17/04/2025 11:46 GMT+7 | Tin tức 24h
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư, tại các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng diễn ra sáng 17/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc đã chủ trì phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”.
Tham dự phiên thảo luận có đại diện lãnh đạo một số quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp của các nước, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương Việt Nam.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết: Một trong những trụ cột quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh và cam kết đạt được Net Zero vào năm 2050 là phát triển nền kinh tế tuần hoàn, dựa trên các nguyên tắc tối ưu hóa tài nguyên, giảm chất thải và thúc đẩy phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần thực hiện các giải pháp toàn diện, trong đó, giáo dục đóng vai trò trung tâm nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng cho quá trình chuyển đổi xanh.
Hình ảnh quảng bá về du lịch Việt Nam trên video clip do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cung cấp phục vụ Hội nghị thượng đỉnh P4G
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Việt Nam đã ban hành các chính sách và quy định toàn diện trong giáo dục nhằm tạo điều kiện phát triển các ngành, nghề gắn với nền kinh tế tuần hoàn, tạo nền tảng cho sự phát triển của lực lượng lao động xanh. Cụ thể như: Ban hành các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng và kiểm định; cập nhật và phát triển các môn học, chương trình giảng dạy mới; nâng cao khả năng tiếp cận và bình đẳng trong giáo dục…, qua đó đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, thúc đẩy triển khai Khung trình độ quốc gia của Việt Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực liên quan đến STEM, phục vụ Cách mạng Công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi xanh; hiện đại hóa các chương trình giáo dục đại học về năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, xây dựng xanh, nông nghiệp hữu cơ và quản lý chất thải. Việt Nam cũng ưu tiên phát triển các ngành nghề xanh như quản lý rác thải thông minh, công nghệ tái chế và hậu cần bền vững.
Đề cập đến chính sách phát triển lực lượng lao động hướng tới tương lai xanh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao và có tay nghề cao luôn là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia và đối với Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã và đang tập trung triển khai nhiều hành động thiết thực, toàn diện như: Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định tự chủ đại học và chuyển đổi số là hai đột phá chiến lược nhằm tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết cho thế kỷ 21.
Trong những cải cách căn bản về giáo dục phổ thông, Việt Nam mong muốn xây dựng một hệ thống giáo dục mở, công bằng và hòa nhập nhằm tạo điều kiện học tập suốt đời. Các cải cách cũng được thực hiện trong quản lý và điều hành giáo dục từ cấp Tiểu học đến Đại học, đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, tích cực thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cũng đang phát triển mạnh mẽ để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế xanh. Những điểm nổi bật có thể kể đến như: ưu tiên phát triển các cơ sở đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn ASEAN và toàn cầu; triển khai Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, hỗ trợ mở rộng các ngành công nghệ cao, bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học… Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phê duyệt các chương trình đào tạo ưu tiên cho các ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia và cấp ASEAN, với mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng thúc đẩy đổi mới xanh.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm bằng cách tạo cơ hội việc làm bền vững, đảm bảo người lao động có thể tiếp cận việc làm trong nền kinh tế xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và thành phố xanh. Trong đó, Việt Nam tập trung vào việc tái đào tạo và nâng cao kỹ năng xanh tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch công nghiệp; khuyến khích quan hệ đối tác giáo dục-kinh doanh để gắn kết đào tạo với các hoạt động xanh. Đồng thời, Việt Nam cũng coi nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực STEM là động lực quan trọng của tăng trưởng bền vững; tìm kiếm quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển các mô hình toàn diện nhằm phát triển lực lượng lao động xanh.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế tập trung vào 3 nội dung chính: nhận diện khoảng cách giữa các ngành nghề, kỹ năng hiện có và các ngành nghề, kỹ năng mới cho quá trình chuyển đổi xanh; những chính sách cụ thể nhằm chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho tương lai xanh; các mô hình hợp tác thành công giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức trong nước, quốc tế để xây dựng đội ngũ nhân lực xanh.
Ông Mauricio Jaramillo Jassir, Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề đa phương Colombia chia sẻ: Cũng như các nước, Colombia đang xây dựng chiến lược đầu tư vào con người để họ trở thành động lực lớn dẫn dắt những nỗ lực tăng trưởng bền vững. Chính sách tăng trưởng xanh đã được đưa vào chính sách phát triển quốc gia của Colombia, chuyển đổi nền kinh tế trở thành nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, bao trùm hơn, chống chịu với biến đổi khí hậu tốt hơn. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc chuyển đổi thị trường lao động, Colombia đã triển khai nhiều chương trình giáo dục - đào tạo cho học sinh, sinh viên. Việc đào tạo lại cũng cần củng cố hơn nữa để thích ứng với việc chuyển đổi, giúp không ai bị bỏ lại phía sau. Các chương trình bảo trợ xã hội được bổ sung để hỗ trợ cho lực lượng lao động trong quá trình chuyển đổi này. Việc tạo ra các công việc xanh cũng là một trong những ưu tiên của Colombia, cùng với đó là các mô hình hợp tác khu vực công – tư, trong nước – quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ nhân lực sẵn sàng cho tương lai.
Bà Valentine Uwamariya, Bộ trưởng Bộ Môi trường Rwanda cho rằng: Các quốc gia trên thế giới đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng quá trình chuyển đổi chỉ thành công nếu các nước tập trung đầu tư vào con người và cơ sở hạ tầng. Rwanda đang tiếp cận vấn đề này với nhiều khía cạnh khác nhau, đặt người dân ở trung tâm để thúc đẩy nền kinh tế xanh. Trong đó, chú trọng đồng bộ hệ thống đào tạo với các kỹ năng cần thiết cho một nền tăng trưởng xanh, thúc đẩy đào tạo nghề với những khóa đào tạo đặc biệt về năng lượng mặt trời, nông nghiệp bền vững, xây dựng xanh; tăng cường mối liên kết giữa đào tạo với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, Chính phủ cũng thúc đẩy hợp tác với khu vực tư nhân để tạo ra cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất