Hàng rong

31/03/2017 06:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nói đến hàng rong thì người ta hiểu ngay là người bán hàng gánh hàng đi rong từ phố này qua phố nọ, thậm chí len lách vào các ngõ, các hẻm.

Đó là những người bán rau buổi sớm, gánh hàng phở hoặc bán bánh trôi chay hoặc bánh đa kê chẳng hạn, vừa đi vừa rao…Họ chỉ dừng trên vỉa hè chốc nhát khi có người mua hàng.

Hàng rong hình thành từ phố thị đáp ứng những nhu cầu nhỏ hàng ngày của thị dân. Gánh rau, gánh quà, gánh phở nho nhỏ nhưng nó cũng là một phần quan trọng của huyết quản phố phường.

Với những gánh  hàng rong như thế, nhiều người mẹ đã nuôi sống cả gia đình dù thu nhập chẳng nhiều nhặn gì nhưng đều. Mẹ tôi từng bảo “buôn thất nghiệp, lãi quan viên” là nói về những gánh hàng rong.


 Học sinh tiểu học "bao vây" một gánh hàng rong tại cổng trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN

Hôm nay gánh hàng rong vẫn còn trên đường phố, thậm chí nhiều lên. Nhìn hàng rong thì biết dân ta còn nghèo lắm. Hàng rong là cách kiếm sống hiệu quả nhất, vì chỉ có đi mới bán được hàng.

Nhưng hàng rong hôm nay đã phát triển thêm phương tiện: xe đạp, xe đẩy. Hàng rong vẫn trái cây, rau cỏ nhưng có thêm những xe đẩy bán áo quần trên đường phố. Họ cũng đi rong, nhưng cũng hay dừng cố định nhiều ở rãnh ven đường chứ không leo trên vỉa hè, gọt dứa bán tại chỗ, cam quýt mận đào trên mẹt buộc sau xe.

Thế hệ hai hàng rong này bắt đầu hình thành như những chướng ngại trên đường phố. Nó cản trở giao thông không chỉ khi người đi đường dừng lại mua bán.

Hàng rong kiểu này có thể coi như chợ cóc một người. Hàng rong thế hệ mới có xe đạp, xe đẩy cũng hay ngự ở những chỗ ngã ba, ngã bảy, nơi giao thông đan chéo người qua kẻ lại đông nườm nượp. Thế hệ hàng rong này cần đưa vào chỗ cố định thì nghe còn có lý, còn hàng rong xe đạp di chuyển thì cũng như người giao thông trên đường thôi, sao dẹp được!

Mới đây nghe nói TP.HCM sắp xếp hàng rong vào một khu cố định. Nhiều người nghe thấy đều bật cười. Hàng rong nó đẻ ra để trao tận tay người tiêu dùng. Đặc điểm hàng rong là thế, còn chợ cố định thì nói làm gì? Mà xét cho cùng hàng rong chủ yếu ở các phố đông người qua lại, người dân đủ thứ hạng, phần đông là phục vụ tầng lớp nghèo. Những khu phố mới như Mỹ Đình, Hà Nội thì bói đâu ra hàng rong. Ai mua mà bán?!

Dọn dẹp xe đẩy rong thì được chứ hàng rong đòi dẹp ngay có vẻ không ổn. Nó sẽ vẫn tồn tại.Nó tự mất đi khi đời sống xã hội cao lên.

Hàng rong cũng là một mục tiêu nhắm tới dọn dẹp của phong trào “Giành vỉa hè cho người đi bộ” nghe nhân văn quá. Về câu chuyện này xin có lời bàn: cái slogan “Giành vỉa hè cho người đi bộ” chưa chuẩn… Chẳng nhẽ người đi bộ mới là cái lý duy nhất đúng để thuyết phục mọi người? Chẳng cần thế đâu, chỉ cần thông báo là “Lập lại trật tự vỉa hè, đường phố theo pháp luật” là đủ lắm rồi.

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm