Sir Alex tiết lộ bí quyết điều hành M.U tại Harvard

19/12/2012 19:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sir Alex Ferguson đã tiết lộ những bí quyết  để giúp ông trở thành một HLV hàng đầu trong lịch sử bóng đá Anh trước các sinh viên của trường đại học Harvard.

Vào ngày chuyển giao để bước sang năm mới, Sir Aelx sẽ tròn 71 tuổi. Trước khi đạt tới cột mốc mới trong cuộc đời, thuyền trưởng của Man United đã thực hiện một việc làm vô cùng ý nghĩa - truyền đạt lại kinh nghiệm huấn luyện một đội bóng hàng đầu trong chương trình hợp tác cùng Đại học kinh doanh thuộc hệ thống của ngôi trường nổi tiếng Harvard ở Boston.

Chương trình nghiên cứu của hai Giáo sư Anita Elberse và Tom Dye mang tên “Sir Alex: Người dẫn dắt Manchester United” phân tích cụ thể về những kế hoạch được lập một cách chi tiết cho mục tiêu trong mùa giải, các trận đấu, những cầu thủ hạt nhân, cách kiểm soát phòng thay đồ và cả những sai lầm của nhà cầm quân người Scotland trong 26 năm ngồi ghế nóng tại Old Trafford. Ngoài ra còn có cách thức thực hiện các cuộc đàm phán cũng như khả năng xoay chuyển thế trận ở các trận cầu của Sir Alex. 



Sir Alex giảng giải về cách điều hành đội bóng - Ảnh Getty

Phát biểu trong cuộc gặp mặt, Sir Alex cho biết hiện tại ông không còn áp dụng phương pháp điều hành theo kiểu “Máy sấy tóc” nữa.

“Các cầu thủ ngày nay có một cuộc sống đầy đủ và được che chở thế nên họ mong manh hơn rất nhiều so với 25 năm trước đây. Những năm trước tôi cũng đầy nam mê, nhiệt huyết thậm chí đến mức khó tính nhưng giờ tôi trở nên hòa nhã hơn. Bạn không thể luôn luôn la hét, điều đó chẳng hề có ích chút nào. Nhưng với tôi ngoài việc làm đó có một khía cạnh khác - nuôi dưỡng mối quan hệ với mọi người và phát triển tình cảm trong đội bóng trong những năm qua. Đối với một cầu thủ và tất cả mọi người, chẳng có gì tốt hơn là nghe những lời khen ngợi.”

“Tôi thích kể những câu chuyện khác nhau và sử dụng trí tưởng tượng của mình. Nhưng nói chung thì tất cả đều là về triển vọng của chúng tôi, niềm tin của cầu thủ vào chính mình và sự tin tưởng dành cho nhau. Tôi nhớ khi đến xem Andrea Bocelli, một ca sĩ opera. Tôi chưa từng tới xem một buổi hòa nhạc cổ điển trong đời nhưng tôi đã xem nó và nghĩ về sự kết hợp làm việc theo nhóm. Vì thế tôi đã nói chuyện với học trò của mình về dàn nhạc, họ là một tập thể hoàn hảo như thế nào. Bạn có thể nhận sự giúp đỡ từ các đồng đội.”

“Tôi đang cân nhắc việc sẽ mở lời về những điều mà tôi chưa bao giờ nói trước đây. Nhưng tại giai đoạn này của cuộc sống, tôi cảm thấy việc này có thể giúp đỡ những người trẻ khát khao theo con đường huấn luyện. Một phần trong buổi thảo luận này là những điều mà tôi học được từ chính mình khi xem xét về sự cân bằng giữa sự sợ hãi và tình yêu trong cách tiếp cận của tôi để quản lý con người.”

K.Đ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm