Điện ảnh Việt Nam làm gì để vươn mình ra thế giới?
TS Ngô Phương Lan đã có nhiều bài viết là những công trình nghiên cứu giá trị được đúc kết trong hơn 3 thập kỷ lao động, gắn bó và cống hiến cho ngành điện ảnh. Thể thao và Văn hoá giới thiệu bài viết của bà về điện ảnh Việt Nam trong kỷ nguyên mới vươn mình, có thể "khoe" gì ra với thế giới?
Tôi nhớ vào năm 1991, ông bà Tadao Sato vừa sáng lập ra Liên hoan phim (LHP) Fukuoka, Nhật Bản, với tư cách là giám đốc LHP đã đi khắp châu Á, trong đó có Việt Nam để chọn phim cho LHP của mình. LHP Fukuoka lần đầu tiên tổ chức vào tháng 9 năm 1991 với khẩu hiệu Focus on Asia (Tiêu điểm châu Á), lựa chọn những bộ phim hay của các nền điện ảnh châu Á để giới thiệu cho khán giả và khách mời, đại biểu là những nhà làm phim châu Á, những nhà hoạt động điện ảnh quan tâm đến điện ảnh châu Á. LHP không có chương trình dự thi, chính vì vậy mà các phim chiếu ở đó đều bình đẳng, không có sự tranh đua và không bị giới hạn bởi thời gian sản xuất, cũng không cần có dấu hiệu là phim lần đầu công chiếu hoặc dự thi... Chỉ có một điều kiện duy nhất: phim hay, phim tiêu biểu cho một nền điện ảnh.
TS Ngô Phương Lan trong buổi nói chuyện về điện ảnh Việt Nam tại LHP quốc tế Fukuoka năm 1992. Ảnh: Tư liệu
Sau khi tổ chức thành công LHP Fukuoka lần thứ Nhất, ông bà Sato quyết định sẽ xây dựng một chương trình Tiêu điểm điện ảnh Việt Nam tại LHP lần thứ Hai nên hào hứng đặt vấn đề với Bộ Văn hóa để sang Việt Nam chọn phim.
Tôi đang làm việc tại Vụ Điện ảnh của Bộ nên được phân công giúp đỡ ông bà chọn phim. Ông Tadao Sato là nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng ở Nhật Bản, chuyên gia tên tuổi về điện ảnh Nhật Bản trên thế giới với gần 100 cuốn sách lớn nhỏ về điện ảnh Nhật. Bà Hisako Sato cũng là nhà phê bình phim và trợ lý của ông. Với tôi, làm việc với hai vị đồng nghiệp vong niên này thật gần gũi và dễ chia sẻ quan điểm.
Để giới thiệu toàn cảnh điện ảnh Việt Nam, trước hết cần lên một danh sách những phim đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử điện ảnh và tập trung vào một số trọng điểm. Sau hai tuần ròng rã xem phim, một danh sách những bộ phim khá tiêu biểu cho từng thời kỳ lịch sử đã được hai nhà điện ảnh Nhật Bản lựa chọn, trong đó phim chiến tranh có: Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang; phim hài có Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm; phim về đề tài xã hội có: Tướng về hưu, Cô gái trên sông, Ngọn đèn trong mơ, Xương rồng đen, Người cầu may, Gánh xiếc rong.
Phim "Thị trấn yên tĩnh"
Tuyển chọn phim Việt Nam tại LHP Fukuoka lần này gây được sự chú ý đặc biệt của khán giả và đại biểu tham dự, đoàn đại biểu Việt Nam có nhiều cuộc phỏng vấn, tiếp xúc; tôi may mắn được mời thuyết trình tại một buổi giới thiệu đặc biệt về điện ảnh Việt Nam trong một khán phòng lớn. Hai người chủ của LHP là ông bà Sato thật sự vui mừng, họ nói rằng đã phát hiện ra điện ảnh Việt Nam và chùm phim từ LHP Fukuoka đã có cuộc hành trình dài đến với nhiều LHP quốc tế. Ở nhiều nơi, khán giả - thậm chí cả những người làm điện ảnh - chưa biết gì hoặc chỉ biết đến điện ảnh Việt Nam qua mấy bộ phim chiến tranh - đã có thêm những hình dung phong phú hơn về điện ảnh của chúng ta, qua đó biết thêm về đất nước và con người Việt Nam.
Sau Nhật Bản, các LHP khác như: Nantes (Pháp), Toronto (Canada)... liên tiếp có những chương trình giới thiệu phim Việt Nam như một góc đặc biệt hoặc tiêu điểm của LHP. Hầu hết các chương trình này đều bao gồm những mảng phim chính trong mỗi giai đoạn phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, một số LHP quốc tế (tại Singapore, Indonesia hay Hàn Quốc...) tổ chức chương trình đặc biệt về điện ảnh Việt Nam với những bộ phim "kinh điển" của điện ảnh Việt Nam mà họ tham khảo từ cuốn sách của tôi Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam (bản dịch tiếng Anh: Modernnity and Nationality in Vietnamese Cinema, xuất bản ở nước ngoài và phát hành quốc tế).
Phim "Em bé Hà Nội"
Dự các LHP này và chứng kiến khán giả xem các phim: Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đời cát... một cách hào hứng, tôi thấy điện ảnh Việt Nam có sức hút thực sự, ngay cả những bộ phim chiến tranh được làm từ mấy chục trước vẫn khiến khán giả rất quan tâm. Tinh thần sẵn sàng hy sinh tình cảm riêng tư, thậm chí cả cuộc sống cá nhân cho đất nước cùng với tính nhân văn trong quan hệ giữa người với người thể hiện trong phim làm nên "bản sắc Việt Nam" đã chinh phục khán giả.
Tháng 3/2009, tại LHP Tampere - Phần Lan chuyên về phim ngắn, một chương trình toàn cảnh về Việt Nam với 22 bộ phim tài liệu, hoạt hình và phim truyện ngắn sản xuất trong suốt 4 thập kỷ trở thành tiêu điểm của LHP. Là người trực tiếp giúp Ban tổ chức chọn phim và xây dựng chương trình, tôi thấy được sự công phu và cầu thị của họ trong việc chọn phim, "truy lùng" nguồn phim và đào xới khắp các nơi để mượn bản phim, phối hợp làm phụ đề... Chương trình đem đến một cái nhìn toàn cảnh về phim ngắn Việt Nam với những dấu ấn chiến tranh đậm nét và sự hiển hiện của bầu không khí Đổi mới, đã xứng đáng là tâm điểm của một LHP.
Phim “Đến hẹn lại lên”
Tuy nhiên, một số chương trình phim Việt Nam đưa ra nước ngoài chưa thành công như mong đợi vì chất lượng phim chưa cao và nghèo nàn, vì phim chưa hợp với hoàn cảnh và nhu cầu, thị hiếu của địa bàn hoặc vì "dàn phim" phản ánh một cách phiến diện hình ảnh Việt Nam. Các phim thi thố tại các LHP đòi hỏi là những tác phẩm có sự tìm tòi mới lạ và khám phá về nghệ thuật thể hiện, trong phim chiếu tại các chương trình đặc biệt về điện ảnh hay các Tuần phim, Tuần văn hoá cần đạt mục tiêu giới thiệu toàn diện, khái quát và tích cực hình ảnh Việt Nam. Đã có những trường hợp phim được cho là nghệ thuật, đem chiếu tại các tuần phim "bị" các cán bộ ngoại giao than phiền rằng không đạt yêu cầu đối ngoại, "đưa đến bạn bè quốc tế hình ảnh cuộc sống nhếch nhác, con người lam lũ vậy sao?", ngược lại, một số phim khác bị phê là "tuyên truyền cứng nhắc" hoặc đơn điệu, cũ mòn, khó tìm được sự đồng cảm. Có phim dự LHP đây đó bị cho là không phù hợp với phong tục tập quán nước chủ nhà, thậm chí có phim không được phổ biến tại Việt Nam!
Những năm gần đây, nhiều phim Việt ghi dấu ấn trên trường quốc tế. Những đứa trẻ trong sương hay Cu li không bao giờ khóc lần lượt giành các giải thưởng quốc tế sau đó tiếp tục "chinh phục" dàn giám khảo quốc tế tại LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất (2023) và lần thứ Hai (2024).
Phim "Tướng về hưu"
Điện ảnh Việt "khoe" gì ra thế giới? Câu hỏi tưởng đơn giản bởi ai cũng có thể tìm một câu thành ngữ để trả lời: "Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại". Nhưng thế nào là "đẹp", "xấu" lại là cả một vấn đề...
Tôi cứ nghĩ, cái "đẹp" đó cần phải bao hàm đầy đủ cả yếu tố nội dung và nghệ thuật. Một tác phẩm kể câu chuyện đáng quan tâm, "đẹp đẽ" đến mấy của Việt Nam mà không có cách kể chinh phục được người xem - người nghe ngoài nước thì ta cũng khó mà "ra" được thế giới!
Bởi vậy, rất cần một tầm nhìn, sự hiểu biết và tinh tế của người cầm lái con thuyền điện ảnh. Quan trọng là muốn vươn mình, "cơ thể điện ảnh" phải khoẻ mạnh, các tài năng phải được phát hiện và chăm chút, các thế hệ làm phim phải được củng cố và khích lệ xứng đáng. Cụ thể hơn, để phát triển nội lực điện ảnh, hàng năm phải sản xuất được nhiều phim ra rạp, trong đó ngày một thêm nhiều phim hay thuộc các đề tài và phong cách đa dạng để có "cái" mà lựa chọn!
Phim "Gánh xiếc rong"
Vài nét về TS Ngô Phương Lan
TS Ngô Phương Lan tốt nghiệp Khoa Lý luận, phê bình điện ảnh (Điện ảnh học) - Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK) năm 1988. Bà đảm nhận vị trí Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (2011-2018), Giám đốc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF, 2012 -2018). Bà hiện là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương khóa V; Giám đốc Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF); Ủy viên Ban Chấp hành Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC).
TS Ngô Phương Lan được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất