12/05/2025 05:24 GMT+7 | Thể thao
Là một trong hai môn thể thao bên cạnh bóng đá được Chính phủ chọn thí điểm đề án phát triển, Liên đoàn điền kinh Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển có tầm nhìn tới năm 2045, với mục tiêu giành HCV ASIAD và có từ 3 đến 4 VĐV đạt chuẩn Olympic.
Những yếu tố cơ bản của điền kinh là nhanh, xa và cao. Nhưng rõ ràng, điền kinh Việt Nam đang chạy chậm lại, nhảy thấp hơn và bay quá gần. Ở kì ASIAD 2018, chúng ta có tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa. Đến kì ASIAD 2022 thì trắng tay hoàn toàn.
Rõ ràng, môn thể thao được coi là nữ hoàng đang ở thời điểm đi xuống sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ ở thập niên 2010, với hàng loạt những VĐV đạt thành tích cao, cũng như đạt chuẩn Olympic. Trong khoảng thời gian chúng ta sa sút, các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Singapore hay Malaysia bứt tốc, khi đều có VĐV đạt chuẩn Thế vận hội.
"Thực chất là chúng ta đang tụt hậu so rất lớn so với các nước trong khu vực, cả về đầu tư cơ sở vật chất, cho đến nguồn lực, cũng như hệ thống đào tạo. Cần nhìn nhận không phải vì các nước phát triển nhanh, mà vì chúng ta dậm chân tại chỗ trong khoảng 5 đến 7 năm trở lại đây. Một số thế mạnh ở cự ly trung bình từng độc chiếm đã biến mất, đặc biệt là ở nội dung 800 và 1.500 mét của nam. Đây là điều chúng ta cần nhìn nhận thẳng", ông Dương Đức Thủy, nguyên trưởng bộ môn điền kinh, Cục TDTT, chia sẻ bên lề Hội thảo góp ý Đề án phát triển điền kinh Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Chạy chậm hơn đồng nghĩa với thất bại. Nhưng điền kinh khó để lấy lại tốc độ vì đối mặt với hàng loạt những khó khăn cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Đầu tiên đó là hệ thống tuyển chọn, đào tạo lạc hậu, được áp dụng trong nhiều năm, không có sự cải tiến. Chưa có sự đầu tư đúng mức khoa học kỹ thuật trình độ cao vào chu trình huấn luyện, đào tạo VĐV.
Cơ sở vật chất đào tạo, trang thiết bị tập luyện lạc hậu, thiếu dụng cụ tập luyện bổ trợ như phòng gym, phòng đa chức năng, bể bơi, hồi phục. Nhưng trong khi trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác chuyên môn còn thiếu, "thì trang thiết bị điện tử đo đếm thành tích thi đấu của VĐV hiện lại đang đắp chiếu, không được sử dụng", ông Hoàng Quốc Vinh, trưởng phòng TDTT thành tích cao 1, nói. Sự lãng phí nguồn lực công nghệ càng khiến điền kinh khó có được VĐV tài năng, thành tích vươn tầm ASIAD, đạt chuẩn Olympic.
"Cần phải mở ra một hướng để điền kinh Việt Nam phát triển hơn nữa, khi các VĐV có thành tích đã lui về do quá tuổi, hoặc xây dựng gia đình. Sắp tới, nguồn lực của điền kinh Việt Nam đang rất cần có một sự đầu tư lớn", ông Vũ Ngọc Lợi, HLV đội tuyển điền kinh quốc gia, cho biết.
Áp lực buộc điền kinh Việt Nam phải bật trở lại cao hơn. Nhưng vấn đề nhức nhối được các chuyên gia và những người làm công tác chuyên môn chỉ ra chính là công tác phát hiện và tuyển chọn tài năng trẻ bị bỏ quên. Trong đó, vai trò phát hiện tài năng ở các nhà trường hầu như không được chú trọng hay bỏ qua hoàn toàn. Hoặc nếu có thực hiện thì lại không bài bản hoặc theo các phương pháp tuyển chọn cũ.
"Về con người, các tài năng thể thao phải được phát hiện từ sớm, nhưng chúng ta đã bỏ qua khâu phát hiện từ cơ sở giáo dục. Nên không thể tìm ra các nhân tố để đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao. Cần đầu tư về con người, đưa VĐV đi nước ngoài tập huấn, mời chuyên gia giỏi đào tạo và định hướng", bà Hồ Thị Từ Tâm, đội tuyển điền kinh quốc gia, phát biểu tại hội thảo.
Sân chơi ASIAD vẫn là mục tiêu khó khăn với điền kinh Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh
Điền kinh cũng bị "níu" chân bởi "không có đội ngũ chuyên gia nước ngoài giỏi, có thành tích, có sức khỏe để có thể học hỏi và tiếp thu phương pháp đào tạo hiện đại", HLV Trần Văn Sỹ nói với phóng viên báo Thể thao & Văn hóa.
Tất cả những thách thức này được hy vọng giải quyết triệt để sau khi đề án phát triển điền kinh ra đời. Với những mục tiêu cơ bản là phát triển phong trào điền kinh trong toàn dân, tuyển chọn lứa VĐV trẻ năng khiếu, tài năng, đầu tư dài hạn nhằm phát triển đột phá thành tích giai đoạn sau năm 2030. Nâng chất lượng công tác huấn luyện và tập luyện, đứng nhất nhì 5 lần SEA Games từ 2025 đến 2035. Phấn đấu giành HCV ASIAD và có từ 2 đến 3 VĐV đạt chuẩn Olympic.
Các giải pháp cơ bản để hiện thực hóa là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện cả VĐV, HLV cũng như công tác trọng tài. Đưa các giải đấu quốc tế đến Việt Nam, nâng cao chất lượng các giải đấu trong nước... Áp dụng công nghệ trong huấn luyện, y học, hồi phục, cũng như thành lập trung tâm đào tạo huấn luyện phát triển điền kinh Việt Nam.
Theo ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam, lộ trình phát triển của đề án được xây dựng bởi các nhà quản lý và người làm chuyên môn lâu năm, giàu kinh nghiệm. "Điều quan trọng là tuyển chọn đánh giá lứa VĐV trẻ có thành tích cho tốt. Cũng như tập trung vào khoa học kĩ thuật, công nghệ, để góp phần vào công tác tuyển chọn, huấn luyện, để các VĐV hoàn chỉnh kĩ thuật", ông Triều khẳng định
Nhưng, điều kiện tiên quyết để đề án khả thi chính là chưa làm rõ được nguồn kinh phí bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. "Chúng ta từng chỉ cần có một nguồn kinh phí tiết kiệm để đào ra hàng loạt những VĐV đỉnh cao ở châu Á. Như vậy không chỉ cho thấy sự hiệu quả mà còn khẳng định giá trị của một tấm huy chương", ông Dương Đức Thủy, nguyên trưởng bộ môn điền kinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là nâng cấp cơ sở vật chất, từ ăn ở, huấn luyện và sinh hoạt. Ngoài ra, cũng chú ý đầu tư tại địa phương, nơi phát hiện năng khiếu và huấn luyện ban đầu cho các đội trẻ và đội tuyển quốc gia.
"Nhưng bây giờ, các HLV ở địa phương cũng không còn mặn mà với công tác đào tạo trẻ nữa, họ cũng muốn có thành tích ngay trước mắt", HLV Trần Văn Sỹ tâm tư.
Để hiện thực hóa đề án phát triển điền kinh, cần thực hiện rất nhiều công đoạn có tính tiếp nối và hệ thống. Trong đó, giữ vững được thành tích tại SEA Games, giành huy chương tại kì ASIAD sắp tới, để tạo "khung" cho sự phát triển từ 10 đến 20 năm nữa.
"Hiện, chúng ta sẽ tập trung vào các cự ly trung bình nữ như tiếp sức 4x400 mét nữ, 400 mét nữ, 400 mét rào nữ. Đây là những nội dung có thể giành huy chương ASIAD. Bên cạnh là một số cự ly ngắn của nam được đầu tư khá tốt, nhưng chưa khẳng định được thành tích. Hoặc tập trung sâu vào 4x100 mét nam", ông Triều nói.
Tiếp lời ông Triều, bà Hồ Thị Từ Tâm cho biết, nếu đã có định hình tốt về các nội dung trọng điểm, chúng ta cần đưa nhóm VĐV này ra nước ngoài, nơi có phương tiên khoa học công nghệ hiện đại, để hỗ trợ cho sự phát triển của họ. "Để khi đạt được thành tích, Nhà nước sẽ càng tạo điều kiện để phát triển", bà Tâm bày tỏ hy vọng.
Phát triển điền kinh nghĩa là phải bắt đầu từ gốc, với những giải pháp cơ bản, đồng bộ và có hệ thống. Điều quan trọng nhất để đề án được thực hiện thành công là có được nguồn lực tổng hợp, và phương pháp đúng đắn để giải quyết tất cả các vướng mắc hiện tại.
Mặc dù đã xác định được nội dung trọng điểm nhưng khó khăn là không thay đổi với điền kinh Việt Nam. "Các VĐV trẻ đang có sự phát triển tốt và đạt được thành tích tốt tại giải U18 Đông Nam Á và U18 châu Á. Nhưng chúng ta hiện chỉ có 4 VĐV đưa vào đề án của Chính phủ về phát triển lâu dài", ông Nguyễn Tuấn Anh, trưởng phòng Khoa học và quản lý nuôi dưỡng – Trung tâm huấn luyện VĐV trẻ quốc gia cho biết. Đó là con số quá ít so với mục tiêu đặt ra.
Còn theo ông Dương Đức Thủy, nguyên trưởng bộ môn điền kinh, Cục TDTT để có được huy chương ở nội dung 4x400 mét nữ, điền kinh Việt Nam phải chuẩn bị từ rất lâu. Giả sử mục tiêu là đến năm 2032 và tính đến năm 2036, chúng ta cần có những VĐV năng khiếu 11 tuổi, để 11 năm sau họ sẽ có mặt ở Olympic. Như năm 2010, chúng ta đã có Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan hay Quách Công Lịch gối cho Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng. Thi đấu đỉnh cao cần có những sao mai vượt qua các lứa đi trước. Vì vậy, nếu muốn thay thế được Nguyễn Thị Huyền hay Quách Thị Lan, các VĐV trẻ phải có thành tích ngang ngửa với họ ngay từ bây giờ, để 2 hoặc 3 năm sau vượt qua các đàn chị.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất