Arsenal không hề là cái nôi của các cầu thủ trẻ!

02/04/2015 16:29 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Arsene Wenger là một HLV đáng được tôn trọng. Ông là một người sâu sắc và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến bóng đá hiện đại, bóng đá Anh và Arsenal. Nhưng nhân vô thập toàn. Wenger và cả Arsenal không hoàn hảo như vẻ ngoài lịch lãm.

Ở đây, không nói đến những khiếm khuyết quá rõ của Arsenal-Wenger như hàng phòng ngự và những thất bại liên tiếp tại Champions League. Mà còn những vấn đề khác, mà ông cần sớm nhận ra khi được nhắc. Ai nhắc? Là Chủ tịch FA - Greg Dyke, với ý tưởng tăng số lượng cầu thủ cây nhà lá vườn trong đội hình của một CLB tại Premier League từ 8 lên 12/25 cầu thủ.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy sự cạnh tranh,” Wenger nói với beIN Sports. “Bạn phải chọn giữa việc bảo vệ những thứ tầm thường, hoặc tìm mọi cách sản xuất ra những cầu thủ tốt nhất. Để đến khi bạn muốn bán cả giải Premier League để đổi lấy một số tiền rất lớn, bạn chỉ cần nói: ‘Hãy mua nó, nó là giải đấu hay nhất thế giới.’ Bạn không thể đi ngược với chất lượng và những gì được gọi là trái tim của CLB.”

Nhận định trên có vẻ hợp lý. Nhưng vấn đề phức tạp hơn nhiều. Hãy nhìn lướt qua một số cái tên Wenger đã đưa về để “rũ bỏ sự tầm thường” của Premire League? Tomas Danilevicius, Igor Stepanovs, Kaba Diawara, Sebastian Squillaci, Andre Santos, Amoury Bischoff, Park Chu-Young, Marouane Chamakh, Pascal Cygan , Philippe Senderos, Denilson, Manuel Almunia và Johan Djourou. Tất cả thất bại thảm hại.

Bạn có thể biện minh: Cần phải chiêu mộ 10 Park Chu-Youngs để có một Robin van Persie. Tất nhiên, trong hơn 18 năm ròng rã, một HLV chăm chỉ mua bán như Wenger cũng sẽ tìm ra những tài năng thực sự xuất chúng: Thierry Henry, Robert Pires, Cesc Fabegas… Nhưng danh sách những quả bom xịt đã tạo nên một cái hố khổng lồ. Và xác suất 10 đổi 1 ấy, có vẻ khá đúng với cách mua bán của Wenger.

Nói ra điều này có vẻ ngược đời, nhưng sự thật là rất ít trường hợp Arsenal đưa những tài năng trẻ mình tự đào tạo từ gốc lên đến hàng ngôi sao, đến ngang tầm những Henry, Patrick Vieria hay Pires ấy.

Họ từng tìm được một người: Ray Parlour, thành viên của The Invincibles huyền thoại. Nhưng Parlour là sản phẩm trước khi Wenger đến. Ông thày người Pháp cũng là người thụ hưởng một hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ được phát triển từ trước đó.

Thực tế, trong suốt 18 năm Wenger nắm quyền, chỉ có Kieran Gibbs và Jack Wilshere là hai tài năng đi lên từ gốc, được đôn lên và trở thành trụ cột của đội hình một. Ashley Cole cũng từng là một trường hợp như vậy, nhưng ai biết số phận của anh sẽ thế nào nếu ngày ấy Silvinho không bất ngờ rời CLB?

Suy cho cùng, Wenger chỉ là một người quản lý, ông chỉ hỗ trợ các cầu thủ trẻ, chứ không có ý tưởng “nuôi gà từ trứng” để sử dụng. Những tài năng trẻ trong suốt những năm vừa qua mà thế giới nhớ mặt đặt tên ở Arsenal phần lớn đã được mua về từ các CLB nước ngoài, hoặc Southampton chứ không phải từ học viện của Arsenal.




Quá ít những Parlour và Wilshere trong triều đại của Wenger 

Nhìn ra diện rộng, đây là vấn đề chung của các đội bóng lớn tại Premire League. Ngay cả HLV Mauricio Pochettino của Tottenham, người được xem có công trong việc phát hiện ra tài năng trẻ Harry Kane cũng vậy. Ông sẽ làm được điều đó nếu Roberto Soldado và Emmanuel Adebayor không sa sút phong độ?

Tất nhiên, quyền lựa chọn vẫn là của những Wenger hay Pochettino. Premier League sẽ tiếp tục con đường trở thành giải đấu số một thế giới. Các HLV vẫn sẽ tung tiền mua những ngôi sao lớn nhất trên toàn cầu. Nhưng để đánh đổi hai chữ “Ngoại hạng” ấy, chính yếu tố địa phương là thứ bị đánh đổi. Là thứ sẽ phai nhạt dần cho đến một ngày tắt lịm, nếu những người như ông Dyke không còn tìm được đồng minh.

Hoài Thuận

Theo Daily Mail

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm