24/05/2025 19:45 GMT+7 | Văn hoá
Gần 340 ao hồ mới đã được đưa vào danh sách bảo vệ (được đưa ra năm 2023), nâng tổng số ao hồ cần bảo vệ tại Hà Nội lên khoảng 3.500 trường hợp.
Một quyết định quan trọng (quyết định số 2423/QĐ-UBND) vừa được UBND TP Hà Nội ban hành ít ngày trước, với việc điều chỉnh và bổ sung danh mục các hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố. Theo quyết định này, gần 340 ao hồ mới đã được đưa vào danh sách bảo vệ (được đưa ra năm 2023), nâng tổng số ao hồ cần bảo vệ tại Hà Nội lên khoảng 3.500.
Vượt trên ý nghĩa của những con số, đây là một tin vui không chỉ với cư dân thủ đô mà còn trong công tác quy hoạch đô thị. Bởi đơn giản, nếu thiếu đi những ao hồ hiện có, Hà Nội sẽ không còn là chính nó.
Cụm hồ Thanh Nhàn - hồ Quỳnh - hồ Quang Trung (quận Hai Bà Trưng) gần nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp mắt, trong lành. Ảnh: Danh Lam-TTXVN
Nhìn lại, Hà Nội là thành phố có lịch sử nghìn năm, được hình thành và phát triển bên những dòng sông, những mặt hồ lớn nhỏ đan xen trong từng khu vực. Đặc trưng ấy đã góp phần hình thành khí hậu, cảnh quan và phần nào là cả sự giao thương, sinh hoạt của người dân thành phố.
Và trong góc nhìn theo chiều dài thời gian ấy, cũng không thể phủ nhận rằng sau nhiều thập niên thiếu kiểm soát trước đây, thành phố đã phải trả cái giá khá đắt cho việc phát triển quá nóng. Từ nhu cầu mở rộng hạ tầng và phát triển những cụm đô thị mới, không ít những hồ nước, ao đầm ở nội thành - và đặc biệt là khu vực ven đô - đã bị san lấp hoặc thu nhỏ một phần.
Thực tế ấy diễn ra trong bối cảnh nhận thức chung của chúng ta chưa hoàn thiện và khung pháp lý thiếu chặt chẽ. Đôi khi, chúng được biện minh bằng lý do phát triển kinh tế, tạo quỹ đất hoặc "cải tạo cảnh quan"- để rồi thực tế chứng minh ngược lại: Mỗi phần ao hồ bị lấp đi là một phần chức năng sinh thái tự nhiên của chúng bị triệt tiêu.
Hồ Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng) nằm giữa khu dân cư đông đúc. Ảnh: Danh Lam-TTXVN
Người dân Hà Nội bây giờ không lạ với tình trạng ngập úng sau mỗi trận mưa lớn, với chất lượng không khí ô nhiễm ở nhiều khu vực, với nền nhiệt đô thị tăng cao từ hiệu ứng của hàng trăm ngàn chiếc máy điều hòa đang dần thay thế cho các "tấm điều hòa tự nhiên" từ mặt nước.
Còn ở góc độ văn hóa, xã hội và cả chiều sâu cảm xúc, người Hà Nội cũng đang mất dần sự gắn bó với những ký ức từng rất đỗi thân thuộc - khi mặt nước bị thay bằng bê tông và sắt thép. Bởi, về bản chất, các ao hồ cũng chính là những không gian công cộng tự nhiên, nơi con người tìm đến sự thư giãn, kết nối, cân bằng và giữ nhịp sống chậm trong một đô thị hiện đại.
Quần thể Hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu và hồ Thiền Quang giữ cho bầu không khí ở 2 quận Hai Bà và Đống Đa trong sạch hơn. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN
***
Thực tế, những năm gần đây, việc quản lý ao hồ của Hà Nội đã được nâng cao rõ rệt. Ở đó, một số hồ nổi bật như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Thiền Quang, hồ Hoàng Cầu đã được khoanh vùng bảo tồn, đi kèm với các dự án quy hoạch cảnh quan đồng bộ. Dù vậy, nỗi lo của cộng đồng vẫn gắn với việc hàng loạt hồ lớn nhỏ, thậm chí vô danh, nằm rải rác trong các khu dân cư, vùng nông nghiệp, hoặc khu đô thị tự phát đang có nguy cơ bị xâm phạm nếu không bảo vệ kịp thời.
Và theo cách đó, dù đáng mừng, nhưng những quyết định của thành phố về danh mục hồ được bảo vệ mới chỉ nên coi là bước khởi đầu. Xa hơn, từng bước, mặt nước trong cấu trúc đô thị cần thoát khỏi vị trí của không gian thụ động để đặt làm trung tâm của sự phát triển, nghĩa là được khai thác hết tiềm năng trong tương lai.
Đó phải là bài toán cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, trong đó có cả những cơ chế rõ ràng, linh hoạt để thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc cải tạo và khai thác ao hồ. Theo đó, các doanh nghiệp có thể được cấp phép sử dụng một phần quỹ đất ven hồ - vốn có giá trị rất cao - để đổi lấy việc đầu tư cảnh quan, xây dựng không gian công cộng với diện tích xứng đáng để phục vụ cộng đồng.
Để rồi, khi không chỉ trông đợi vào ngân sách Nhà nước, những mặt nước tại Hà Nội vẫn có thể được tôn tạo để trở thành những không gian sinh thái, kết nối công viên, khu dân cư và điểm văn hóa để trở thành những "phòng khách mở" của Hà Nội - nơi bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận, sinh hoạt, thư giãn và gắn bó.
Như thế, giữ ao hồ cũng là giữ lại những không gian công cộng bình đẳng, nơi mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, đều có thể tiếp cận và hưởng thụ. Là giữ cho Hà Nội không chỉ đẹp trong ký ức, mà còn đáng sống ở hiện tại, với bản sắc không bị đồng hóa bởi những khối bê tông mà nằm ở những mặt nước trong xanh, gợi ra chiều sâu của cái tên Hà Nội - thành phố trong sông.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất