Nhà báo Vũ Công Lập: 'Bóng đá Đức vẫn chưa đi tới tột cùng khả năng'

07/05/2013 06:26 GMT+7 | Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Cà phê thể thao gặp nhà báo Vũ Công Lập khi những đội bóng Đức đang làm cả châu Âu phải ngả mũ.

* Thưa nhà báo Vũ Công Lập, là một người có thâm niên theo dõi thể thao nói chung, bóng đá Đức nói riêng, ông có cảm xúc như thế nào sau những chiến thắng đầy ấn tượng của Bayern Munich cũng như Borussia Dortmund ở lượt đi bán kết Champions League?

- Bóng đá sống nhờ cảm xúc. Mà cảm xúc trong hai trận đấu này là cảm xúc đỉnh điểm, hiếm có trong bóng đá. Trận đấu đẹp, hấp dẫn, kết quả bất ngờ. Nó như là kết quả của một quá trình tìm kiếm, tìm kiếm một lối đá đẹp và hiệu quả, tìm kiếm những cầu thủ tài danh. Mặt khác, trận đấu khiến người ta háo hức chờ đợi trận lượt về, vì chắc chắn đội thua sẽ có một thể hiện khác. Vừa khép lại, lại vừa mở ra là điều tốt nhất bóng đá có thể làm. Bayern và Dortmund là kẻ thách thức, là người khơi nguồn chủ yếu cho những cảm xúc đó.

* Ông có bất ngờ trước những chiến thắng này không, khi phần lớn các ý kiến trước giờ bóng lăn đều đánh giá hai đại diện của bóng đá Tây Ban Nha ở cửa trên?

- Với Bayern, bất ngờ là ít hơn. Vì đội bóng này rất mạnh mẽ trong cả mùa giải, trong khi Barca khá thất thường. Bất ngờ lớn hơn nằm ở Dortmund, vì rõ ràng họ đứng dưới về đẳng cấp. Nhưng tuổi trẻ và khát vọng đủ bù lại những thiếu hụt đó. Ngạc nhiên nhất là Dortmund không bị lao đao do thất thoát cầu thủ, và chính cầu thủ ra đi đó, Mario Goetze, lại thể hiện sự vững vàng đáng khâm phục. Khán giả cùng đã bình tâm, thay vì giận dữ, để quay về nỗ lực động viên đội bóng. Từ sự ngạc nhiên, chúng ta chuyển sang niềm tin lớn lao hơn, vững vàng hơn trong bóng đá: Để đi tới thắng lợi, người ta có thể đi nhiều con đường khác nhau. Lựa chọn con đường phù hợp với chính mình là quan trọng nhất.


 Nhà báo Vũ Công Lập thích Dortmund hơn vì lối đá - Ảnh: Getty

* Sau những chiến thắng ấy, nhiều người cho rằng thời của bóng đá Đức đã đến. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về điều này, như phát biểu của huấn luyện viên Arsene Wenger rằng sự nổi lên của bóng đá Đức chỉ là nhất thời. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?

- Vào lúc cảm giác thăng hoa, không nên đưa ra những kết luận quá vội vàng, cả chiều này lẫn chiều khác. Bóng đá Đức đang đi lên, như kết quả một quá trình chuẩn bị kỹ càng, lâu dài. Đó không phải là nhất thời. Tuy nhiên, về mặt câu lạc bộ, Đức chỉ có 2 đội thôi, các đội bóng khác đều thua và bị loại sớm ở các cúp châu Âu. Trong Bundesliga, khoảng cách giữa Bayern và Dortmund với các câu lạc bộ còn lại là quá lớn, đến mức không lành mạnh. Cấp đội tuyển quốc gia, Đức thể hiện một sức sống mới, nhưng sức sống ấy chưa đủ mạnh để vượt qua những thời điểm then chốt, như Tây Ban Nha. Nhưng bóng đá Đức chưa đi tới tột cùng của khả năng, họ vẫn còn tiến bộ. Các cầu thủ còn rất trẻ, và họ vẫn đang kiếm tìm trong lối đá.

* Bayern đang có những bước tiến vượt bậc. Liệu rằng câu lạc bộ này sẽ được xem là đội bóng số một thế giới trong tương lai gần, thế chỗ của Barcelona?

- Bayern rất mạnh về tổ chức và tài chính. Họ cũng có dàn cầu thủ hảo hạng. Thử nghiệm (Pep) Guardiola sẽ quyết định đẳng cấp của Bayern trong thời gian tới. Đấy chính là cuộc thử nghiệm lớn lao về lối đá. Nếu thử nghiệm Guardiola-Bayern thành công, thì Bayern sẽ là đội bóng vĩ đại.

* Sự xuất hiện của huấn luyện viên Pep Guardiola có ý nghĩa như thế nào với Bayern? Liệu rằng Bayern có sai lầm không, khi mà họ đã chơi rất thành công với huấn luyện viên Jupp Heynckes?

- Nếu Heynckes tiếp tục tại vị, chính ông cũng khó có thể thành công như năm nay. Như Guardiola đã không thành công với Barca mùa bóng 2011-12. Như đã nói, cái mà Bayern muốn kiếm tìm là một lối đá, không chỉ thành công, mà độc đáo hơn, bản sắc hơn, ma mị hơn. Nếu tìm thấy, chắc xem Bayern sẽ sướng hơn. Thực tình mà nói, tôi vẫn thích xem Dortmund hơn. Đấy là vì lối đá.

* Ông đánh giá thế nào về cơ hội giành chức vô địch của đội tuyển Đức ở World Cup 2014, sau khi bóng đá châu Âu và thế giới đã nằm dưới sự thống trị của đội tuyển Tây Ban Nha trong ba giải lớn gần đây?

- Khó thành công, như cựu tuyển thủ Oliver Bierhoff đã dè chừng, cũng như kinh nghiệm đã mách bảo (chưa đội bóng châu Âu nào vô địch khi World Cup tổ chức trên đất châu Mỹ). Nhưng từ đó mà giảm quyết tâm thì lại không đúng, và người Đức sẽ không làm thế. Biết đâu đấy, lúc chẳng hy vọng nhiều thì một điều gì đó sẽ đến? Đức có thể lọt vào bán kết.

* Liệu rằng, bóng đá Việt Nam có thể học được gì từ sự thành công của bóng đá Đức trong thời gian qua?

- Không chỉ ở Đức, chúng ta có thể học cách xây dựng nền bóng đá ở rất nhiều quốc gia khác nữa. Vì chúng ta đang rất lạc hậu. Mà bài học thì có nhiều: tổ chức rõ ràng, hoạt động minh bạch, nền tài chính lành mạnh, đào tạo trẻ căn cơ, từ triết lý đến cơ sở vật chất và quyết tâm hành động… Có điều là, không học thì thôi, chứ học thì nên học đến nơi đến chốn, chứ đừng nửa chừng.

Trên con đường tìm kiếm của mình, bóng đá Đức đã gặp không ít thất bại. Như năm 2012: Bayern thua Chelsea ở trận chung kết trên sân nhà, và Đức thua Italia 1-2 ở bán kết Euro 2012. Có nhiều phê phán lắm chứ, và cả hoang mang nữa. Và nếu thiếu sự kiên định trong lãnh đạo, về đường lối, thì đâu có ngày hôm nay. Họ không thay đổi vì một trận thua hay thắng. Cái ấy là cái chúng ta nên học nhất.

Cà phê thể thao
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm