Theo Walcott: Nạn nhân của "chủ nghĩa thần đồng"?

13/03/2013 12:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Được coi là thần đồng và trở thành một thành viên của đội tuyển Anh từ năm 17 tuổi, nhưng cho đến giờ, Theo Walcott vẫn giống một cầu thủ chạy cánh giàu tốc độ thuần túy, hơn là một ngôi sao tấn công có đẳng cấp. Nhưng có phải người Anh đang kỳ vọng quá nhiều vào anh?

Đầu năm ngoái, Chris Waddle, cựu tuyển thủ đã từng 62 lần khoác áo tuyển Anh bình luận rằng Theo Walcott là một cầu thủ "thiếu tư duy bóng đá". Ông nói chi tiết hơn: "Cậu ta không hiểu trận đấu, không biết phải di chuyển đến đâu, khi nào thì ngoặt vào để đánh lừa các hậu vệ cánh, khi nào cần phối hợp 1-2. Thành thật mà nói, các hậu vệ giỏi có thể bắt việt vị cậu ta bất cứ khi nào họ muốn".

Ông Waddle đã đúng. Theo David Gent, HLV đầu tiên phát hiện ra khả năng của Walcott, tiền đạo trẻ này thậm chí còn... không hiểu luật việt vị khi chơi cho đội ở trường học của anh năm lên 10 tuổi. Trước đó, Walcott... chưa từng chơi bóng đá, nhưng ở mùa bóng đầu tiên cho trường tiểu học, anh đã ghi tới 100 bàn sau 35 trận.

Gent bảo: "Cậu ta có tốc độ và khả năng xử lý bóng tốt, vì vậy, chúng tôi quyết định sử dụng cậu ta như một con bài vào sân trong hiệp hai. Cậu ta liên tục mắc lỗi việt vị và tôi đã phải đứng bên đường piste để phổ biến luật lệ".

Walcott không phải Messi, hay Rooney

Trước đó, ông Waddle đã dè bỉu Walcott: "Mọi người cứ bảo rằng cậu ta còn trẻ, nhưng Wayne Rooney thì đã hiểu trận đấu từ năm 16 tuổi. Tôi không hề thấy sự khác biệt nào giữa Walcott thời còn ở Southampton và tỏa sáng khi còn rất trẻ".

Vòng loại World Cup 2010, đội tuyển Anh đè bẹp Croatia 4-1 với một hat-trick của Walcott. Kể từ đó, truyền thông Anh bắt đầu khởi động chiến dịch "đánh bóng tên tuổi" cho Walcott: Anh lập tức được so sánh với Michael Owen, được cho là thế hệ tài năng tiếp theo của bóng đá thế giới, sau Wayne Rooney, và thậm chí là Lionel Messi. Sau khi được gọi vào đội tuyển Anh khi mới 17 tuổi, sự nghiệp của Walcott đã phải chịu áp lực rất lớn.

Nhưng Walcott không thể là những gì người ta ấn định cho anh. Messi đã chơi cho một đội thiếu nhi địa phương từ năm 5 tuổi. 9 tuổi, Rooney đã trở thành nòng cốt của đội thiếu niên Everton. Walcott thì đến năm 10 tuổi mới biết thế nào là bóng đá, và ra sân thi đấu trong khi không hiểu luật việt vị là gì.

Tốc độ của Walcott là độc nhất vô nhị: Trước khi tròn 14 tuổi, anh chạy 100 mét chỉ mất 11,7 giây. Nhưng tốc độ khủng khiếp ấy không đi kèm khả năng xử lý tương ứng: Walcott không phải một nhà kỹ thuật, cũng không phải là một cầu thủ có cá tính đủ mạnh để trở thành ngôi sao. Waddle đã quá cay nghiệt. Ông kỳ vọng một người tiếp xúc với bóng đá quá muộn mằn có thể trở thành một siêu sao. Hãy nhớ Walcott vốn là một cậu công tử sinh ra trong một gia đình cơ bản, và bóng đá đơn giản là một cuộc chơi tình cờ. Ngay cả khi đã nổi tiếng, thì anh vẫn sống với bố mẹ trong một căn nhà trị giá 200 nghìn bảng, bằng khoảng hai tuần lương ghi trong hợp đồng mới của anh với Arsenal.

Walcott cần thêm thời gian

Theo chân cuộc chơi đó đến thời điểm này là một hành trình được dẫn dắt bởi nỗi đam mê, nhưng sự phát triển của Walcott đã sứt sẹo ít nhiều bởi thói quen thổi phồng của người Anh. Nếu coi Walcott là một nhân tài và không biến anh thành một nạn nhân mới của "chủ nghĩa thần đồng", thì những gì anh đã làm cho đến thời điểm này đã là quá tuyệt vời.

Walcott vẫn cần thêm thời gian để trưởng thành. Người đàn anh Robin van Persie đã phải chờ đến năm 29 tuổi mới đạt độ chín trong sự nghiệp. Những ngày đầu ở Arsenal, tiền đạo người Hà Lan cũng chỉ được coi là một tiền đạo cánh đơn thuần, và cho đến giờ, anh đã trở thành một sát thủ toàn diện. Bước ra khỏi phong trào "thần đồng hóa" của người Anh, Walcott sẽ còn tiến xa hơn nữa, khi được là chính mình.

Thanh Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm