26/01/2021 12:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trước hết cần xây dựng hệ giá trị Việt Nam, chuẩn giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đó là hệ giá trị văn hóa công nghiệp - đô thị - hội nhập!
Tiếp tục cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về chủ đề này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VH,TT&DL), cho biết: “Tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, có thể thấy rằng hệ giá trị con người thường được xác định trên các mối quan hệ đa chiều: Quan hệ với bản thân (trung thực, tự trọng…); Quan hệ với người khác (trách nhiệm, nhân ái, khoan dung…); Quan hệ với công việc (sáng tạo, cần cù…); Quan hệ với xã hội, đất nước, dân tộc (yêu nước, đoàn kết…). Bên cạnh đó, hệ giá trị này còn được xem xét trên các yêu cầu về cấp độ: các giá trị cá nhân, giá trị nghề nghiệp, giá trị xã hội, giá trị mang tính toàn cầu”.
Ông nói tiếp:
- Các nước cũng thường tập trung xây dựng những giá trị cốt lõi, hạt nhân, quan trọng mà họ còn thiếu, hay đã có nhưng có nguy cơ phai nhạt. Về dung lượng, các hệ giá trị thường ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, chỉ từ 4 đến 5 giá trị, không quá cao siêu, lý tưởng mà gần gũi, dễ hiểu, dễ khả thi.
D.I.Hitchcock trong công trình "Giá trị châu Á và giá trị Mỹ xung đột với nhau như thế nào” đã chỉ ra 5 giá trị cá nhân quan trọng nhất của người Mỹ là: Tự lực cánh sinh; Thành đạt cá nhân; Cần cù; Thành công trong cuộc sống; Giúp đỡ mọi người. Tương tự, 5 giá trị cá nhân quan trọng nhất của người Đông Á là: Cần cù, Hiếu học, Trung thực, Tự lực cánh sinh, Kỷ luật. Năm 2013, Trung Quốc đã công bố “Hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa mới” gồm 12 giá trị, trong đó có 4 giá trị con người là: Yêu nước, Trọng nghề, Thành tín, Thân thiện.
* Đó là tham khảo kinh nghiệm của quốc tế. Còn trong nước, ngành văn hóa của chúng ta đã làm được những gì, thưa ông?
- Vừa qua, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ nhiệm, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị thực hiện, đã tiến hành điều tra xã hội học trên quy mô lớn với 2.000 phiếu hỏi tại 8 tỉnh/ thành phố (Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Huế, Quảng Ngãi, TP.HCM, Bình Dương, An Giang) trong 2 năm 2018 - 2019.
Kết quả thu được cho thấy 5 giá trị được người dân cho là quan trọng nhất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Trách nhiệm (73,3%); Kỷ cương (69,2%); Sáng tạo (67,2%); Yêu nước (65,1%); Trung thực (59,7%). Tất cả đều là những thông tin mang tính tham khảo rất hữu ích để chúng ta bàn về giá trị văn hóa công nghiệp - đô thị - hội nhập trong việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam hiện nay.
* Những thành tựu văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã tác động tích cực đến đời sống xã hội và đạt được những kết quả mà trước đó chưa thể nào có được. Dẫu vậy, vẫn còn ý kiến cho rằng, trong nhiều năm qua, việc đầu tư cho văn hóa vẫn chưa xứng tầm. Ý kiến của ông?
- Rõ ràng, chúng ta đã quan tâm nhiều hơn đến phát triển văn hóa, và cũng đã chứng kiến nhiều thành tựu từ sự đầu tư cho văn hóa ấy: Từ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa ngày càng hoàn thiện cho tới nhiều di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc được lưu giữ, phục hồi...
Tuy vậy, so với mong muốn của những người làm văn hóa như chúng tôi, chúng ta vẫn cần đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực văn hóa. Đầu tư cho văn hóa quan trọng vì nó thể hiện ở 2 ý nghĩa: Thứ nhất, thể hiện sự nhất quán trong nhận thức và hành động rằng văn hóa thực sự quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước; Thứ 2, đầu tư cho văn hóa sẽ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển, từ đó có tác động lan tỏa đến những lĩnh vực khác. Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước.
Năm 2019, phát biểu trong kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn thừa nhận đầu tư cho văn hóa mới chỉ đạt 1,71% tổng chi ngân sách Nhà nước, thấp hơn mục tiêu 1,8% đã được nêu ra từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban chấp hành Trung ương khóa VIII) năm 1998.
Nhưng đó cũng mới chỉ là đầu tư ngân sách. Đầu tư nguồn lực cho văn hóa còn là đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hay là những điều kiện khác liên quan đến phát triển văn hóa. Trong hầu hết những lĩnh vực này, chúng ta chưa có được sự đầu tư xứng tầm trong lĩnh vực văn hóa.
Và đó cũng là điều chúng tôi rất mong chờ, rằng trong nhiệm kỳ Đại hội 13 lần này, Đảng và Chính phủ sẽ có những đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, khi chúng ta luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
* Để văn hóa truyền thống Việt Nam vững vàng trước những "va chạm", "xung đột" văn hóa của thời đại hội nhập, theo ông những vấn đề cần được đặt ra, cần được triển khai thực hiện với quyết tâm mới như thế nào?
- Văn hóa truyền thống không chỉ tạo ra bản sắc Việt Nam mà còn tạo ra bản lĩnh Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đúng là hiện nay, văn hóa truyền thống đang gặp nhiều thách thức. Sự “xung đột” hay “va chạm” giữa văn hóa truyền thống và văn hóa mới, giữa văn hóa dân tộc và văn hóa ngoại nhập là hiện tượng có thật, thậm chí đang xảy ra rất gay gắt.
Sự “xung đột” hay “va chạm” này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ việc các giá trị văn hóa truyền thống cũ không phù hợp nhưng chưa mất hẳn, những giá trị văn hóa mới chưa thực sự được định hình vững chắc, những lối sống, thói quen, thị hiếu thẩm mỹ ngoại lai được tiếp sức bởi quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của các phương tiện truyền thống mới như điện thoại di động, Internet, mạng xã hội... đã và đang chi phối lối sống, thói quen, thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận người dân, đặc biệt là cư dân đô thị và giới trẻ.
Do vậy, hiện tượng mai một, thậm chí mất hẳn những giá trị văn hóa truyền thống là một nguy cơ có thật, và “mất văn hóa là mất tất cả”. Từ đó, chúng ta cần có giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh xã hội mới hiện nay.
Thực tế, nếu biết cách giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và văn hóa mới thì chúng ta không những tránh được xung đột trong phát triển văn hóa mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Những gì chúng ta đang chứng kiến cũng cho thấy xu hướng tìm về với văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc khi trong âm nhạc đang khai thác chất liệu dân gian, giai điệu âm nhạc truyền thống như các ca khúc Tứ Phủ, Bánh trôi nước, Để Mị nói cho mà nghe... điện ảnh sử dụng các cốt truyện, tình tiết Việt Nam trong các bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc...
Để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta nhất thiết phải nhận thức sâu sắc và rõ ràng hơn về vị trí và vai trò của văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại, để rồi từ đó có những hành động phù hợp và sự đầu tư thích đáng cho nghệ thuật truyền thống. Đổi mới trong chính sách quản lý văn hóa hướng tới phân cấp, phân quyền, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm, bảo đảm quyền văn hóa cho người dân cũng đã giúp cho văn hóa nói chung, văn hóa truyền thống nói riêng có một môi trường thực sự phù hợp để phát triển.
Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho hoạt động đó. Số hóa hoạt động di sản văn hóa cần phải được xem là trọng tâm, điểm nhấn trong việc tạo ra cơ sở dữ liệu cho công nghệ dữ liệu lớn (big data). Công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo có thể giúp văn hóa truyền thống trở nên hấp dẫn hơn đối với giới trẻ.
* Xin cảm ơn PGS-TS Bùi Hoài Sơn!
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất