rẩy trong những quả đá quyết định.

Franco Baresi là thủ lĩnh của Milan suốt gần 20 năm. Tại World Cup 1990, Baresi thực hiện thành công của penalty đầu tiên cho đội Ý, nhưng thật trớ trêu, ông lại đá hỏng quả đầu tiên ở Mỹ 1994. Tương tự với Albertini: Ở tuổi 23, anh có thể đá cực kỳ điềm tĩnh quả phạt đền vào lưới Brazil, trong sức ép ngàn cân của trận chung kết World Cup. Nhưng ở tuổi 27, khi đã trưởng thành hơn nhiều và đã kinh qua thất bại, anh lại đá hỏng quả phạt đền ở tứ kết France 98.

Số phận dường như cứ muốn trêu người Ý. Dù họ có tài đến mấy, có nỗ lực và đã rút kinh nghiệm sau thất bại, vẫn cứ không tránh khỏi cái chết trên chấm luân lưu. Ví dụ như Pagliuca đã thất bại ở cả World Cup 1994 lẫn 1998, dù ở cả hai kỳ giải, ông đều đẩy thành công quả đá đầu tiên của đối thủ (Marcio Santos năm 1994 và Lizarazu năm 1998), mang lại lợi thế tâm lý cực lớn cho Italia.

Roberto Baggio là người xung phong đá quả đầu tiên trước Pháp năm 1998, và ông đá thành công, để xóa đi cái dớp đau buồn năm 1994. Nhưng chàng trai trẻ Luigi Di Biagio, người có cái họ chỉ khác Baggio vài ký tự, lại đi vào vết xe đổ của người đàn anh, với quả đá trúng xà ngang.

Người Ý dường như chỉ thắng được trên chấm luân lưu khi "thòng lọng treo cổ" của những scandal đã lơ lửng trước mặt, như Calciopoli năm 2006 hay Scommessopoli năm 2012: Tại World Cup 2006, Ý thắng Pháp trong trận chung kết mà không đá hỏng quả phạt đền nào, khi những chân sút penalty cự phách là Pirlo, De Rossi, Materazzi, Grosso, Del Piero đều đá thành công.

Hôm qua, người Ý đá penalty không tồi, và lại giành lợi thế tâm lý trước sau cú Cucchiao bản lĩnh (hay liều lĩnh?) của Candreva ngay lượt sút đầu tiên.

Nhưng không như lần Pirlo thực hiện cú Cucchiaio tương tự năm 2012, Ý đã không thắng. Là vì họ thiếu một Balotelli lỳ lợm đến mức chỉ hướng sút cho Joe Hart trước khi thực hiện, và là một chuyên gia đá phạt đền với 24/24 lần thành công trong 6 năm qua? Nhưng mà nếu có Balotelli, Italia có khi đã thắng sau 120 phút thi đấu chính thức rồi cũng nên?

Vậy đấy, số phận hay bản lĩnh, chỉ có Chúa mới có câu trả lời.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm