Hành trình kịch thiếu nhi TPHCM (kỳ 4): Sân khấu Ban Mai - khát vọng của người trẻ

17/04/2025 13:54 GMT+7 | Văn hoá

Năm 2024, đạo diễn trẻ Bảo Chu ra mắt sân khấu kịch thiếu nhi Ban Mai, góp vào đời sống tinh thần của các bé thêm một địa chỉ tin cậy và những bay bổng tuyệt đẹp. Và thật sự, người ta không ngờ rằng một người rất trẻ như Bảo Chu lại có thể gánh vác một sân khấu lộng lẫy đến thế, với cái tên đầy ý nghĩa.

Đạo diễn Bảo Chu không lạ đối với nghệ sĩ và khán giả, bởi anh từng hoạt động tại sân khấu 5B, từng dựng vở Đại náo long cung, Ve ve chành chành và hai cục bướu gây ấn tượng rất tốt. Từ đó, anh nuôi ước mơ có một sân khấu của riêng mình, thực hiện tình yêu với thiếu nhi, dệt nên những giấc mơ lung linh. Và thế là Ban Mai ra đời.

Mặt trời mới mọc đầy hi vọng

Cái tên sân khấu đúng như tính chất và ước mơ của Bảo Chu, trẻ trung mới mẻ như mặt trời mới mọc, đem lại năng lượng tích cực và niềm hy vọng cho thế hệ tương lai. Ban Mai chứa đựng biết bao ước mơ, tâm huyết của Bảo Chu và những nghệ sĩ trẻ, làm cho sân khấu thiếu nhi thêm phát triển, xứng đáng với một thành phố lớn, năng động.

Chính vì vậy, Bảo Chu đã đầu tư liên tiếp 5 vở chỉ trong vòng một năm, có lẽ là một "kỷ lục". Colora xứ sở rực rỡ, Penny Ô mê ly, Tết ơi Tết à, Trăng ơi, Trăng à, Rago hành trình đầu tiên đem đến một màu sắc rất khác biệt so với các đơn vị đi trước, âu cũng là một điểm đáng hoan nghênh dành cho Bảo Chu.

Hành trình kịch thiếu nhi TPHCM (kỳ 4): Sân khấu Ban Mai - khát vọng của người trẻ - Ảnh 1.

Cảnh trong vở "Colora xứ sở rực rỡ"

Anh không muốn lặp lại những gì người khác đã làm, tự tìm con đường sáng tạo riêng, đúng chất trẻ táo bạo và dũng cảm. Các vở không đi vào cổ tích, mà có màu sắc huyền thoại, ngụ ngôn, hoặc khoa học viễn tưởng, rất phù hợp với tư duy hiện đại của thiếu nhi ngày nay.

Chẳng hạn, trong vở Rago hành trình đầu tiên, có chú bé rồng tên Rago đi lạc vào trái đất, từ đó gặp được thiên nhiên và con người kỳ thú, học được những bài học quý giá để trở thành người tốt.

Vở Colora xứ sở rực rỡ thì kể chuyện gia đình nhà chim cao quý và xinh đẹp nhất trong khu rừng nguyên sinh. Dù được các loài động vật yêu quý và hết mực tôn trọng nhưng vì sự mất tích của chồng và con trai nên bà chim Hoàng Yến vẫn luôn bất an, lo lắng cho an toàn của bé chim con. Vở đưa ra thông điệp bảo vệ thiên nhiên, yêu thương động vật, bên cạnh đó còn gửi gắm bài học cho những bậc phụ huynh, rằng không nên quá bao bọc con cái, khiến chúng yếu ớt, mà hãy để chúng được tự do phát triển, sẽ thành những người mạnh mẽ.

Hoặc, vở Penny Ô mê ly thì kể chuyện lễ hội mùa về ở vùng đất Nam cực, khi gia đình chim cánh cụt Penny cùng nhau quây quần với những người bạn, cùng chào đón một mùa cá di cư lớn nhất trong năm - vốn cũng là đại tiệc của loài chim cánh cụt vùng này. Nhưng những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ xảy ra, vùng biển bị tan hoang, chú chim Penny và bạn bè bị cuốn vào một hành trình bất ngờ… Và qua hành trình đó, các chú chim đã học được bài học về bảo vệ môi trường, bài học đoàn kết, vượt qua thử thách để giải cứu cho nhau và cùng nhau sinh tồn.

Rõ ràng, với những nội dung như vậy, khán giả nhí được trải nghiệm những không gian mới lạ, viễn tưởng, rất thú vị.

Nhìn chung, nội dung các vở của Ban Mai cũng không có bắt trend hoặc đưa những vấn đề, những miếng hài của người lớn vào, cũng không xây dựng tình tiết đấu đá dữ dội, mà thuần chất thiếu nhi nhẹ nhàng. Diễn viên cũng không có trường hợp giả gái, hoặc diễn quá kỹ thuật, mà lối diễn hầu như tự nhiên, trong trẻo, rất gần với tuổi thơ. Bảo Chu chiêu mộ rất nhiều diễn viên trẻ, có thể chưa tên tuổi lắm, nhưng còn giữ được nét hồn nhiên dễ dàng tiếp cận khán giả.

Hành trình kịch thiếu nhi TPHCM (kỳ 4): Sân khấu Ban Mai - khát vọng của người trẻ - Ảnh 2.

Cảnh trong vở "Rago hành trình đầu tiên"

"Tôi muốn nghệ thuật phải mang được thông điệp giáo dục đến cho các em chứ không đơn thuần giải trí" - Bảo Chu nói - "Mà dù giải trí thì tôi cũng chọn cách phù hợp với lứa tuổi các em, giữ được sự hồn nhiên càng lâu càng tốt, bởi cuộc sống bây giờ khiến các em "lớn" nhanh lắm, đôi khi có mặt trái là các em đánh mất tuổi thơ sớm quá, mình thấy tiếc! Thôi thì, mình cố gắng tạo một thế giới tuổi thơ nhẹ nhàng nhất có thể".

Và dù không thể so sánh với quy mô của IDECAF, nhưng các vở kịch của Ban Mai đều đạt chất lượng về nội dung lẫn hình thức. Thậm chí, Bảo Chu đầu tư khá lớn cho âm nhạc, cảnh trí và trang phục, vì vậy khán giả có thể mãn nhãn với sự rực rỡ, sôi động, lộng lẫy.

Bảo Chu kể: "Trung bình mỗi vở tôi đặt hàng nhạc sĩ viết 10 bài nhạc và may gần trăm bộ trang phục cho diễn viên đóng vai người, vai thú, diễn viên múa. Tôi muốn các em được đắm mình trong thế giới đẹp như vậy để thỏa sức bay bổng". Cảnh trí cũng được đầu tư khá cao, tạo nên một sàn diễn tưng bừng.

Định hướng mới

Đạo diễn Bảo Chu cho biết, sắp tới, anh sẽ ra mắt những tác phẩm mà cả gia đình có thể cùng xem, những vở có nội dung phù hợp với mọi lứa tuổi. Như vậy, những đề tài gia đình, tình thương sẽ rất cần thiết để gắn kết mọi thành viên cùng thưởng thức.

Thật sự, để gắn kết những lứa tuổi khác nhau không hề dễ dàng, nhưng đó là định hướng đúng đắn, bởi phụ huynh không thể để con cái vào rạp một mình, mà nếu phụ huynh đi theo thì họ cũng phải có cái gì để thưởng thức, không bị nhàm chán.

Hành trình kịch thiếu nhi TPHCM (kỳ 4): Sân khấu Ban Mai - khát vọng của người trẻ - Ảnh 3.

Cảnh trong vở "Penny Ô mê ly"

Những vở kịch tích hợp khán giả như vậy tất nhiên là một thử thách đối với nghệ sĩ. Nhưng "ông bầu" Bảo Chu không bỏ cuộc, dứt khoát hành động để giữ sự tồn tại của sân khấu. Anh nói: "Đề tài gia đình cũng rất tốt vì sẽ giáo dục các thành viên biết yêu thương, trân trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Gia đình luôn là hạt nhân của xã hội, giáo dục phải xuất phát chính từ cái nôi gần gũi nhất của các em".

Hoặc, như lời anh, ngay cả việc chọn đề tài khác nhưng cách thể hiện phù hợp cho khán giả người lớn lẫn khán giả thiếu nhi thì vẫn có ích vô cùng. Vì khi cả nhà cùng nhận được thông điệp giáo dục, cùng chia sẻ với nhau, cha mẹ và con cái có chuyện cùng trao đổi thì sợi dây tình cảm càng thêm thắm thiết.

Thực tế thì các vở kịch của Ban Mai đều được nhiều trường học đặt vé hàng loạt cho học sinh đi xem, ngay cả một số công ty cũng đặt vé cho nhân viên. Và nếu có định hướng mới về những vở kịch gia đình, phù hợp với mọi lứa tuổi thì hẳn lượng khán giả của Ban Mai sẽ mở rộng hơn, phong phú hơn.

Bởi, kịch thiếu nhi đâu chỉ dành cho thiếu nhi, mà còn là cầu nối giữa thiếu nhi và phụ huynh, thầy cô giáo, để cùng hướng tới mục tiêu giáo dục sâu xa hơn. Đó cũng là hoài bão của các nghệ sĩ trẻ như Bảo Chu, khi họ tìm thấy trong công việc của mình một ý nghĩa rất đẹp.

Cơ hội "thực chiến"

Đạo diễn Bảo Chu đang ấp ủ kế hoạch thông qua sân khấu để giúp sinh viên của mình có cơ hội "thực chiến" nắm rõ bài học trên lớp. Hiện Bảo Chu đang là giảng viên khoa Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình của Trường Đại học Hutech. Dự kiến, Bảo Chu anh sẽ nhờ thực tế sân khấu bổ sung cho bài học lý thuyết, giúp sinh viên trong trường có những giờ thực hành thú vị. Cách đào tạo này sẽ hỗ trợ rất tốt cho các trường đại học, để bớt phải bận tâm về việc xây dựng cơ sở thực hành cho sinh viên.

(Còn tiếp)

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm