Khám phá Hà Giang trong 3 ngày như thế nào? 10 trải nghiệm không thể bỏ qua

14/10/2016 05:09 GMT+7 | Tư vấn

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - 3 ngày 4 đêm, khoảng thời gian quá ngắn để bạn có thể biết và hiểu hết về mảnh đất Hà Giang nhưng cũng vừa đủ dài để bạn cảm nhận được hương vị núi rừng và tấm lòng những con người vùng cao...

Những thửa ruộng bậc thang đẹp hút hồn, những con đường uốn lượn quanh co, và kìa những nụ cười tươi rói của các cô bé, cậu bé người dân tộc… như đang chào mời bạn đến với Hà Giang. Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy chuẩn bị những thứ cần thiết và bắt đầu chuyến hành trình đến với cùng cao nguyên đá.

Những chia sẻ nhỏ của anh Trần Việt Anh – một blogger du lịch nổi tiếng - về chuyến du lịch bụi Hà Giang dưới đây, hy vọng sẽ giúp các bạn giảm bớt phần nào nỗi lo lắng. Nào, cùng bắt đầu khám phá thôi nào!

Thời gian: 3 ngày 4 đêm (Tối thứ 5 đi, đêm chủ nhật về)

Phương tiện: xe khách

Lịch trình cụ thể:

Đêm 1: Hà Nội - Hà Giang

Bắt xe đêm đi Hà Giang tại bến Mỹ Đình (Tốt nhất là đi chuyển 21h hoặc 22h thì khoảng 4h30 sáng hôm sau tới nơi. Đi xe đêm, bạn sẽ có thời gian ngủ, nghỉ)

Ngày 1: Tp. Hà Giang - Mèo Vạc

- 4h30 sáng có mặt tại bến xe thành phố. Ngay gần bến xe có nhà nghỉ cho thuê xe máy, bạn có thể thuê xe ngay tại đây để bắt đầu trải nghiệm hành trình. Giá thuê xe máy ở đây khoảng 200.000 đồng/ngày (Lưu ý: Nên thuê xe số hoặc xe tay côn vì đèo dốc nhiều)

- Đến Hà Giang, bạn không thể bỏ qua món quà sáng hấp dẫn là món bánh cuốn chấm nước xương hầm nóng hổi rồi. Ăn sáng với món này trước khi bắt đầu hành trình khám phá Hà Giang nhé!


- Từ thành phố Hà Giang, lái xe máy đi Quản Bạ, nghỉ ở dốc Bắc Sum (dốc ngoằn nghèo, đường nhỏ, bạn nên đi chậm)

- Qua dốc Bắc Sum sẽ tới Quản Bạ (ở đây có núi đôi Cô Tiên rất sexy )



Nghỉ chân bên dốc Bắc Sum

- Qua Quản Bạ sẽ có 2 đường, đi Yên Minh hoặc đi theo đường Lũng Tám, Đường Thượng, đến Mậu Duệ, nghỉ đêm Mèo Vạc.

Mình đi đường Yên Minh nhiều rồi nên quyết định chọn đường Lũng Tám và quyết định này quá sáng suốt. Đoạn đường này vắng, ít người đi, tháng 3 năm 2016 mình đi đường đang làm dở. Với những người đã từng đi Hà Giang vài lần như mình thì đoạn đường này có một vẻ đẹp rất khác.



Mây vờn trên đường từ Quản Bạ xuống Lũng Tám


- Tối nghỉ tại Mèo Vạc. (Nhà nghỉ ở Mèo Vạc nhiều, khoảng 250.000 đồng/phòng 4 người)



Đĩa cơm rang ở Mèo Vạc

Ngày 2: Mèo Vạc - Sín Cái - Mã Pì Lèng - Đồng Văn (có thể ngủ đêm ở Sín Cái, hoặc Đồng Văn tùy thích)

- Dậy sớm trả phòng. Các bạn nên chịu khó dậy sớm một chút. Dậy sớm, các bạn sẽ có thời gian để đi được nhiều nơi hơn.

- Đổ đầy bình xăng trước khi đi, đồng thời mua thêm 1 chai 1,5l xăng để dự phòng.

- Sáng từ Mèo Vạc rẽ đi Sín Cái, vào đồn biên phòng Săm Pun xin phép ra mốc. Đoạn đường này đẹp mê ly, nếu có thời gian, thích “check” mốc bạn có thể đi tiếp đến Sơn Vĩ, đoạn này là đường vùng biên qua rất nhiều mốc, cảnh đẹp. Hôm mình đi Sơn Vĩ trời mù đẹp, cứ đi một đoạn lại gặp mốc. Lúc quay ra còn gặp một đoàn biên phòng, quan chức, công dân Trung Quốc đứng ở mốc hút thuốc phì phèo.



Đường đi Sín Cái



Mốc

- Nếu chỉ đi Sín Cái, trưa bạn có thể quay lại Mã Pì Lèng để đi Đồng Văn. Nếu bạn đi Sơn Vĩ, lang thang ngóc ngách chắc phải tới chiều 5h mới ra lại. Mình đi kiểu lang thang nên chiều mình dừng ở đường từ Sín Cái về Mã Pí Lèng, đoạn ngay bên bờ sông Nho Quế, thấy cảnh ở đây đẹp quá mình vào nhà anh người Mông gần đấy mua mì tôm, trứng và mượn nồi ra bãi đất trống gần đấy cắm trại ngủ qua đêm. Một trải nghiệm thú vị vô cùng trong chuyến đi Hà Giang của mình. Cả đêm nằm nghe nước chảy rì rào.



Một ngôi nhà nằm trong thung lũng sâu ở Sơn Vĩ


- Nếu bạn không đi Sín Cái và Sơn Vĩ bạn có thể đi thẳng từ Mèo Vạc lên Mã Pí Lèng, nghỉ ăn trưa ở thị trấn Đồng Văn, rồi từ đấy đi cột cờ Lũng Cú. Chiều từ cột cờ Lũng Cú về dinh họ Vương (vua H'Mong), tối về lại ngủ Đồng Văn hoặc quay về ngủ Sủng Là (ngủ trong nhà Pao 50.000 đồng/người).



Từ Sơn Vĩ về Mã Pí Lèng

Chuyến này mình không đi Lũng Cú vì không có gì mới mẻ, mình về Sủng Là vào nhà Pao thăm bác Giàng, uống rượu ngô, rồi tối qua nhà anh bạn người H'Mong tên Giàng A Chơ để ngủ.

Ngày 3: Sủng Là (hoặc Đồng Văn) về Yên Minh.

- Ngày cuối cùng đi đúng Chủ Nhật có chợ phiên nên bạn chịu khó dậy sớm để tham dự. Chợ phiên ở Hà Giang chỉ họp vào cuối tuần (trừ chợ lùi và chợ tình Khâu Vai, Sơn Vĩ họp vào dịp tháng 3 âm lịch).

Đến đây, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những nét đẹp trong văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, từ trang phục cho đến phong tục tập quán... Mãi đến lần này mình mới có dịp để hòa mình vào một buổi chợ phiên trọn vẹn. Thật tuyệt vời. Mình ăn bát phở 10.000 đồng, vác máy ảnh lang thang khắp chợ. Lần sau quay lại, mình nhất định tìm đến một phiên chợ khác vắng người, ở nơi hẻo lánh hơn để trải nghiệm.



Bát phở vùng cao


- Chơi ở chợ phiên buổi sáng, trưa bạn về lại Quản Bạ. Trên đường đi có thể nghỉ ở rừng thông Yên Minh, cảnh ở đây rất đẹp.

- Chiều về tới thành phố Hà Giang, nếu còn sớm, bạn có thể hỏi đường đi đồi chè Nà Thác, cách trung tâm khoảng 6km, đi lên đường đèo tìm đến một bản người Dao, bạn gửi xe và hỏi đường đi bộ lên cây chè cổ thụ. Ở đây có những cây chè San Tuyết to... ơi là to.

- Trả xe máy, bắt xe khách về lại Hà Nội. Kết thúc 3 ngày 4 đêm Hà Nội - Hà Giang.


Ánh mắt thơ ngây của một em bé bắt gặp trên đường đi

TRẢI NGHIỆM NÊN THỬ Ở HÀ GIANG

1. Đặt chân tới cột cờ Lũng Cú.

2. Trải nghiệm cuộc sống trong nhà người bản địa (người H’Mông).

3. Thưởng thức rượu ngô và các món ăn đặc sản Hà Giang (mèn mén, thắng cố, cháo ấu tẩu, bánh cuốn tráng trứng, ngô ngũ sắc, thịt treo gác bếp).

4. Tham gia một phiên chợ cuối tuần.

5. Ngủ lều trại bên dòng sông Nho Quế.

6. Chinh phục đèo Mã Pí Lèng.

7. Mua 1 ít rượu ngô về làm quà.

8. Đến vào mùa hoa (mùa Xuân có hoa đào, hoa mận. Cuối mùa thu có hoa tam giác mạch, hoa cúc dại).

9. Đi hết con đường Hạnh Phúc (con đường kéo dài từ thành phố Hà Giang đến huyện Mèo Vạc).

10. Kết bạn với một người bản địa.


Trần Việt Anh/blogger


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm