03/04/2025 08:00 GMT+7 | Multimedia
Phạm Bình Chương là một họa sĩ đặc biệt của nền mỹ thuật Việt Nam, người đã dành trọn hơn 20 năm sự nghiệp để khám phá và tái hiện vẻ đẹp của Hà Nội. 6 triển lãm cá nhân chỉ vẽ về Hà Nôi đã ra mắt của anh là hành trình không ngừng sáng tạo để giữ vững chất riêng và lan tỏa tình yêu ấy đến với công chúng. Kính mời QV gặp gỡ và trò chuyện cùng nam họa sĩ tài hoa này.
Họa sĩ Phạm Bình Chương miệt mài tìm kiếm vẻ đẹp từ những điều nhỏ bé, giản dị nhất trong đời sống hàng ngày
Hà Nội trong tranh của Phạm Bình Chương không chỉ là những góc phố quen thuộc, mà còn là một thế giới đa dạng đầy sức sống và sự xung đột. Anh miệt mài tìm kiếm vẻ đẹp từ những điều nhỏ bé, giản dị nhất trong đời sống hàng ngày, từ những mái nhà cũ kỹ, con ngõ nhỏ, đến ánh sáng hắt qua khung cửa sổ hay bóng dáng người lao động trên phố. Những chi tiết ấy, qua con mắt và nét cọ tinh tế của anh, trở thành những câu chuyện đầy cảm xúc và chiều sâu.
Có người nói tranh của anh vừa là ảnh, vừa không phải là ảnh, vì ở đó ta thấy được khả năng nghề nghiệp cũng như đường nét, không gian của tác phẩm có nhiều điều suy ngẫm. Cũng có người lại nói sau hơn 20 năm miệt mài, Phạm Bình Chương đã tìm được Hà Nội của riêng mình. Ngược lại, Hà Nội cũng là bệ đỡ cho những thành công đáng nể trong nghệ thuật của anh.
Họa sĩ Phạm Bình Chương sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội. Anh đã có 6 triển lãm cá nhân đều mang đề tài Hà Nội: "Xuống phố 1", "Xuống phố 2", "Xuống phố 3", "Xuống phố 4", "Câu chuyện bên lề đường" và "Golden Palace". Tranh của anh có mặt tại các bộ sưu tập ở nhiều nước trên thế giới.
1. Xin chào Họa sĩ Phạm Bình Chương – người được mệnh danh là "người giữ hồn phố cổ". Câu hỏi đầu tiên tôi muốn dành cho anh đó là điều gì đã đưa anh đến với hội họa, với thể loại vẽ hiện thực và tại sao anh lại chọn Hà Nội làm chủ đề trong các tác phẩm của mình?
Tôi sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật, ông tôi là thợ may, nhà thiết kế áo dài, còn bố tôi là giáo sư một trường ĐH nghệ thuật ở Việt Nam. Nhà tôi ở trên phố cổ. Tôi sống trong một môi trường hoàn toàn là nghệ thuật và tôi vẽ từ bé cho đến khi tới tuổi thi Đại học, tôi cảm giác như là mình cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác.
Khi trong quá trình tôi học nghệ thuật, tôi có một khả năng cũng có thể gọi là một sở trường đó là diễn tả. Một thời gian tôi cũng đi theo các dòng tranh với các phong cách khác nhau, cả trừu tượng và biểu hiện. Nhưng mà hiện thực vẫn là một sở trường. Mình rất muốn thể hiện sở trường đấy một cách mà nó có thể đi sâu được. Trong một triển lãm tranh của thủ đô, tôi có tham gia một bức tranh vẽ phố Hà Nội.
Dần dần tôi thấy cái lối vẽ hiện thực của mình nó rất hợp và nó rất thoải mái khi mình được thể hiện. Dần dần sau đó tôi vẽ thêm 2-3 bức nữa. Có một bức thì tham gia hội nghệ thuật Việt Nam và giành được giải thưởng. Thế là nó thúc đẩy mình, cảm giác như là cái việc này nó hợp với mình. Thực sự tôi rất thích vẽ phố.
2. Hà Nội trong mắt anh là gì? Có điều gì đặc biệt ở thành phố này khiến anh cảm thấy phải lưu giữ nó qua tranh vẽ?
Hà Nội rất cổ kín, lại biến đổi rất nhanh. Lúc đầu tôi nghĩ Hà Nội rất giản dị. Từ năm 90 tôi đã vẽ phố cổ. Ngay đây cũng có một bức tranh tôi vẽ vào những năm 90, hoàn toàn là vẽ trực tiếp, thực tế không bịa tí nào, nhìn nó trông như phố Phái thật đấy. Nhưng từ năm 90, khoảng 10 năm sau nó đã khác rồi. Và bây giờ thì hơn gần 30 năm rồi, nó quá khác luôn đấy. Chính vì nó khác nên tôi lại càng thích vẽ.
Tôi thích nhìn sự mất dần đi của cái cổ kính, cái lối sống, chứ tôi không hề thấy nuối tiếc. Đầu tiên cũng có nuối tiếc nhưng về sau mình thấy mình nuối tiếc cũng không để làm gì cả. Mà hãy đặt cái sự nhìn nhận, sự quan sát của cuộc sống, và cái sự mất dần đi nó cũng không mất hoàn toàn. Mà cái mới nó cũng không bị quá là hiện đại đâu. Vì ở thủ đô nó vẫn giữ được cái nề nếp, cái lối sống của người thủ đô. Nó vẫn có một cái gì đó lịch lãm, nhẹ nhàng. Và người ta yêu thích cái sự giản dị và ấm áp trong đấy.
3. Hà Nội đã thay đổi rất nhiều qua từng giai đoạn. Vậy anh có cảm thấy khó khăn khi phải tái hiện vẻ đẹp của một thành phố đang thay đổi không? Và anh đã làm thế nào để giữ được cái "hồn" của Hà Nội trong tranh của mình?
Có những giấc mơ, mình cứ mơ một Hà Nội mà nó như cái thời năm 90 đấy, là đứng đâu cũng có thể vẽ được.
Và đôi khi giấc mơ ấy làm cho mình rất buồn khi tỉnh dậy. Trong giấc mơ mình nào ký hoạ nào chụp ảnh rất là nhanh. Mình cứ nghĩ là mình sẽ có được nguồn tư liệu đấy.
Nhưng những tư liệu từ những năm 90 bây giờ tôi không dùng nhiều. Bởi vì bây giờ không còn cái cảm xúc đấy nữa. Nó phải mang hơi thở của đương đại. Tất nhiên dáng vẽ Hà Nội nó vẫn là cái gì đó rất đặc biệt.
Mình có may mắn là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật hơn 20 năm, giảng dạy hai bộ môn đặc biệt là môn luật xa gần và giải phẫu. Những môn này làm cho mình có thể ghép được những kiến trúc hoặc là người, nhân vật… ở các nguồn khác nhau.
Thay vì nuối tiếc những cái cũ thì giờ đừng nuối tiếc nữa mà hãy lấy những góc bị phá ở chỗ khác lắp vào cũng được. Nhưng vẫn phải tôn trọng kiến trúc đấy. Tức là ví dụ đó là một cái nhà 2 tầng ngày xưa và có lan can sắt thì mình cố gắng tìm cái nhà nó tương đương như vậy. Cộng với cả những chi tiết còn sót lại của cái nhà cũ đấy thì mình cũng xử lý được. Hoặc có thể bịa thêm nắng, màu sắc… Nói chung bây giờ chúng ta có thể chủ động hơn rất nhiều nên việc tái hiện lại những giá trị xưa cũ không phải là điều quá khó khăn, có điều có thể sẽ bị chậm hơn một chút.
Xin cảm ơn những chia sẻ của họa sĩ Phạm Bình Chương!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất