Những người góp thêm thành công cho DIFF 2018
(Thethaovanhoa.vn)- Đêm khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2018 khép lại vào tối 30-4, để lại trong lòng người dân và du khách cảm xúc khó quên về những màn trình diễn pháo hoa đẳng cấp. Đằng sau mỗi màn trình diễn ấy là những con người nhiệt huyết, lặng lẽ góp sức mình vào thành công chung của một sự kiện lớn.
- Những hình ảnh mãn nhãn trong bữa tiệc pháo hoa DIFF 2018
- DIFF 2017 & Những khoảnh khắc pháo hoa đẹp nhất sau bốn đêm thi
Màu áo trắng tình nguyện
Sau khi đêm khai mạc kết thúc, các tình nguyện viên DIFF 2018 trong chiếc áo đồng phục màu trắng vẫn nán lại khán đài để dọn dẹp, giúp ban tổ chức kiểm tra từng chiếc đèn, chiếc bàn, chiếc ghế…
Công việc của các tình nguyện viên bao gồm việc hướng dẫn khán giả ngồi đúng vị trí trên khán đài, nhắc nhở các trường hợp vi phạm quy định an toàn của ban tổ chức…
Bạn Trần Hữu Huy (SN 1999, sinh viên Trường Đại học Duy Tân) kể, trong đêm khai mạc, một vài gia đình đông người vì muốn ngồi chung với nhau nên ngồi tràn sang lối thoát hiểm, lại có một số người hút thuốc lá bất chấp cảnh báo cháy nổ của ban tổ chức.
“Lúc ấy, mình phải đến nhắc nhở. Cũng có trường hợp khán giả không chịu nghe, mình phải kiên trì thuyết phục nhẹ nhàng nhưng cứng rắn, nhất định vì an toàn chung của lễ hội”, Huy chia sẻ.
Cũng đang là sinh viên, Trần Đào Yến Nhi (SN 1996, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng) lại đảm nhiệm công việc phiên dịch cho đội pháo hoa Đà Nẵng-Việt Nam.
Công việc của cô gái trẻ này bắt đầu từ trước đêm khai mạc hơn 10 ngày. Trong suốt thời gian đội chuẩn bị và thi đấu, Nhi là “cầu nối” ngôn ngữ, giúp truyền tải thông tin giữa đội Đà Nẵng với đội bạn Ba Lan và đơn vị tư vấn Global 2000.
Nhi cho biết mình đã từng tham gia phiên dịch cho các hội thảo du học, song đây là lần đầu tiên bạn làm tình nguyện viên cho DIFF.
Nhi nói: “Có rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật mà mình phải tự nắm bắt, tự trau dồi. Hơn nữa, khối lượng công việc nhiều và kéo dài, nên mình phải tự rèn luyện tính tập trung, tự tin để đáp ứng yêu cầu”. Nếu đội Đà Nẵng đi tiếp trong vòng chung kết, Yến Nhi sẽ tiếp tục công việc phiên dịch của mình để hỗ trợ đội.
Có mặt ở khu vực khán đài từ 15 giờ chiều đến gần nửa đêm, đội ngũ y tế của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn, chăm sóc sức khoẻ cho hàng chục nghìn người dân, khách du lịch cũng như các lãnh đạo, ê-kip sân khấu, thành viên các đội bắn…
Tham gia các sự kiện pháo hoa của Đà Nẵng từ những năm đầu tiên, anh Nguyễn Đăng Hà chia sẻ: “Càng về sau, thành phố càng có kinh nghiệm tổ chức, đội ngũ y tế có kinh nghiệm hơn trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng khác”.
Người truyền tin trong đêm khuya
Màn trình diễn pháo hoa của đội Ba Lan vừa kết thúc, những phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường nhanh chóng thu xếp balo, máy ảnh và phụ kiện hỗ trợ tác nghiệp để di chuyển vào trung tâm báo chí.
Những bước chân hối hả, những đôi tay thoăn thoắt gõ phím máy tính, tiếng chuông điện thoại thúc giục từ tòa soạn gọi đến, tiếng nói, tiếng trao đổi công việc… khiến không khí tại trung tâm báo chí DIFF 2018 trở nên sôi nổi.
Nhiều phóng viên phải tác nghiệp liên tục trước, trong và sau khi sự kiện kết thúc. Ngay cả khi kim đồng hồ đã điểm sang 23 giờ, số lượng phóng viên, biên tập viên còn tác nghiệp tại trung tâm báo chí DIFF 2018 vẫn rất đông.
Mỗi người mỗi việc, những phóng viên truyền hình và phát thanh gọi nhau “cóp” dữ liệu video từ thẻ nhớ để dựng thành bản tin. Trong khi đó, những đồng nghiệp bên các báo và trang tin điện tử lại tất bật với những chùm ảnh, những bài viết bên lề… Tất cả đều vì mục đích cuối cùng là chuyển tải thông tin về DIFF 2018 đến với bạn đọc một cách “nóng hổi”, sinh động nhất.
Nguyễn Tấn Việt (phóng viên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh) - một người “Đà Nẵng gốc” không giấu được sự phấn khích khi tác nghiệp tại DIFF 2018.
Việt chia sẻ: “Mỗi lần xem trình diễn pháo hoa, mỗi lần tác nghiệp là lại thêm một lần tự hào về thành phố. Vì vậy, dù việc tác nghiệp có áp lực, mệt mỏi thì bản thân vẫn có động lực để hoàn thành tin bài, đưa thông tin nhanh nhất đến bạn đọc”.
Những người “đi trước, về sau”
Cũng như các phóng viên, nhà báo, lực lượng Công an, công nhân vệ sinh môi trường thành phố là những người thường phải “đi trước, về sau”.
Chưa đầy 16 giờ chiều 30-4, khi trời đang còn nắng gắt, những chiến sĩ Công an đã có mặt ở tất cả các tuyến đường để làm nhiệm vụ điều hòa, hướng dẫn giao thông, bảo vệ an ninh trật tự. Khi màn đêm buông xuống, những màn pháo hoa rực rỡ của 2 đội Việt Nam-Ba Lan bung lên bầu trời, họ vẫn cứ thầm lặng để canh cho người dân xem pháo hoa an toàn.
Khi màn trình diễn pháo hoa kết thúc, những chiến sĩ Công an phải gồng mình để phân luồng, điều hòa giao thông, làm sao cho không xảy ra tình trạng tắc đường, kẹt xe cho đến khi đường không còn một vị khách, họ mới rút về đơn vị.
Trung tá Nguyễn Quang Thông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Công an thành phố đã có "thâm niên" 10 năm tham gia DIFF. Chỉ huy một tiểu đoàn với hàng trăm quân, anh luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm để thuộc cấp học tập noi theo. Những dịp pháo hoa đến, anh luôn có mặt ở những khu vực trọng điểm để chỉ huy lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, chống các biểu hiện trộm cắp, móc túi của đối tượng xấu.
Có lẽ lực lượng về muộn nhất phải kể đến công nhân môi trường đô thị. Mỗi ngày, lực lượng này luôn duy trì môi trường sạch, đẹp cho đến khi người dân, du khách đổ về khu vực sông Hàn để chuẩn bị cho đêm khai mạc. Trong khoảng thời gian chờ đợi pháo hoa khai hỏa, họ cũng không quên nhiệm vụ nhắc nhở người dân, du khách tuân thủ bỏ rác đúng quy định, đồng thời lượm lặt những loại rác như bao bì, chai lọ bỏ thành đống để thuận tiện cho quá trình dọn dẹp của mình.
Suốt 10 năm diễn ra cuộc thi pháo hoa quốc tế là 10 năm chị Nguyễn Thị Liên (Xí nghiệp môi trường Sơn Trà) cùng đồng nghiệp là những người về sau cùng. Niềm vui của các anh chị chính là lượng rác ít dần sau khi kết thúc đợt thi, chứng tỏ người dân đang chung tay bảo vệ môi trường cho thành phố.
(Theo Báo Đà Nẵng)