Ngày Milan đánh bại Barca

22/02/2013 12:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có một chi tiết không thể bỏ qua: Trong ba năm liên tiếp ở Champions League, có 4 đội bóng đã đánh bại được Barca ở vòng knock-out (và 2 trong số này sau đó đã đăng quang) thì 3 gắn liền với chất Ý.

El shaarawy đã thi đấu xuất sắc.

Hai đội bóng thuần chất Italia là Inter và Milan, và một đội bóng Anh (Chelsea) được dẫn dắt bởi một HLV người Ý, Di Matteo, người biết cách vận dụng tốt nhất chiến thuật phòng ngự để đánh bại một đội bóng đang trên đỉnh cao thắng lợi và biết biến khả năng cầm bóng thành một nghệ thuật siêu việt.

Điểm chung trong ba thất bại ấy rất rõ: Barca luôn kiểm soát không dưới 65% bóng, nhưng thất bại, bởi đối phương tận dụng một cách sắc sảo nhất có thể những cơ hội mà họ đã tạo ra dựa trên việc tổ chức phòng ngự và phản công cực kì khoa học. Nhưng có bốn điểm khác biệt lớn giữa trận đấu của Milan với hai cuộc chinh phục Barca của Inter và Chelsea.

Thứ nhất, Milan tạo được nhiều cơ hội nguy hiểm hơn Barcelona, đội trong cả trận chỉ sút trúng cầu môn Milan đúng 1 lần (cú sút xa không nguy hiểm của Xavi), khiến cho cả trận Abbiati gần như là người thừa. Lâu lắm rồi mới có cảm giác Barca hoàn toàn bất lực và bế tắc đến thế.

Thứ hai, sự vắng mặt của một cá tính mạnh trên băng ghế HLV Barca. Guardiola cũng bất lực trước Inter và Chelsea, nhưng Barca của anh ngày đó không bạc nhược và nhạt nhòa như Barca đêm San Siro của Roura, trợ lí của Vilanova.

Thứ ba, không thể đánh bại Milan với tốc độ chậm như thế. Barca luôn tỏ ra chết chóc mỗi khi họ tăng tốc, điển hình là Messi, trong những tình huống số 10 Barca gây đột biến hoặc Barca vượt trội đối phương về số người ở một khu vực, trong một hoàn cảnh nhất định. Điều đó đã không hề xảy ra ở San Siro.

Thứ tư, trong cả trận, Messi bất lực, thậm chí không tung nổi một cú dứt điểm hiểm hóc về khung thành Milan. Thật khó có thể tìm ra trong số hàng trăm trận khoác áo Barca từ ngày anh có mặt ở Cam Nou ngày đầu đến giờ, mới có một lần Messi bất lực như thế. Đấy cũng là Messi yếu kém nhất mà chúng ta từng biết. Nhưng hiệu quả mà Messi tạo ra trong 9 trận đấu với Inter (2009-10), Chelsea (2011-12) và Milan (2011-12 và trận mới rồi) cũng rất thấp: siêu sao người Argentina chỉ ghi được 3 bàn, tất cả đều từ chấm phạt đền! Điều ấy cho thấy, người Ý luôn biết cách “chăm sóc” Messi thế nào.

Không phải chỉ Milan đánh bại được Barca trong những năm qua. Họ cũng không phát minh ra điều gì mới mẻ trong một ngày xấu trời mà bản thân Barca chơi thứ bóng đá tồi tệ nhất của họ trong nhiều năm qua. Họ chỉ thi triển một cách tốt nhất những phương án phòng ngự thành hai lớp với chiều dài một khối 30 mét với các tuyến gần nhau (trong khi trên hàng công, Pazzini cũng hỗ trợ phòng thủ trong khi liên tục gây áp lực lên Puyol và Pique, còn El Shaarawy và Boateng liên tục di chuyển gần 80 mét ở hai biên để bịt các cánh), với sự tập trung cao độ của các hậu vệ và tiền vệ phòng ngự trung tâm trong việc xé lẻ bộ ba Xavi-Iniesta-Messi, không cho họ liên lạc với nhau và có cơ hội đột phá. Lối đá ấy thực ra đã được áp dụng triệt để ở trận lượt đi tứ kết mùa trước (chỉ thiếu các bàn thắng), nhưng đã tỏ ra hiệu quả tuyệt đối trước một Barcelona hoàn toàn khống chế trung tuyến, kiểm soát bóng gấp bội và số lần chạm bóng nhiều gấp ba Milan, nhưng bất lực hoàn toàn vì không tìm thấy những khoảng trống, không tạo ra những đột biến thực sự khi đối thủ có vẻ đã đọc được hết bài của họ, và điều quan trọng nhất, Barca như một dàn nhạc mà không có nhạc trưởng.

Thực ra, Barca có Xavi, một người nhạc trưởng như thế. Nhưng đêm San Siro, vừa trở lại sau chấn thương, Xavi không còn là chính anh nữa. Một khi, người được coi là mắt xích quan trọng tạo nên lối chơi tiki taka bất hủ để mất bóng tới 16 lần và chuyền hỏng đến 9 lần trong trận, một con số đáng ngạc nhiên, thất bại của Barca cũng sẽ không làm ai ngạc nhiên.

A.N
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm