Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách cho Hà Nội và TP HCM

23/04/2025 16:23 GMT+7 | Tin tức 24h

Nhiều nội dung trong Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm, góp ý của các đại biểu tại Hội thảo góp ý Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/4.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố nhận xét, Dự thảo Luật hiện nay có nhiều quy định khác với Hiến pháp 2013 nên việc ban hành Luật trước khi sửa Hiến pháp sẽ không có căn cứ pháp lý. Vì vậy cần ưu tiên ban hành Hiến pháp (sửa đổi) mới để tạo cơ sở về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương cho Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách cho Hà Nội và TP HCM - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Xuân Khu - TTXVN

Bên cạnh đó, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung định nghĩa một số khái niệm liên quan đến đặc khu, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, phân cấp, phân quyền… Đối với các nội dung liên quan đến quy định về đặc khu, ông Nguyễn Mạnh Quân đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thiết kế lại các quy định mang tính “đặc thù” dành cho đặc khu để đảm bảo tính linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như phát triển kinh tế-xã hội. Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, cần quy định chi tiết, phân biệt rõ thẩm quyền giữa UBND và Chủ tịch UBND; bổ sung các nguyên tắc tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương.

Cùng ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Trần Như Khuê, giảng viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định cơ chế giám sát khẩn cấp đối với quyền ra quyết định cấp bách của Chủ tịch UBND (Điều 18) nhằm đảm bảo sự kết nối giữa Trung ương và địa phương, gia tăng hiệu quả công tác can thiệp, giải quyết thiệt hại trong trường hợp khẩn cấp và cũng để thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Bà Nguyễn Trần Như Khuê đề nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 8 (Nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính) vì không phù hợp với nội dung khoản 1 chỉ quy định về nguyên tắc tổ chức hành chính và cần có một quy định riêng về các trường hợp, căn cứ khi nào thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Tại hội thảo, ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương cần nghiên cứu đảm bảo tính nhất quán trong nội dung Luật. Cụ thể, tại Điều 1 về đơn vị hành chính và Điều 2 về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, quy định gồm đơn vị hành chính tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh (gọi chung là cấp cơ sở), đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và đặc khu tại hải đảo. Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 3 quy định về phân loại đơn vị hành chính, điểm đ lại có đơn vị hành chính miền núi, vùng cao (không được đề cập trong quy định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính), vì vậy cần thống nhất và quy định rõ nội dung này.

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách cho Hà Nội và TP HCM - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Hồ Chí Minh góp ý tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Khu - TTXVN

Có chung quan điểm như một số đại biểu, ông Lê Minh Đức đề nghị Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương cần bổ sung những nội dung quy định về thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Điều 9, Điều 10.

Đặc biệt nhấn mạnh đến tính đặc thù của đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Đức đề xuất bổ sung HĐND Thủ đô Hà Nội và HĐND Thành phố Hồ Chí Minh gồm 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch là đại biểu HĐND chuyên trách; các Ban chuyên trách HĐND gồm 1 Trưởng ban và 3 Phó trưởng ban là đại biểu HĐND chuyên trách để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ với quy mô diện tích, kinh tế, khoa học kỹ thuật, trung tâm lớn nhất cả nước của Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Xuân Khu - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm