Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Chú rùa đi xuyên 2 thế kỷ và một thế giới nhân bản

27/05/2025 06:12 GMT+7 | Văn hoá

Với lối kể nhẹ nhàng, giàu chất triết lý qua góc nhìn một sinh vật bé nhỏ, bản thảo truyện dài 120 năm lưu lạc của rùa Xám Đen Hy Lạp của Đặng Chương Ngạn đã lọt vào Top 10 chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025. Đó là hành trình thú vị xuyên qua 2 thế kỷ của một chú rùa để tái hiện một phần lịch sử nhân loại, đồng thời mở ra một thế giới nhân bản, đầy lòng trắc ẩn.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 - 2025

Tại mùa giải Dế Mèn năm ngoái, Đặng Chương Ngạn đã từng được Tặng thưởng của Hội đồng giám khảo dành cho bản thảo truyện dài Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò.

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà văn Đặng Chương Ngạn về chú rùa Xám Đen và mùa giải Dế Mèn năm nay.

Một biểu tượng giàu ẩn dụ

* Vì sao ông lại chọn một chú rùa để làm "người kể chuyện" trong sáng tác này?

- Tôi muốn kể một câu chuyện xuyên qua 2 thế kỷ, từ đầu thế kỷ 20 đến năm 2024. Nhân vật chính lưu lạc qua nhiều vùng đất, chứng kiến những sự kiện lịch sử lớn của loài người: Thế chiến I, Thế chiến II, nạn diệt chủng, phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người da đen, chiến tranh Vùng Vịnh, đại dịch Covid-19...  

Khó có một con người nào sống được lâu như vậy mà vẫn còn minh mẫn. Và giả sử, con người sống lâu hơn 120 năm, thì trong truyện dài này, tôi cũng không lấy họ làm nhân vật chính. Tôi  muốn đó là một thực thể khác, có thể đứng tách ra bên ngoài,  nhìn và suy ngẫm về xã hội loài người, về các biến cố lịch sử của con người, lòng tốt cũng như tội ác của con người…

Chỉ có loài rùa mới sống được trên 120 năm, có thể sống đến 150 năm. Đôi khi, các cụ rùa im lặng hàng giờ, lim dim đôi mắt, có dáng dấp như một triết gia, một bậc hiền triết cao niên… rất phù hợp với câu chuyện.

Hơn nữa, rùa cạn ở đảo Crete có hình dáng đẹp, kích thước khá nhỏ, dễ nuôi, một thời được xem là vật cưng ở khắp châu Âu. Trẻ con Pháp, Đức, Áo, Anh… rất thích nuôi rùa Hy Lạp… Đó cũng là món quà trẻ em hay được tặng vào dịp sinh nhật. Rùa rất thân thuộc trong đời sống của trẻ em, người lớn ở nhiều quốc gia.

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Chú rùa đi xuyên 2 thế kỷ và một thế giới nhân bản - Ảnh 1.

Tác giả Đặng Chương Ngạn

* Trong truyện, Xám Đen không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là biểu tượng giàu triết lý. Ông đã đặt vào nhân vật này những ẩn dụ và kỳ vọng gì?

- Tôi xây dựng hình tượng rùa Xám Đen như một biểu tượng văn chương giàu ẩn dụ về thời gian, lịch sử và nhân tính. Xám Đen trở thành chứng nhân của hơn một thế kỷ biến động. Mỗi chặng đường Xám Đen đi qua không chỉ tái hiện những lát cắt lịch sử mà còn thể hiện lòng trắc ẩn, khát vọng sống thiện lương và những nỗ lực không ngừng của con người để giữ lại phần nhân bản trong thế giới đầy bất ổn.

Qua Xám Đen, tôi kỳ vọng văn chương có thể giúp các em độc giả trẻ hiểu rằng: Quá khứ không chỉ để ghi nhớ, mà còn để rút ra bài học để suy ngẫm; hiện tại là cơ hội để sống tử tế; còn tương lai phụ thuộc vào thái độ sống, sự lựa chọn của chúng ta từ chính hôm nay.

Xám Đen đôi khi không còn là con rùa. Nó chính là lương tâm, lý tính của chúng ta, đang tách ra khỏi phận người, đứng trên cao nhìn xuống cuộc sống của nhân loại này, để đau đớn, chua xót, tiếc nuối, ao ước và khao khát.

Câu chuyện tràn đến và đẩy ngòi bút đi

* Tập truyện chạm tới nhiều chủ đề lớn: chiến tranh, di cư, môi trường, sự tha hóa và lòng trắc ẩn. Nhưng tất cả đều được kể bằng một giọng văn nhẹ nhàng, đôi khi hài hước. Đó là sự lựa chọn có chủ đích ngay từ đầu hay là điều tự nhiên đến trong quá trình sáng tác?

- Đó là một lựa chọn có chủ đích ngay từ đầu. Khi viết cho lứa tuổi 11 - 16, tôi luôn tâm niệm rằng mình không nên áp đặt cảm xúc u ám, nặng nề, phi lý lên vai các em.

Những chủ đề như chiến tranh, màu da, di cư, phân biệt chủng tộc, môi trường hay sự tha hóa đều rất lớn, đôi khi dữ dội, khắc nghiệt… nhưng tôi tin rằng một giọng kể nhẹ nhàng, thậm chí hài hước, lại là cách hiệu quả nhất để các em tiếp nhận và ghi nhớ. Nó giống như cách các bà mẹ đêm đêm thủ thỉ kể chuyện, giúp các em vừa hiểu, vừa cảm, mà không bị choáng ngợp.

Đồng thời, sự nhẹ nhàng ấy cũng làm nổi bật hơn sự mất mát, tiếc nuối, những nỗi đau, mất mát, ly biệt trong thế giới thực - để các em tự nhận ra cái đẹp, cái thiện, sự tử tế... Vì thế, giọng văn ấy không phải đến một cách ngẫu nhiên, mà là sự chọn lựa có cân nhắc, xuất phát từ lòng tôn trọng bạn đọc nhỏ tuổi và mong muốn được lắng nghe từ phía tác giả.

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Chú rùa đi xuyên 2 thế kỷ và một thế giới nhân bản - Ảnh 2.

Bản thảo truyện dài “120 năm lưu lạc của rùa Xám Đen Hy Lạp” của Đặng Chương Ngạn

* Nhiều chương truyện gắn với các không gian cụ thể: châu Âu thời Thế chiến, Kenya, Iraq, và cả rừng Cát Tiên Việt Nam. Làm thế nào để ông vừa giữ được nhịp kể xuyên suốt, vừa đảm bảo sự chân thực về địa lý - văn hóa - lịch sử trong một tác phẩm dành cho thiếu niên?

- Nhịp điệu chung xuyên suốt của câu chuyện có lẽ tác giả nào cũng đã định hình trước khi viết cho cuốn sách tâm huyết của mình. Chỉ có câu văn, ngôn ngữ, chi tiết… đôi khi bị cuốn đi.

Thực tế, khi viết tôi thường không tuân theo được ý định ban đầu, câu chuyện tràn đến trong tâm trí và đẩy ngòi bút (chính xác hơn bàn phím) của tôi theo. Số phận của các nhân vật Jakob, Clara, Camille, Alexandre, Mike, Kiboko, kỹ sư Hiệp… cứ thế tiếp diễn, tựa như mọi thứ đã sắp đặt sẵn từ lâu và họ trình diễn theo số phận như số phận bao nhiêu con người sinh ra, sống…trong những năm tháng đó.

Khát vọng sống tự do và đúng với bản thể

"Sẽ may mắn cho tôi, nếu như có một chút kiến thức về lịch sử, về địa lý, một chút lòng nhân, sự tử tế… đã được gieo trong lý trí, và tâm hồn các em từ câu chuyện nhỏ này" - TÁC GIẢ ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN.

* Là  người viết dành nhiều tâm huyết cho thiếu nhi, ông có kỳ vọng gì vào việc nuôi dưỡng cảm xúc, nhân tính và trí tưởng tượng của trẻ qua câu chuyện này?

- Tôi luôn tin rằng văn chương dành cho thiếu nhi không chỉ để giải trí, mà còn là một cách nuôi dưỡng cảm xúc, nhân tính và trí tưởng tượng - những điều làm nên "con người" trước cả kiến thức hay kỹ năng.

Khi chọn Xám Đen làm người kể chuyện, tôi muốn các em trải nghiệm thế giới qua một sinh vật bé nhỏ - một chú rùa. Từ đó, các em sẽ học được cách lắng nghe, sự kiên nhẫn, lòng biết ơn, và đặc biệt là khả năng nhìn thấy cái đẹp trong những điều giản dị nhất. Tôi mong truyện giúp các em hiểu rằng: Mỗi sinh vật bé nhỏ đều có câu chuyện để kể, và trí tưởng tượng của con người chúng ta không có giới hạn nào cả.

Nếu sau khi đọc, các em hiểu thêm về các bài học lịch sử, địa lý, sinh vật… ở trường, thấy yêu thiên nhiên, biết cảm thông với người khác, biết nhìn suy ngẫm về thế giới xung quanh qua "đôi mắt", lý trí và tâm hồn của chính mình - thì đó là điều tôi kỳ vọng nhất.

* Nói rộng hơn, sau khi khép lại hành trình 120 năm cùng chú rùa Xám Đen, ông hy vọng độc giả, đặc biệt là các bạn nhỏ, sẽ giữ lại điều gì trong lòng?

- Rùa Xám Đen không chỉ là nhân vật chính, mà còn là sợi chỉ đỏ nối những con người tử tế, nhân hậu như Jakob, Clara, Camille, Alexandre, Mike, Kiboko, kỹ sư Hiệp... lại với nhau xuyên qua không gian và thời gian trên hành tinh rộng lớn này, trong 2 thế kỷ, qua hàng loạt biến cố lịch sử.

Tôi biết bạn đọc nhỏ tuổi sẽ khóc, cũng như tôi nhiều lần đã khóc khi đọc lại bản thảo cuốn sách này. Chúng ta khóc trước sự bất nhẫn, trước cái ác, trước nỗi đau… Trẻ em cần những câu chuyện vui tươi, nhí nhảnh, mơ mộng. Nhưng ở tuổi 11 - 16, các em đã lớn, đã trưởng thành, đã quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội, đến thân phận con người. Những câu chuyện buồn đau, mất mát, đưa các em về với đời thực, giúp các em biết sống cảm thông, chia sẻ, nhân ái hơn.

Tôi tin khi lau nước mắt, khi đọc xong những dòng cuối 120 năm lưu lạc của rùa Xám Đen Hy Lạp, các em sẽ nhận ra được nhiều điều. Có người lớn đọc xong bản thảo, bảo tôi: Có nhiều vấn đề bàn luận về các vấn đề xã hội, về chiến tranh - hòa bình, về sự sống - cái chết… trẻ em chưa thể hiểu được. Tôi thì luôn tin các em sẽ hiểu hết. Tuổi 11 - 16 bây giờ kiến thức sâu, rộng, sâu sắc hơn thế hệ cha anh rất nhiều…

Sẽ may mắn cho tôi, nếu như có một chút kiến thức về lịch sử, về địa lý, một chút lòng nhân, sự tử tế… đã được gieo trong lý trí, và tâm hồn các em từ câu chuyện nhỏ này.

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Chú rùa đi xuyên 2 thế kỷ và một thế giới nhân bản - Ảnh 4.

Tập truyện thiếu nhi “Chiếc vòng cổ màu xanh” (NXB Văn hóa Văn nghệ) của Đặng Chương Ngạn

* Một trong những kết đoạn nhiều cảm xúc là khi chú rùa cuối cùng được thả về với thiên nhiên. Có phải đó là một kết thúc biểu tượng cho giấc mơ được "trở về" với điều tự nhiên nhất, sau tất cả những lưu lạc, mất mát và biến động?

- Đúng vậy! Đó là khát vọng tự nhiên, cũng là lời nhắc nhở con người về giá trị của sự tự do và quyền được sống đúng với bản thể.

Sau tất cả, khi đã đi khắp thế giới, sống với đủ loại người, trải qua vinh quang lẫn cay đắng, điều rùa Xám Đen mong muốn nhất lại là được trở về thiên nhiên. Cái kết - khi người con cả của kỹ sư Hiệp thả rùa vào rừng Cát Tiên - mang ý nghĩa như vậy. Nó nhắc chúng ta rằng, mọi sinh vật đều cần được trở về với nơi thuộc về chính nó, nơi không có lồng sắt, chuồng trại, bể kính… chỉ có tự do.

Dế Mèn… "làm đẹp thêm bầu không khí văn chương"

* Năm ngoái, tác phẩm "Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò" của ông đã được trao Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Dế Mèn, và năm nay tác phẩm "120 năm lưu lạc của rùa Xám Đen Hy Lạp" của ông tiếp tục lọt vào Top 10 của giải thưởng. Cả 2 đều có nhân vật chính là động vật, và cùng gợi mở mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Phải chăng đây là mối quan tâm lâu dài trong văn chương thiếu nhi của ông?

- Hầu hết tác phẩm viết cho thiếu nhi của tôi nhân vật chính đều là một con vật. Từ năm 1985, tôi đã có một chú chim sếu bay vòng quanh Trái đất và nhận ra Trái đất này có quá nhiều chuyện lạ. Tôi cũng có một chú dế đêm đêm mải miết tập đàn ở một thành phố cổ. Rồi một chú chó Kẹo bị cẩu tặc bắt mất, khiến cho chủ nó mãi thương nhớ không nguôi, và đã mất nhiều thời gian để tìm kiếm…

Gần đây, 2 truyện dài của tôi được vào danh sách chung khảo Giải thưởng Dế Mèn nhân vật chính cũng đều là động vật. Một chú khỉ vàng Bắp trong truyện dài Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò đã chết oan uổng vì sự ích kỷ, độc ác của con người, một chú rùa Xám Đen lưu lạc 120 năm khắp thế giới…

Tất cả hàm chứa nhiều điều muốn nói, muốn tâm sự cùng các độc giả, trong đấy không thể thiếu thông điệp gợi mở: Con người nên đối xử với con người, với loài vật như thế nào, con người nên đối xử với thiên nhiên, với môi trường sống ra sao…?

Loài vật sẽ còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của tôi, sẽ luôn là mối quan tâm khi tôi viết cho các em.

* Việc liên tiếp có tác phẩm được ghi nhận tại Giải thưởng Dế Mèn, một giải thưởng uy tín vì thiếu nhi, mang đến cho ông cảm xúc và động lực sáng tác như thế nào?

- Tôi rất vui khi lại được vào danh sách Top 10 chung khảo Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 6, năm 2025.  Đó là sự động viên rất ấn tượng với tác giả viết cho thiếu nhi.

Qua 5 lần trao giải trước đây, Ban tổ chức Giải thưởng Dế Mèn đã tạo nên một thông lệ rất hay: Cứ khoảng giữa tháng 5 hàng năm danh sách Top 10 được công bố, đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6) hàng năm sẽ trao giải. Có thể khẳng định, đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa có một ban tổ chức giải nào làm được như vậy.

Sự tôn trọng tác giả, tôn trọng người viết sẽ làm đẹp thêm bầu không khí văn chương. Tôi rất mong, ngày 15/5 hàng năm sẽ thành một sinh hoạt văn hóa: Đó là ngày bạn đọc, và các tác giả, chờ đón Giải thưởng Dế Mèn công bố top 10.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Chú rùa đi xuyên 2 thế kỷ và một thế giới nhân bản - Ảnh 6.

Công Bắc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm