Mancini và Man City: Nên chăng cần một cuộc chia ly?

10/12/2012 19:16 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Man City đã thất bại trong trận derby Manchester, qua đó bị chính Man United bỏ xa đến 6 điểm trên bảng xếp hạng. Trách nhiệm khi ấy sẽ lại dồn về phía Roberto Mancini.

Man City thi đấu không quá tệ, thậm chí thời điểm nửa cuối hiệp 2 họ bùng nổ dữ dội và hoàn toàn có khả năng định đoạt trận đấu. 18 cú sút được thực hiện, trong đó có 9 pha sút cầu môn nhưng đổi lại chỉ là 2 bàn thắng và một thất bại chua xót.

Thua thì đã thua rồi. Man City cũng thiếu may mắn thật. Nhưng công bằng mà xét, họ đã được hưởng đặc ân từ thần may mắn quá nhiều rồi. Cho nên, việc Mancini đổ lỗi rằng thất bại ấy là do Man City thiếu may mắn chẳng khác nào một sự bao biện tầm thường, che mờ đi tất cả sự thật.

Mancini đã có những thay đổi nhỏ trong cách sắp xếp đội hình, vận hành chiến thuật cũng như cách tiếp cận trận đấu. Sơ đồ 4-4-1-1 đã được sử dụng và sự chắc chắn là ưu tiên hàng đầu của Mancini nhưng rõ ràng đội bóng của ông vẫn thiếu hẳn một sự phá cách, một bước đột phá táo bạo, một cú rướn đủ lớn để đi đến chiến thắng.



HLV Roberto Mancini - Ảnh Getty

Man City cũng đã thể hiện được tinh thần vượt khó, sự bền chí nhưng nó chẳng thể bao bọc nền tảng chiến thắng. Họ vẫn có lúc dồn ép được Man United, đẩy đối phương vào thế phải chống đỡ nhưng tính bất ngờ và mức độ liên tục của nó vẫn còn nhiều hạn chế.

Ai là người phải nhận trách nhiệm đầu tiên trước những kết quả yếu kém của Man City? Tất nhiên, còn ai khác ngoài Mancini. Ông đã bộc lộ khá nhiều yếu kém trong công tác huấn luyện cũng như chỉ đạo chiến thuật. Những điều này thì không cần phải kể ra thêm cho nó dài dòng. Nhưng căn bản, một huấn luyện mà không biết thể hiện tinh thần trọng thị và cầu thị, không biết dũng cảm nhận lỗi sau thất bại thì chẳng khác nào kẻ nhu nhược, vô dụng và xứng đáng hứng chịu những lời lẽ cay nghiệt nhất từ búa rìu dư luận!

Chẳng có gì đáng gọi là sự xúc phạm với ông khi nói ra những lời như thế. Và với Mancini thì ông hoàn toàn xứng đáng phải nhận những lời lẽ này, bởi đơn giản người ta dành cho ông quá nhiều thời gian để thay đổi, để sửa sai nhưng tính cách của con người ông chẳng có chút xê dịch nào, vẫn lề thói cũ, vẫn những cách nhìn vấn đề cũ, trói buộc đi mọi lẽ phải ở đời. Mặc định rằng, khi Man City thắng, ông tự huyễn hoặc và thường sống bằng cái tinh thần AQ hư hư ảo ảo; khi đội bóng thất bại, thì y như rằng sự thiếu may mắn là điều đầu tiên được ông dùng để bao biện. Với cách né tránh đầy bảo thủ ấy, Man City sẽ chẳng thể rút ra bất kì bài học gì, trái lại nó còn bào mòn đi những niềm tin đang rơi rớt nơi những người yếu mến họ, vốn đã hứng chịu quá nhiều những vết xước đau thương.

Thực tế, ở trận derby với Man United, những đổi thay đã được Mancini thực hiện. Nhưng rồi thành quả của nó vẫn chưa là quả ngọt, mà cay đắng hơn là những kết cục bi đát. Napoleon từng nói: “Thua một trận đánh để thắng cả một cuộc chiến”. Man City của Mancini đã thua một “trận đánh” thật nhưng chẳng có bất kì một cơ sở hay một luận điểm khoa học nào đảm bảo rằng Man City có thể thắng “cuộc chiến”. Nên chăng “cuộc tình” giữa Mancini và đội bóng chủ sân Etihad cần một cuộc chia ly?

Dao đã kề cổ Mancini rồi. Ông có thể “chết” bất kì lúc nào, hoặc không. Và tất nhiên cũng tuỳ vào hoàn cảnh. Các ông chủ Ả rập của Man City đang trao những ân huệ cuối cùng cho vị HLV người Italia trước khi đưa ra những quyết định của mình. Nhưng cái khó ở chỗ, họ khó lòng sa thải ông khi mà đội bóng vẫn đang đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng Premier League, và việc sa thải ấy có thể dẫn tới những vụ tranh cãi rắc rối và phức tạp về sau.

Thôi thì, thời gian sẽ trả lời xem Mancini tại vị bao lâu nữa ở Etihad. Nhưng xin khẳng định lần nữa rằng, một cuộc chia ly sẽ tốt hơn cho cả hai, dù rằng cuộc chia ly ấy có thể đẫm lệ và nghẹn ngào cay đắng!

Tuấn Kiệt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm