Hiến kế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: Nâng cao nội lực, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số

24/07/2025 11:12 GMT+7 | Tin tức 24h

Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số, xanh hóa và hội nhập quốc tế ngày càng được coi là cấp thiết. 

Đại học Kinh tế Quốc dân đã tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức hội thảo và chắt lọc thành các kiến nghị, khuyến nghị về chính sách có giá trị thực tiễn và tầm nhìn dài hạn để gửi đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban, ngành Trung ương, với mong muốn đóng góp vào quá trình xây dựng các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thể chế là "chìa khóa của mọi chìa khóa"

Theo các nhà khoa học, mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua chủ yếu dựa vào đầu tư và hướng ra xuất khẩu, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ xuất khẩu/GDP. Việt Nam đã thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ xuất khẩu và tận dụng lực lượng lao động dồi dào, đồng thời tích cực tham gia và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thành công như các nước Đông Á do khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; các doanh nghiệp FDI hoạt động độc lập, ít liên kết với doanh nghiệp trong nước, khiến doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện các công đoạn gia công giá trị thấp và phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu.

Hiến kế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: Nâng cao nội lực, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Dệt may đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Sự phụ thuộc vào xuất khẩu cũng tạo ra rủi ro lớn khi suy giảm kinh tế hoặc căng thẳng thương mại gia tăng xảy ra giữa các đối tác thương mại lớn. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng do chất lượng nguồn nhân lực thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế và môi trường vĩ mô chưa thực sự thuận lợi, việc bứt phá trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu không có những đột phá chính sách, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức vừa phải và khó có sự đột phá để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Về mặt thể chế, thực tiễn các nước phát triển cho thấy, môi trường thể chế đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế. Nhóm nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị về xây dựng môi trường chính sách vĩ mô, môi trường thể chế thuận lợi nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số. Đó là việc đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng cường nội lực và giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Hiến kế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: Nâng cao nội lực, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số - Ảnh 2.

Cần tăng tốc chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh chụp tại Khánh Hòa: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Hội, thể chế chính là "chìa khóa của mọi chìa khóa". Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi từ "Nhà nước quản lý" sang "Nhà nước kiến tạo và phục vụ", với một cấu trúc pháp quyền hiệu lực, hiệu quả và đồng bộ. Cần ưu tiên ba trụ cột thể chế trong kỷ nguyên mới. Đó là thể chế kinh tế số và dữ liệu số, bao gồm việc luật hóa quyền sở hữu và bảo vệ dữ liệu cá nhân; hình thành hạ tầng dữ liệu quốc gia mở, hỗ trợ nền kinh tế số phát triển minh bạch và cạnh tranh. Thể chế tài chính xanh là việc thiết lập hệ thống thị trường tín chỉ carbon, ban hành chuẩn mực về trái phiếu xanh và các công cụ tài chính thân thiện môi trường. Thể chế vùng động lực, tức là cần có cơ chế phân quyền rõ ràng, ngân sách cấp vùng và hội đồng phát triển vùng có thực quyền nhằm thúc đẩy liên kết vùng.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Hội cũng đề xuất tái cơ cấu bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhằm giảm số lượng tỉnh, thành phố từ 63 xuống còn 34, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm và rút ngắn thời gian hành chính. "Không thể có tăng trưởng hai con số nếu bộ máy còn vận hành theo tư duy cũ, nặng tính xin - cho và thiếu tính trách nhiệm", Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Hội chia sẻ.

Hiến kế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: Nâng cao nội lực, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số - Ảnh 3.

Người dân đăng ký thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Các nhà khoa học cũng đề nghị, cần quán triệt chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược; trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ở tất cả các cấp, đẩy mạnh tinh gọn bộ máy ở các cấp; tăng cường tiếng nói và trách nhiệm giải trình của hệ thống.

Tìm kiếm các nguồn thu bền vững mới

Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, cần làm rõ vai trò định hướng mạnh mẽ của nhà nước trong việc xác định các ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn và tạo ra các chính sách hỗ trợ cụ thể về thuế, tín dụng, môi trường kinh doanh thuận lợi. Cùng với đó, tăng cường đầu tư công một cách hiệu quả vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, đồng thời cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế đang phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Việc học hỏi kinh nghiệm thu hút FDI, chuyển giao công nghệ, khuyến khích nghiên cứu và phát triển từ các nước này cũng là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Hiến kế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: Nâng cao nội lực, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số - Ảnh 4.

Một mô hình trang trại hữu cơ tuần hoàn đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN

Mặt khác, cần thận trọng trong việc chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dẫn dắt bởi đầu tư công. Việt Nam cần tích cực tìm kiếm các nguồn thu bền vững mới để thay thế một phần cho các nguồn thu truyền thống. Việc sửa đổi/cắt giảm gánh nặng thuế thu nhập cá nhân nên được thực hiện để Việt Nam kích thích tiêu dùng nội địa, qua đó bù đắp một phần sụt giảm từ hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bằng cách chủ động nguồn cung trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm thiểu rủi ro bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại quốc tế bất lợi, đảm bảo tính ổn định và bền vững cho hoạt động xuất khẩu.

Nhận định cần tinh giản hệ thống doanh nghiệp nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất, đã đến lúc Việt Nam cần mạnh dạn thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, đặc biệt trong những ngành không phải là trọng tâm chiến lược và không cần thiết có sự tham gia của Nhà nước. Nguồn thu từ việc thoái vốn những doanh nghiệp này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các dự án trọng điểm quốc gia mang tính động lực, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế và xã hội cao hơn, chẳng hạn như hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo hoặc các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Hiến kế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: Nâng cao nội lực, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số - Ảnh 5.

Phát triển hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Vân Hoa và nhóm nghiên cứu, để đạt được mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phải vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình cao và trở thành quốc gia có thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới. Điều này đòi hỏi thu nhập bình quân đầu người phải đạt khoảng 26.835 USD vào năm 2045, tương đương mức tăng bình quân 8,8%/năm trong giai đoạn 2025–2045, GDP phải tăng trưởng trung bình 9,5%/năm.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng ba kịch bản phát triển, trong đó mô hình "sóng tăng trưởng ba giai đoạn" được đánh giá là tối ưu và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cụ thể, giai đoạn 1 (2025–2035): Tăng trưởng cao để tích lũy nguồn lực; giai đoạn 2 (2036–2040): Chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế; giai đoạn 3 (2041–2045): Tăng trưởng chất lượng cao dựa trên công nghệ và sáng tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vân Hoa khẳng định: "Việc duy trì một tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong 20 năm là một thách thức chưa từng có, đòi hỏi đồng bộ từ thể chế, nhân lực đến hạ tầng và năng lực quản trị quốc gia." Mô hình "sóng ba giai đoạn" cho phép dàn trải sức ép, tạo đà và tạo độ linh hoạt để Việt Nam chuyển đổi thành công.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của "động lực tăng trưởng vùng", trong đó các vùng động lực cần được xác lập bằng thể chế riêng, cơ chế liên kết vùng và ưu tiên đầu tư công. Đây là nền tảng để Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn đầu và duy trì chất lượng tăng trưởng về sau.

Hiến kế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: Nâng cao nội lực, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số - Ảnh 6.

Triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển” năm 2024. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng thiết yếu

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thế Anh, ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng thiết yếu để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thúc đẩy tiêu dùng, bảo vệ an sinh xã hội và giữ vững chủ quyền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, Việt Nam cần thận trọng và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công và lạm phát.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thế Anh chỉ ra rằng, thời gian qua, chất lượng tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu suy giảm, trong khi khu vực tài chính – ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Chính sách tài khóa cần chuyển mạnh từ "hỗ trợ ngắn hạn" sang "kiến tạo dài hạn", với trọng tâm là: Thiết lập chiến lược tài khóa trung hạn bằng việc xác lập trần nợ công rõ ràng, định hướng chi tiêu ưu tiên cho đầu tư công hiệu quả và an sinh bền vững; tái cấu trúc chi ngân sách từ việc giảm chi thường xuyên, nhất là chi cho bộ máy hành chính; đồng thời tăng chi cho giáo dục, khoa học, y tế và đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng tính minh bạch và kỷ luật tài khóa, thực hiện đánh giá độc lập đối với các chương trình đầu tư lớn; giám sát hiệu quả đầu tư công thông qua hệ thống dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

"Chính sách tài khóa là chìa khóa cho khả năng chống chịu của nền kinh tế. Nếu lạm dụng các gói hỗ trợ ngắn hạn mà không kiểm soát hiệu quả chi tiêu, Việt Nam sẽ đánh mất dư địa chính sách khi khủng hoảng xảy ra", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thế Anh khẳng định và đề xuất nâng cao năng lực phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản vĩ mô cho giai đoạn 10-20 năm, tránh tư duy nhiệm kỳ và phản ứng tình huống.

Hiến kế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: Nâng cao nội lực, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số - Ảnh 7.

Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng Bảo Việt. Ảnh minh họa: TTXVN

Các chuyên gia cùng quan điểm cho rằng doanh nghiệp tư nhân là động lực trung tâm; cần phân loại chính sách hỗ trợ theo ba cấp độ. Doanh nghiệp lớn sẽ được hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, công nghệ, xúc tiến thị trường quốc tế. Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tích tụ vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần được hỗ trợ tiếp cận đất đai, vốn rẻ, thủ tục đơn giản. Đặc biệt, cần khai thác tiềm năng từ mạng lưới doanh nhân Việt kiều - những người có vốn, tri thức và mối quan hệ toàn cầu, để hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp xuyên quốc gia mang thương hiệu Việt.

Những ý kiến từ chuyên gia, nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân đều cho thấy một điểm chung: Việt Nam cần một mô hình phát triển dựa trên tri thức, thể chế và năng lực đổi mới sáng tạo, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực, con người là trung tâm. Những đề xuất, kiến nghị từ giới chuyên gia là cơ sở khoa học quan trọng giúp hoạch định chính sách quốc gia trong giai đoạn then chốt sắp tới.

Thu Phương/ TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm