Gerardo Martino: Không phải anh hùng, nhưng cũng chẳng phải tội đồ

18/05/2014 09:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn)- Số phận của Gerardo Martino đã được định đoạt cách nay hơn một tháng, bởi quyết định của CLB và bởi cả cá nhân ông.

Tuy nhiên, dù không phải là một anh hùng, ông cũng chẳng phải là một tội đồ như một bộ phận của giới truyền thông Tây Ban Nha cáo buộc. Cần phải hiểu ông đã đến sân Camp Nou ra sao và sống trong một hoàn cảnh như thế nào mới có thể có một cách nhìn khách quan về nhà cầm quân người Argentina này.

Xung quanh Tata người ta kể rất nhiều câu chuyện, cả tốt lẫn xấu, giống như ông là một người đa nhân cách hay hình ảnh của ông một nửa là hiện thực một nửa là viễn tưởng.


Không thể đổ mọi lỗi lầm lên đầu Martino

“Nhảy dù” xuống Camp Nou

Cái tên của HLV người Rosario được Sandro Rosell gợi ý ở mùa Hè vừa qua, khi Tito Vilanova tái phát căn bệnh ung thư tuyến nước bọt quái ác. Số điện thoại của Tata mà chủ tịch Rosell có được không đến từ ban huấn luyện của Barca, mà cũng chẳng phải do Malaga và Real Sociedad, hai đội bóng thất bại trong ý định mời chiến lược gia người Argentina, cung cấp. Ông chủ của đội bóng xứ Catalunya có nó nhờ chính Tổng thống của Paraguay, người giữ mối quan hệ tốt với Gerardo Martino từ khi nhà cầm quân này dẫn dắt đội tuyển Paraguay và đưa họ vào Tứ kết World Cup 2010.  Sau này, trong nhiều lần phát biểu trực tuyến cả giám đốc thể thao Andoni Zubizarreta và phó chủ tịch lúc đó Josep Maria Bertomeu đều ca ngợi vụ mua sắm này.

Tiếp theo một bản hợp đồng đầy bất ngờ là một mùa bóng chìm nổi không kém. Martino từ chỗ được khen ngợi ban đầu dần dần trở thành một mục tiêu bị công kích, đặc biệt là từ giới truyền thông, bởi nguy cơ của một mùa bóng trắng tay lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua.  

Tuy nhiên, BLĐ của CLB, từ Bartomeu đến Zubizarreta, và các cầu thủ ban đầu đều lên tiếng bảo vệ chiến lược gia người Argentina, trước sự chỉ trích của dư luận. Thậm chí, “Thánh Johan” còn khẳng định chính giám đốc thể thao mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình sa sút hiện nay của Barcelona chứ không phải HLV Martino.

Những khiếm khuyết của Tata

Cảm giác đầu tiên là nhà cầm quân người Argentina không có một dự án được xác định rõ ràng và cụ thể, ngay từ điểm đầu tiên là “trung thành với triết lý tấn công và lối chơi tiki-taka” hay “ phải có những đổi mới cần thiết” để đưa Barca trở lại thời kỳ vàng son. Mặc dù luôn khẳng định trung thành với DNA màu đỏ-xanh, chỉ bổ sung một số yếu tố mới, nhưng ông thường tạo ra sự nhầm lẫn về phong cách qua sự sắp xếp đội hình và sự thay người bất ngờ, luôn dựa trên lối chơi chính thống, chứ ít khi theo cách phù hợp với Barca. Người ta còn kể Martino tuy có vẻ hòa đồng nhưng không thích nghe người khác can ngăn, nhất là các cầu thủ.

Tata cũng chịu một phần trách nhiệm trong việc đồng ý giữ lại các công thần đã qua thời kỳ đỉnh cao theo ý muốn của Ban lãnh đạo và cũng vì muốn làm vừa lòng các “cầu thủ hạng nặng” để không gặp khó dễ trong phòng thay đồ, khiến hàng thủ của đội bóng mùa này tệ hại hơn bao giờ hết.

Trong cách đối xử, Martino gọi các cầu thủ bằng tên, chứ không bằng họ theo cách nói của người phương Tây, một biểu hiện của sự thân tình và gần gũi, điều dễ tạo ra một không khí gia đình vui vẻ, nhưng lại thiếu sự nghiêm minh của kỷ cương.


Martino luôn tỏ ra lạc lõng ở Barca

Đương kim HLV của Barca còn giữ lại hầu hết các trợ lý của Tito Vilanova để tránh mang tiếng cục bộ địa phương, nhưng lại chỉ lắng nghe những lời khuyên từ các cộng sự gần gũi nhất của mình là Pautasso và Palorrosso, cả hai đều có một phương pháp huấn luyện bị coi là lạc hậu. Nhìn vào các trận đấu đã qua, có thể thấy Martino không đóng góp gì nhiều vào phương diện chiến thuật. Martino cho rằng mình bị đối xử khác biệt là do không phải là người Catalan hay người Hà Lan, không phải là truyền nhân của Cruyff hay Pep Guardiola nhưng lại không biết giải thích lối chơi cụ thể của mình là gì, là Martino của Argentina hay Martino của Barca.

Đôi khi người ta còn có cảm giác Tata không phải là HLV ngồi trên băng ghế chỉ đạo của Barcelona khi đội bóng thắng Madrid trên sân Camp Nou và cả Bernabeu. Người chiến thắng là Messi hoặc Neymar. Tuy nhiên, người thất bại luôn là Martino.

Cái khó bó cái khôn

Tuy nhiên, cũng phải hiểu rõ những hoàn cảnh đặc biệt của chiến lược gia người Argentina khi đến với Barcelona. Vì về sân Camp Nou bằng cách “nhảy dù”, Tata hầu như không có giai đoạn tiền mùa bóng để chuẩn bị cho mùa bóng mới.

Ông cũng chẳng có thời gian để sửa chữa những sai lầm của ban lãnh đạo thể thao CLB trong việc cố tình phớt lờ các đòi hỏi chính đáng của dư luận và khán giả từ mùa bóng trước là mua gấp một, hai trung vệ đẳng cấp để thế chỗ Puyol và trả Mascherano trở lại vị trí tiền vệ trụ, hay mua một tiền vệ cao to dạng Yara Toure và một tiền đạo cắm để sử dụng khi bế tắc trên hàng công. Ông cũng không thể làm gì trong vụ Rosell ném tiền qua cửa sổ để mua Neymar chưa thật cần thiết hoặc ngăn chặn Thiago Alcantara sang Bayern Munich. Ở mùa bóng đầu tiên, trong một đội bóng lớn như Barca, một HLV như Martino khó có thể giành được những quyền đó.

Đã thế, dư luận và báo chí luôn rất khắt khe với chiến lược gia người Argentina. Nếu để tất cả các “jugones” (các cầu thủ công thần) vào thi đấu thì ông bị coi là thiếu bản lĩnh, không dám đụng đến những cầu thủ hạng nặng, còn nếu thay một vài trong số họ thì lập tức bị phê phán là sai lầm, làm mất bản chất tiki-taka. Áp lực ở Barca luôn rất lớn.

Đã thế, Martino lại phải đối đầu với những ca chấn thương liên tiếp: Puyol hầu như không thi đấu suốt cả mùa bóng, Messi phải điều trị nhiều lần, có lúc phải nghỉ tới hai tháng, Valdes, Alves, Adriano, Pique cũng hay dính chấn thương. Có lúc hàng phòng ngự của Barca không còn một trung vệ đích thực nào. Cả Valdes và Puyol đều sớm tuyên bố ra đi khi mùa bóng kết thúc.

Chưa hết, những chuyện ngoài sân cỏ liên tiếp xảy ra cũng gây tác động tiêu cực lớn đến hiệu suất thi đấu của các cầu thủ. Điển hình là các vụ nhà Messi bị cáo buộc trốn thuế, hội viên Cases kiện chủ tịch Rosell thiếu minh bạch trong vụ mua Neymar khiến ông này phải từ chức, phó chủ tịch Bartomeu lên thay, án phạt của FIFA do vi phạm điều khoản chuyển nhượng cầu thủ vị thành niên (đã được tạm dỡ bỏ), cái chết của Tito Vilanova và nỗi đau mất con của Andres Iniesta. Vận đen cứ dồn dập đổ lên Barca, Martino và các cầu thủ.

Trong một bối cảnh như vậy, việc Barca vẫn giành được Siêu Cúp Tây Ban Nha, lọt vào Tứ kết Champions League và đứng thứ hai trên bảng xếp hạng tại Liga, cùng khả năng có thể giữ được ngôi vương ở giải đấu này, xét cho cùng không phải là một kết quả quá tồi đối với Gerardo Martino. Không thể đem Barca của 14 danh hiệu trong bốn năm ra so với Barca của Martino hiện nay. Đó là một sự khập khiễng to lớn.

Tất nhiên, để dẫn dắt một CLB vĩ đại như Barca trong thời kỳ “đổi mới sâu sắc”, sẽ cần một HLV mới, nhiều chất DNA đỏ-xanh hơn và giàu chất thủ lĩnh hơn. Còn tài năng hơn thì chưa ai dám nói, vì thành bại của một đội bóng, phần lớn phụ thuộc vào một dự án thể thao đúng đắn và các cầu thủ, chứ không phải là HLV.

Vậy thì dù không phải là anh hùng, cũng chẳng thể coi Martino là một tội đồ.

Khang Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm