Anh Ngọc & Calcio: Serie A ở châu Âu - khát vọng hồi sinh màu tím

25/04/2015 08:20 GMT+7 | Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Người nướng bánh pizza của một quán quen tôi hay lui tới ở Florence cười sung sướng khi được hỏi về đội bóng áo tím: "Chúng tôi yêu Fiorentina". Một cách rất tự nhiên thôi. Bởi đấy là đội bóng của nơi tôi đang sống.

Và trong đội bóng ấy, có Mohammed Salah". Chẳng có gì ngạc nhiên, bởi ông bạn này là người Ai Cập, như chính Salah, và sự hâm mộ Fiorentina bỗng nhiên trở thành một sự cuồng tín đặc biệt khi họ có mặt ở bán kết Europa League.

Trong quán Grande Nuti nổi tiếng với món bít tết truyền thống của xứ Tuscany mang tên "fiorentina", có một chiếc khăn màu tím thêu chữ đỏ treo trang trọng bên trên quầy nướng pizza của ông bạn đầu trọc. Dòng chữ viết một cách oai hùng, "Từ trái tim của khán đài, chỉ có một tiếng thét duy nhất, "viola alè... viola alè... viola alè...".

Ở cái thành phố đã từng có những ngôi sao dội bom một thời làm rung chuyển các khung thành và mành lưới của Serie A như Hamrin, Batistuta, Chiesa hay Toni, những số 10 khiến calcio trở nên mềm mại và thơ mộng như Antognoni, Roberto Baggio và Rui Costa, người ta không bao giờ giấu giếm tình yêu của mình với đội bóng áo tím như thế. Ông chủ của quán là một người viola chính hiệu, người đã treo vô số áo ngôi sao có chữ kí của đội trong những nơi trang trọng nhất của quán.

Nhưng điều mà ông luôn tự hào nhất, là biến những nhân viên của quán thành những tifosi của đội, như cái ông nướng pizza có nụ cười hồn hậu kia và Silva, một cậu chạy bàn người Brazil lúc nào cũng toe toét. Tôi gặp cậu ở Florence một ngày sau chiến thắng Dynamo Kiev, đưa Fiorentina vào bán kết Europa League, khi cậu đang giơ lên một lá cờ của Fiorentina trong quảng trường Chợ của thành phố. "Tôi dám cược 100 euro nếu không gặp được ở đây một ai mà không yêu La Viola đấy", cậu nói.


Fiorentina là đội bóng rất được yêu thích ở Florence

Sự thật là đội bóng áo tím đã trở thành một đội bóng yêu thích không chỉ của khoảng 1,2 triệu tifosi người Italy sống quanh Florence, quanh vùng Tuscany và những người gốc Florence sống ở những nơi khác (theo một điều tra của Viện nghiên cứu dư luận Demos), mà còn là đội bóng trong tim của không ít người nhập cư đang sống ở đây như ông bạn người Ai Cập và anh bạn trẻ Brazil của tôi. Tóm lại, Fiorentina đã trở thành đội bóng của mọi màu da và sắc tộc.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi nhìn thấy ở một góc phố trung tâm Florence, một anh chàng da đen đang mặc chiếc áo của đội và ở trên cây cầu Ponte Vecchio bắc qua sông Arno, một cậu choai choai có gương mặt Nhật Bản quấn ở thắt lưng một chiếc khăn màu tím. Từ lâu HLV Montella đã luôn tung ra một đội hình chính gồm toàn cầu thủ nước ngoài, với một thủ môn người Brazil (Neto), hai hậu vệ người Serbia (Tomovic, Savic), hai Argentina (Rodriguez, Basanta), hai cầu thủ người Tây Ban Nha (Alonso, Valero), một tiền vệ người Croatia (Badelj), hai tiền vệ người Chile (Mati Fernandez, Pizarro), một cầu thủ dội bom người Đức (Gomez) và một tay đua tốc độ người Ai Cập (Salah).

Đến Florence những ngày này mới thấy tình yêu bóng đá đang sục sôi trở lại trên những nẻo đường của thành phố. Những lá cờ tím trong các "Viola store" hoặc cửa hàng lưu niệm tung bay trước gió. Những quầy báo trưng ra các số báo mới nhất ca ngợi Montella và các học trò như những người hùng thực sự đang làm hồi sinh calcio bằng một thứ bóng đá đẹp mắt và khoa học. Những cậu học trò mặc chiếc áo tím ngoài đường với sự hãnh diện. Fiorentina trở thành một đề tài nóng bỏng được bàn luận ở các quán bar, lôi kéo cả các khách du lịch trước nay vốn đến Florence chỉ để thăm viếng các bảo tàng nổi tiếng như Uffizi và Palazzo Pitti, ngắm tượng David ở Accademia hay thăm vườn Boboli và lặng người chiêm ngưỡng Florence hoàng hôn từ quảng trường Michelangelo. 


Áo đấu của Salah bán rất chạy

Những chiếc áo của G.Rossi và Gomez bán rất chạy. Chạy nhất là áo của Salah, một hiện tượng thực sự ở Florence, người được ví như chàng David mới. Đấy là một so sánh đầy tự hào, bởi David, người đánh bại khổng lồ Goliath là biểu tượng cho Florence thời Phục hưng. Bây giờ, người ta mơ Fiorentina sẽ đi xa hơn là mùa 2007/08, khi họ vào đến bán kết và bị Glasgow Rangers loại sau loạt luân lưu. Xa hơn nữa là chung kết Cúp UEFA 1990 (khi Fiorentina của Baggio thua Juventus)...

Đấy là một thế giới khác, rất khác. Dĩ vãng vàng son là một sự ám ảnh, không chỉ với những khát vọng hồi sinh màu tím (Fiorentina), mà còn có màu xanh da trời (Napoli) và trắng-đen (Juventus). Đã 7 năm Fiorentina chưa vào đến bán kết một Cúp Châu Âu. Napoli phải đợi tới 26 năm, sau khi đã nhớ mòn mỏi những tháng ngày Maradona đoạt Cúp UEFA năm 1989. Juventus vào bán kết Champions League gần nhất vào năm 2003. Cũng đã 12 năm trôi qua kể từ lần gần nhất Italy có ít nhất 3 đại diện ở bán kết các Cúp Châu Âu. Mùa bóng 2002/03 không thể nào quên ấy, Juve, Milan và Inter có mặt trong số 4 đội cuối cùng ở Champions League (và rồi Milan đăng quang), trong khi Lazio lọt vào bán kết Cúp UEFA. Còn quá sớm để nói rằng, calcio đã thoát khỏi cuộc suy thoái về tài chính và bản sắc và hiện đang hồi sinh.

Cũng không thể lạc quan thái quá khi tin rằng, những gì đen tối đã lùi lại phía sau (các sân vận động vẫn trống rỗng, các tài năng bản địa ngày càng hiếm hoi và các cầu thủ người nước ngoài ngày càng nhiều-chỉ cần nhìn đội hình của chính Fiorentina và Napoli là hiểu). Không thể khẳng định ngay rằng, mùa này, các đội bóng Italy có thể làm được một điều gì đó phi thường, thậm chí là tạo ra một cuộc đối đầu với Tây Ban Nha ở Cúp Châu Âu lần này, nhưng một sự hồi sinh trên bình diện Châu Âu của Fiorentina, Napoli và Juventus, so với chính họ trong quá khứ, thì không có gì quá lời.

Fiorentina phá sản năm 2002, Napoli đi theo con đường chết chóc ấy vào năm 2004, Juventus xuống hạng B vì Calciopoli mùa hè 2006. Những bó hoa được đặt trước trụ sở của các CLB ấy như là để tưởng niệm cho những gì đẹp đẽ đã bị vùi lấp dưới những vũng bùn. Nước mắt đổ xuống và tranh cãi bùng nổ cùng với nghị lực và lòng kiên định là những động lực để họ hồi sinh. Fiorentina trở lại vào năm 2004, gián đoạn một thời gian vì các khủng hoảng (trong đó có dính líu đến Calciopoli), thế rồi tỏa sáng với Prandelli, Mutu và Toni, vào đến bán kết Europa League năm 2008 trước khi bay cao vút với Montella trong hai mùa bóng qua. Napoli tụt xuống tận hạng C1 nhưng sân San Paolo chưa bao giờ có chỗ trống, khi tình yêu của các tifosi đưa đội bóng trở lại, thăng hoa liên tục dưới tay Mazzarri trước khi trở thành một chuyên gia đấu Cúp với Benitez. Juventus trở lại sau một mùa ở Serie B và mất vài năm chuyển đổi và thiếu phương hướng trước khi lấy việc bá chủ Serie A làm bàn đạp cho cuộc chinh phục Champions League mùa này, điều Allegri đã làm được trong khi Conte bó tay.

Sự trưởng thành vượt bậc của ba đội bóng ấy không chỉ ở mặt kĩ chiến thuật mà còn ở sự tự tin trong các trận đấu mang tính knock-out, điều họ chưa từng có trong những năm đã qua. Sự tự tin ấy không hề đem đến những tuyên bố giật gân trên báo chí sau khi kết quả bốc thăm được công bố, khi Juventus đối đầu với Real Madrid, đương kim vô địch Champions League, và Fiorentina đụng Sevilla, nhà vua hiện tại của Europa League, một người khổng lồ ở sân chơi cấp hai của Châu Âu. Một juventino tôi gặp được ở Florence: "Đã vào đến bán kết thì gặp đội nào cũng thế. Để vào được chung kết, phải thắng Real Madrid. Không đơn giản, nhưng tôi tin, chúng tôi sẽ làm được. Vậy thôi". Điều đáng chú ý là vào ngày bốc thăm phân cặp bán kết, báo chí Ý nhất loạt khẳng định đối thủ mà Juve muốn gặp nhất chính là Real, vì theo họ, Real đang đầy rẫy các vấn đề! Còn các tifosi áo tím nghĩ gì khi gặp Sevilla? Silva, anh chàng người Brazil: "Tôi đã mơ đến trận chung kết ở Warsawa. Tại sao lại không nhỉ?".

Cả Florence đang mơ. Ở phía dưới của chiếc ủng nước Ý, Napoli đang sôi sục như những ngày Maradona biến San Paolo thành một thánh đường của bóng đá. Và tại miền Bắc, Juventus tự hào giơ lên lá cờ đại diện cho nước Ý ở Cúp Châu Âu. 12 năm trước, Buffon đã cùng với Juve vào một trận chung kết Champions League (sau khi hạ chính Real). 9 năm trước, Buffon và Pirlo cùng Thiên thanh đến Berlin để đoạt Cúp vàng thế giới. Những giấc mơ lớn đang trở lại, khi các đội bóng Ý đã bắt đầu biết chơi bóng và biết chiến thắng trở lại. Chỉ cần biến những giấc mơ ấy thành hiện thực. Khó, nhưng không gì là không thể...

                        Trương Anh Ngọc
(Từ Florence, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm