Tuyển Italy triệu tập Eder, Vazquez: Azzurri và câu chuyện về những 'Camoranesi'

25/03/2015 06:51 GMT+7 | Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Danh đội tuyển Italy mà HLV Antonio Conte triệu tập cho trận vòng loại EURO 2016 với Bulgaria và giao hữu với Anh có 2 cầu thủ có gốc gác nước ngoài (hay còn gọi là oriundo) là Eder (Sampdoria, gốc Brazil) và Franco Vazquez (Palermo, gốc Argentina).

Không phải ngẫu nhiên Eder và Vazquez xuất hiện trong danh sách cầu thủ được triệu tập của Antonio Conte. Cả hai đều là những nhân tố quan trọng bậc nhất ở đội bóng của họ. Eder đã ghi 9 bàn thắng cho Sampdoria ở Serie A. Chính nhờ những bàn thắng của anh mà Sampdoria đã leo lên thứ 4 trên BXH.  Trong bối cảnh Italy tiếp tục khủng hoảng tiền đạo giỏi, Eder được coi như niềm hy vọng mới cho phép Antonio Conte có thêm một giải pháp tấn công. Trong khi đó, Franco Vazquez là nhạc trưởng của Palermo, một chuyên gia kiến tạo. Anh đã có 9 đường chuyền quyết định kể từ đầu mùa và hiện là chân chuyền số 1 Serie A.

Gọi “Oriundo” lên tuyển là truyền thống

Cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930 của thế kỷ 20 thì những “Oriundi” đầu tiên mới bắt đầu xuất hiện trong đội hình Azzurri. Những “Oriundo” nổi tiếng như  Raimundo Orsi, Luis Monti và  Enrique Guaita đã chơi bóng chuyên nghiệp ở Italy trong đó Orsi và Monti khoác áo Juventus còn Guaita đã có 2 năm đá cho AS Roma.

Tuyển Italy có tới 5 “Oriundo” trong danh sách cầu thủ dự World Cup 1934. Ngoài 3 cầu thủ nói trên, họ còn có 2 “Oriundo” khác là Atilio Demaria (gốc Argentina) và Anfilogio Guarisi (gốc Brazil). Trong số những cầu thủ gốc nước ngoài này thì Orsi và Monti đóng vai trò quan trọng . Những màn trình diễn của họ giúp Italy của Vittorio Pozzo lần đầu tiên vô địch World Cup.

Bốn năm sau, Azzurri lên ngôi lần thứ 2 nhưng ở World Cup 1938 ấy, họ chỉ có đúng một “Oriundo” trong đội hình là Miguel 'Michele' Andreolo. Đến cuối những năm 1950, đầu những năm 1960 của thế kỷ 20 thì việc sử dụng các “Oriundo” đã trở thành “mốt”. Azzurri khi đó sở hữu những “Oriundo” nổi tiếng như Omar Sivori, Humbtero Maschio, Jose Altafini và Alcides Ghiggia.

Tuy nhiên sau World Cup 1962 thì các “Oriundo” không còn xuất hiện trong đội hình Azzurri do hệ quả của “Trận chiến Santiago” (ám chỉ trận đấu đầy bạo lực giữa Italy và Chile ở World Cup 1962) và những hạn chế về số cầu thủ nước ngoài mà mỗi đội bóng ở Serie A được sử dụng.  

Khi những “Mauro Camoranesi” không hát quốc ca

Mãi tới thời gian gần đây thì tuyển Italy mới chào đón trở lại các cầu thủ có gốc gác nước ngoài trong đó người nổi tiếng nhất là tiền vệ gốc Argentina Mauro Camoranesi. Cựu cầu thủ Juventus là “Oriundo” khoác áo tuyển Italy nhiều nhất trong lịch sử với 55 lần. Camoraneri là thành viên tuyển Italy vô địch World Cup 2006.

Mới hơn nữa, Italy đã sử dụng các “Oriundo” khác như tiền vệ gốc Brazil; Thiago Motta và tiền đạo gốc Argentina Pablo Osvaldo. Trong đó, Motta là một trong những nhân tố quan trọng trong hàng tiền vệ kim cương của ông Cesare Prandelli ở EURO 2012 mà Italy là á quân.

Bên cạnh những người ủng hộ thì vẫn có một số ý kiến phản đối việc triệu tập các “Oriundo” vào tuyển Italy. Các chính khách và những nhà báo theo chủ nghĩa dân tộc cho rằng LĐBĐ Italy lẽ ra cần ưu tiên sử dụng những cầu thủ bản địa hơn là các cầu thủ “nhập khẩu” này.

Ngay trường hợp của Mauro Camoranesi lúc đầu cũng bị phản đối. Không chỉ vì anh là “Oriundo” đầu tiên được gọi vào tuyển Italy sau 40 năm mà còn vì anh không bao giờ hát quốc ca Italy trước các trận đấu. Cựu tiền vệ Juve khi đó giải thích rằng anh không hát quốc ca Italy vì không thuộc lời. Anh cũng thường nhấn mạnh dù mang hộ chiếu Italy và đá cho tuyển Italy nhưng trước hết và sau cùng anh vẫn cảm thấy mình mang dòng máu Argentina. 

55 Camoraneri là “Oriundo” khoác áo tuyển Italy nhiều nhất trong lịch sử với 55 lần

9 “Oriundo” Franco Vazquez (Palermo, gốc Argentina) đang dẫn đầu danh sách kiến tạo ở Serie A với 9 đường chuyền quyết định

7 Có 7 “Oriundi” từng vô địch World Cup với tuyển Italy là Raimundo Orsi, Luis Monti, Enrique Guaita, Atilio Demaria, Anfilogio Guarisi (vô địch World Cup 1934), Miguel 'Michele' Andreolo (1938) và Mauro Camoranesi (2006)

Trọng Tuệ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm