Những góc khuất trong ngành công nghiệp đẻ thuê

09/08/2014 08:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Với hàng ngàn các cặp vợ chồng giàu có nhưng mắc chứng vô sinh, giấc mơ sinh con thường chỉ trở thành hiện thực tại những nơi như Thái Lan và Ấn Độ. Nhiều phụ nữ nghèo ở đây sẵn sàng nhận tiền để mang thai hộ họ và đảm bảo đứa trẻ sẽ ra đời.

Trong phần lớn trường hợp, mối quan hệ sẽ khiến cả đôi bên hài lòng, cho tới khi có chuyện rắc rối xảy ra.

Không hiếm chuyện lừa gạt, gian lận

Gần đây, dư luận đã xôn xao trước việc một cặp vợ chồng Australia từ bỏ đứa con có được nhờ đẻ thuê, sau khi phát hiện đứa trẻ bị hội chứng Down. Cụ thể, cặp vợ chồng trên thuê chị Pattharamon Janbua (21 tuổi) mang thai hộ và chị đã có thai đôi. Tuy nhiên trong đợt kiểm tra y tế khi 2 cái thai được 4 tháng tuổi, chị phát hiện bé trai tên là Gammua mắc chứng Down.

Sau khi biết tin, cặp vợ chồng Australia đã yêu cầu chị phá thai. Chị Pattharamon đã từ chối đề nghị này vì theo đạo Phật. Kết quả là khi 2 đứa trẻ chào đời, cặp vợ chồng đã đưa đứa trẻ song sinh khỏe mạnh về Australia và chừa lại Gammua. Sự kiện ngoài việc gây phản ứng phẫn nộ lan rộng, còn khiến người ta chú ý tới hoạt động đẻ thuê thương mại ở Thái Lan, cho tới nay vẫn chưa được điều phối chặt chẽ.


Bé Gamua cùng bà mẹ đẻ thuê Pattharamon Janbua

Một trong những lý do để Thái Lan thành thị trường đẻ thuê hấp lẫn là bởi nước này có đông phụ nữ nghèo, những người sẵn lòng mang thai hộ nếu người ta trả họ một khoản tiền hợp lý. Ngoài ra, Thái Lan còn có rất nhiều bác sĩ sản khoa giỏi.

Ấn Độ cũng là một trong những điểm đẻ thuê lớn. Nguyên nhân cũng chỉ bởi nơi đây có nhiều bác sĩ tay nghề cao, cơ sở hạ tầng y tế tốt và đông phụ nữ nghèo sẵn sàng cho thuê tử cung. Một hợp đồng mang thai hộ thường tốn kém từ 18.000 – 30.000 USD ở Ấn Độ, với bà mẹ nhận được từ 5.000 – 7.000 USD.

Ấn Độ đã hợp pháp hóa hoạt động đẻ thuê từ năm 2001, nhưng vẫn chỉ có rất ít quy định quản lý ngành công nghiệp mang lại 1 tỷ USD mỗi năm này. Theo các nhà hoạt động, việc thiếu sự điều hành chặt chẽ sẽ dẫn tới nhiều vụ lạm dụng. “Trong không ít trường hợp, phụ nữ sảy thai thường chẳng nhận được xu nào” - Ranjana Kumari, giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội có trụ sở ở New Delhi cho biết – “Các công ty cung cấp dịch vụ đẻ thuê thường đổ lỗi cho người phụ nữ, nói rằng vì cô mà cái thai hỏng”.

Manasi Mishra, tác giả của 2 báo cáo về hoạt động mang thai hộ ở Ấn Độ, thì cho biết nhiều người phụ nữ đã bị các tổ chức môi giới lừa gạt và chỉ nhận được một khoản tiền nhỏ so với hứa hẹn ban đầu.

"Có một mặt tối trong ngành công nghiệp này” – một nhân viên giấu tên thuộc công ty Thái Lan đã sắp xếp thỏa thuận mang thai hộ liên quan tới bé Gammy cho biết.

Sẵn sàng làm tất cả để có con

Trong khi đó, các cặp vợ chồng giàu có thích tìm ra nước ngoài đẻ thuê bởi ở nước họ, việc này chịu nhiều sự ràng buộc hoặc bị cấm. Ví dụ tại Mỹ, một số bang cấm các giao dịch mang mục đích thương mại quanh việc đẻ thuê và như thế bất kỳ hợp đồng đẻ thuê nào cũng không có giá trị. Các bang khác như California và Illinois lại có quy định quản lý việc đẻ thuê rất nghiêm ngặt.

Năm 2012, trong nỗ lực tăng cường quản lý hoạt động đẻ thuê, Ấn Độ đã bổ sung quy định mới, cấm một số đối tượng như các cặp đồng tính nam, đồng tính nữ, độc thân và các cặp nam nữ chưa kết hôn được sử dụng dịch vụ mang thai hộ. Các cặp vợ chồng tới từ những nước cấm mang thai hộ cũng sẽ không được dùng dịch vụ. Thay đổi này đã buộc không ít người Australia tìm sang Thái Lan để sử dụng dịch vụ đẻ thuê.

Với Kylie Young, 39 tuổi và chồng Cameron, 40 tuổi, tìm một bà mẹ người Thái mang thai hộ chỉ để chấm dứt chuỗi ngày khổ sở nhằm có con của họ. Cặp vợ chồng cố thử thụ thai ngay sau khi kết hôn hồi tháng 8/2002. Nhưng 8 năm sử dụng biện pháp thụ tinh ống nghiệm đã chẳng mang lại kết quả nào. Họ còn có 2 lần nhờ một người bạn mang thai hộ, song vẫn không thành công.

Sau khi biết về hoạt động mang thai hộ ở Thái Lan, nhà Young đã liên lạc với một công ty môi giới. Công ty này giúp họ bắt liên lạc với một bà mẹ đồng ý mang thai hộ và thu phí toàn bộ quy trình khoảng 60.000 USD. Kết quả của hợp đồng là người phụ nữ Thái Lan mang thai đôi.

Cách đây 1 năm, nhà Young bay tới Thái Lan để chứng kiến ca sinh nở. Kylie đã bật khóc ngay khi vừa nhìn thấy cặp song sinh Stella và Luke. Cô nói rằng mọi nỗ lực của mình cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Stella và Luke nay đã 14 tháng tuổi. Kylie cho biết cô chưa bao giờ thấy hối hận trước những gì vợ chồng mình đã làm.

“Tôi không nghĩ người ta có thể thấu hiểu, rằng thật khó khăn biết bao để sinh ra một đứa trẻ. Chúng tôi đã nỗ lực suốt 12 năm trời” – Kylie nói - "Mọi người thường nghĩ chuyện có con thật dễ dàng, thực tế không hề như vậy”.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm