Giờ G đã điểm: Ngày mai, 4/2, chính thức ký Hiệp định TPP

03/02/2016 20:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ chính thức được ký vào ngày 4-2-2016 tại New Zealand. TPP hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam về tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao kim ngạch xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức.

* Giữ đúng tiến độ đã cam kết

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, sau khi kết thúc đàm phán ngày 5-10-2015, đại diện 12 nước tham gia TPP đã thống nhất với nhau trong vòng 90 ngày sẽ rà soát các nội dung để tiến hành ký kết chính thức hiệp định.

Trong 90 ngày vừa qua, các nước đã hoàn tất việc rà soát thủ tục, công bố rộng rãi cho công chúng.

Có thể nói tiến độ mà các nước cam kết với nhau là sẽ ký kết vào ngày 4-2-2016 đã giữ được. Đây là mốc quan trọng hứa hẹn hiệp định sẽ đi vào thực thi đúng thời gian.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (bên phải) và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP họp báo chung kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại 12 nước thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), diễn ra ở thành phố Atlanta. Ảnh: Thanh Tuấn – TTXVN

Về phía Việt Nam, trong ba tháng vừa qua, bên cạnh các cam kết chung đạt được trong TPP, Việt Nam đã đạt được thêm một số thoả thuận song phương với một số nước thành viên TPP mà các thoả thuận này có tác động quan trọng với một số lĩnh vực mà Việt Nam đang đàm phán.

Cụ thể, Việt Nam đã đạt được Thoả thuận song phương về dệt may với Mỹ; cam kết của một số nước để tiến tới xem xét công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam; Thoả thuận của Việt Nam với Australia về việc tăng thêm thời gian lao động cho các thể nhân có điều kiện làm việc tại Australia. Các thoả thuận này có tác động tích cực cho việc thực thi hiệp định TPP của Việt Nam.

Ngày 2-2-2016, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc ký "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP). Theo đó, Chính phủ đồng ý ký và ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Hiệp định trên với đại diện được ủy quyền của Chính phủ các nước tham gia TPP. Bộ Ngoại giao tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định.

* Tận dụng cơ hội

Nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cho rằng, so sánh với các nước thành viên TPP, quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, trình độ phát triển còn thấp, do đó, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi thực thi TPP, nhất là trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, thu hút dịch vụ và đầu tư.

Cơ hội lớn nhất liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu. Dự báo, TPP sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025 nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada Nhật Bản… khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%. Những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, thuỷ sản sẽ tăng trưởng mạnh. Theo Bộ Công Thương, dệt may, da giày có thể tăng trưởng ít nhất 20% trong khi nông, thủy sản có thể sẽ tăng trưởng thấp hơn do còn có những rào cản thương mại.

TPP cũng sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn của các nước TPP, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Các cơ hội về kinh tế sẽ tạo điều kiện phát triển xã hội như: tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống. Đặc biệt, do Hiệp định TPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp tăng trưởng bền vững hơn…

* Những rủi ro, thách thức

Tuy nhiên, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức.

Khi TPP có hiệu lực, doanh nghiệp nội địa Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất cao vì trình độ công nghệ gần như xếp ở hàng thấp nhất, trong khi hàng rào thuế quan, phi thuế quan sẽ không còn là “cứu cánh”. Điều khiến nhiều người lo ngại là việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Ngành da giày sẵn sàng chào đón TPP

Một điểm nữa là, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ nội khối, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu những tác động tiêu cực, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng, qua đó có thể rà soát các điều kiện để có thể xây dựng các bước đi, chiến lược để khai thác lợi thế, ứng phó với khó khăn, cũng như có điều kiện để tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ở khía cạnh vĩ mô, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu để đưa ra được các bộ tiêu chuẩn, các tiêu chí để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm được phép lưu thông tại Việt Nam và ngăn chặn các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Việt Nam, qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên.

Bên cạnh đó, một biện pháp rất quan trọng khác chính là làm tốt công tác tuyên truyền để cộng động doanh nghiệp nắm bắt thật kỹ các nội dung của TPP, qua đó nhận biết được các cơ hội lợi thế cần khai thác triệt để cũng như các thách thức để có biện pháp ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

* Lịch sử đàm phán TPP

TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia (bao gồm: Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Austrialia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam) với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập đến không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…

Quá trình đàm phán TPP được khởi động từ tháng 3-2010. Với 19 phiên đàm phán chính thức, 5 phiên cấp Bộ trưởng, việc đàm phán TPP đã hoàn tất vào tháng 10-2015. 1 tháng sau đó, toàn văn hiệp định đã được công bố.

TPP được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định. Cụ thể, TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước thành viên, tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt. Đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Tùng Lâm - TTXVN (tổng hợp)

[Nguồn: Bộ Công Thương, TTXVN]

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm