02h30 ngày 30/4, Rayo Vallecano – Barcelona: Khi Barca không còn là của Pep

29/04/2012 13:50 GMT+7

*Tỷ số lượt đi 0-4

(TT&VH)- Pep Guardiola chắc chắn sẽ ra đi. Cơ hội bảo vệ Champions League tan thành mây khói. Và Liga cũng thật bất khả thi. Barcelona rất ít khi rơi vào hoàn cảnh mất động lực đến thế. Câu hỏi cần đặt ra là bây giờ, họ sẽ thể hiện một bộ mặt như thế nào?

Thật ra, cũng giống như Pep, Barca đang cạn kiệt động lực. Tờ Guardian từng đăng một bài phân tích chỉ ra rằng chu kỳ thành công của một đế chế thường là ba năm, và sau đó, việc lặp đi lặp lại một công thức thi đấu, sau khi các danh hiệu đã được sưu tập đầy đủ, thì đội ngũ ấy sẽ sinh ra hoặc tự mãn, hoặc cảm thấy nhàm chán. Con số “3 năm” ấy không bắt nguồn từ một “nghiên cứu” nào cả, mà được ông Betta Guttmann (sinh năm 1899, mất năm 1981), HLV huyền thoại người Hungary đã từng dẫn dắt gần 30 đội bóng ở châu Âu trong sự nghiệp kéo dài 40 năm, đúc rút, và xem ra nó ứng với rất nhiều sự suy vi của những đế chế bóng đá sau này.

HLV Viktor Maslov, cha đẻ của lối chơi pressing, đã từng dẫn dắt Dynamo Kiev vô địch Liên Xô ba năm liên tiếp từ 1966 đến 1968, nhưng phải rời ghế HLV trưởng của đội bóng này vào năm 1970. Ajax Amsterdam lập một hat-trick Cúp C1 từ năm 1971-1973, nhưng HLV Stefan Kovacs cũng đã ra đi ngay mùa bóng tiếp theo. Tương tự, “Đại Milan” của HLV Arrigo Sacchi đã đoạt được một Scudetto và hai Cúp C1 trong gần 4 năm (từ 1987-1991), trước khi cũng rút vào cánh gà lịch sử, với sự mệt mỏi về thể chất, tinh thần và động lực thi đấu. Bây giờ, Pep cũng nói lời chia tay ở năm thứ tư tại Camp Nou.

Không phải Đế chế nào cũng kết thúc sau 3 năm (Manchester United là một minh chứng hùng hồn), nhưng rõ ràng đó là khoảng thời gian đủ để bào mòn đi mọi thứ, từ thể lực do tuổi tác suy giảm, hiệu quả vận hành lối chơi suy giảm vì sự nhàm chán, vì mọi đối thủ đều nghiên cứu rất kỹ để phá giải, và thứ bị bào mòn nguy hiểm nhất là động lực thi đấu.



Barcelona (áo sẫm) rất ít khi rơi vào hoàn cảnh mất động lực đến thế này- Ảnh Getty

Thắp lên một ngọn lửa mới

Pep đã rất nỗ lực để giúp Barca vượt qua cái ngưỡng ấy bằng nhiều cách: Mua về những ngôi sao theo phong cách khác nhau (Ibrahimovic thay Eto`o cách đây 2 năm, Alexis Sanchez và Fabregas được tăng cường cho mùa này…), gạt bỏ đi những cầu thủ có “biểu hiện” gây chệch hướng con đường mà đội bóng đang đi (Ibra, Yaya Toure) và thậm chí là lục lại hệ thống 3 hậu vệ tưởng chừng đã rất “lỗi mốt” để hòng tìm ra một phương án mới cho Tiqui-taca. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy không thể vá nổi những lỗ hổng xuất hiện sau 4 năm, trong khi động lực chiến đấu là một giá trị trừu tượng và phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra.

Điều “may mắn” là khi Pep tuyên bố ra đi, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra Barca đang đứng ở đâu trên biểu đồ đo động lực chiến đấu của họ, một đội ngũ đã no nê danh hiệu và trải qua quá nhiều chiến thắng lẫn thất bại theo cách thật giống nhau (từ khóa cho các trận đấu của họ là “kiểm soát bóng hơn 70%”, “cột dọc”, “xà ngang”, hoặc… “xe bus”). Tiqui-taca vẫn là một lối chơi ưu việt, nhưng điều quan trọng là những người trực tiếp vận hành nó có muốn thể hiện nó với quyết tâm đến tận cùng, với ý thức sáng tạo và đào sâu khả năng của mình hay không? Câu trả lời có lẽ sẽ xuất hiện, vào thời điểm Pep đã tuyên bố ra đi và phần còn lại của mùa bóng chẳng còn nhiều ý nghĩa với Barca.

Pep vẫn sẽ chỉ đạo, nhưng từ bây giờ, các cầu thủ Barca có thể ý thức rằng họ không chơi bóng dưới triều đại của Pep nữa. Tiqui-taca khi ấy, đơn thuần sẽ chỉ là một “thói quen”, không chịu một áp lực đáng kể nào, và có thể được trình diễn một cách “bản năng” nhất, bằng những gì các cầu thủ đã tích tụ sau nhiều năm chơi bên nhau ở lò La Masia.

Chúng ta đã nhận thấy sự cứng nhắc trong cách vận hành tiqui-taca của Barca trong những trận cuối cùng trước khi Pep tuyên bố chia tay: theo “bài” rất nhiều và thiếu sự sáng tạo trong những đường chuyền cuối cùng. Phản ứng ấy chỉ xuất hiện khi họ mất đi động lực, và trận đấu với Rayo Vallecano có thể sẽ cho “ra lò” một Barca rất khác, sau khi các cầu thủ, xin nhắc lại, ý thức được rằng họ không còn chơi bóng dưới triều đại của Pep Guardiola nữa.

Dự đoán: 0-3

Phạm An

Lực lượng

Vallecano thiếu Sueliton, Piti, Javi Fuego (chấn thương), Mikel Labaka và Casado (treo giò)

Barcelona thiếu Pique, Xavi (chấn thương)

Đội hình dự kiến

Rayo Vallecano: Joel - Tito, Arribas, Bravo, Pulido - Movilla, Trashorras - Bangoura, Michu, Michel - Tamudo

Barcelona: Valdes - Alves, Mascherano, Puyol, Adriano - Thiago, Busquets, Iniesta - Fabregas, Messi, Sanchez





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm