Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 4 & hết): Cần xác định công nghiệp văn hóa là ưu tiên chiến lược quốc gia

23/12/2024 20:09 GMT+7 | Văn hoá

Quyền lực mềm (Soft Power) là khái niệm được giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard giới thiệu vào cuối thập kỷ 1980. Ông định nghĩa quyền lực mềm là khả năng ảnh hưởng và thu hút người khác mà không cần sử dụng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép. Quyền lực mềm được thực hiện thông qua các yếu tố như văn hóa, hệ tư tưởng, chính sách đối ngoại...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một yêu cầu cấp thiết để các quốc gia nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ bản sắc văn hóa của mình.

Cần có cơ quan chuyên trách

Từ khái niệm này, ông Phạm Minh Toàn, Tổng giám đốc VietFest cho rằng, quyền lực mềm không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức mà văn hóa được sử dụng như một công cụ chiến lược, mà còn mở ra những hướng đi mới để phát triển bền vững và sáng tạo.

Ông Toàn cho rằng, để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh, cần xác định công nghiệp văn hóa là ưu tiên chiến lược quốc gia, trong đó xác định được các ngành mũi nhọn cho quốc gia và từng địa phương dựa trên thế mạnh nội tại và xu hướng quốc tế. Tránh đầu tư dàn trải và mang tính phong trào, hoặc chỉ phục vụ cho một số mục tiêu hoặc thị trường nhỏ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và cơ chế bảo trợ cho các doanh nghiệp và nhà sáng tạo trong ngành công nghiệp văn hóa. Thành lập các tổ hợp/khu công nghiệp sáng tạo và các vườn ươm khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm văn hóa kỹ thuật số và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích các nhà sáng tạo; Đẩy mạnh quảng bá các yếu tố văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 4 & hết): Cần xác định công nghiệp văn hóa là ưu tiên chiến lược quốc gia - Ảnh 1.

Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) là một ví dụ cho nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa của TP.HCM. Ảnh: PLO

Ông Toàn cũng đề xuất xây dựng chương trình Tinh hoa Việt Nam, nhằm tuyển chọn và xây dựng hình ảnh nhận diện và đẩy mạnh khai thác thương mại hóa các sản phẩm văn hóa Việt Nam; Đẩy mạnh xuất khẩu phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ ra thế giới, qua đó tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa quốc tế; Đầu tư cho việc xuất hiện của văn hóa Việt Nam tại các sự kiện có quy mô toàn cầu như World Expo, Olympic, hoặc các lễ hội lớn trên thế giới (như Liên hoan phim Cannes, Busan...).

Đặc biệt, ông Toàn cho rằng, Việt Nam cần có cơ quan chuyên trách về công nghiệp văn hóa. Cơ quan này sẽ phụ trách quy hoạch, giám sát, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của công nghiệp văn hóa với sự tham gia của khối tư nhân và có cơ chế kêu gọi quỹ phát triển công nghiệp văn hóa.

Ông Toàn đưa ra bài học kinh nghiệm của Thái Lan khi quốc gia này hiện đang triển khai một loạt chính sách mới nhằm thúc đẩy công nghiệp sáng tạo và tăng cường quyền lực mềm quốc gia.

"Chính phủ Thái Lan thành lập Cơ quan văn hóa sáng tạo (Creative Economy Agency - CEA) để phát triển nền kinh tế sáng tạo, trong đó có công nghiệp văn hóa" - theo lời ông Phạm Minh Toàn. "CEA tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo, sự kiện kết nối để thúc đẩy sáng tạo và đổi mới trong ngành văn hóa. CEA cũng cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính cho những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, khuyến khích họ phát triển các ý tưởng mới và bền vững. Về Quỹ Nghệ thuật và văn hóa quốc gia: Chính phủ Thái Lan đã thành lập quỹ này để hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ, nhà làm phim, nhà thiết kế khởi nghiệp. Quỹ này cấp học bổng và tài trợ cho các dự án nghệ thuật và văn hóa, giúp tài năng trẻ tiếp cận các cơ hội học tập và làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo".

"Việt Nam có thể xây dựng một nền công nghiệp văn hóa vững mạnh, không chỉ thúc đẩy kinh tế, mà còn nâng cao quyền lực mềm trên trường quốc tế" - ông Phạm Minh Toàn, TGĐ VietFest.

Phát triển di sản văn hóa, ứng dụng công nghệ số

Không thể phủ nhận trong những năm qua, ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tạo ra giá trị văn hóa và kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, để ngành này phát triển bền vững và cạnh tranh trên trường quốc tế, bên cạnh các chính sách hỗ trợ và chiến lược phát triển toàn diện, sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức từ nhà nước đến tư nhân, cần phải chú trọng đến việc bảo vệ và phát triển di sản văn hóa, ứng dụng công nghệ số vào phát triển công nghiệp văn hóa.

Về bảo vệ và phát triển di sản văn hóa, ông Toàn kiến nghị sớm thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa để có ngân sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển các giá trị di sản quốc gia trở thành quyền lực mềm. Bên cạnh đó, cần tạo ra các chuyến du lịch văn hóa kết hợp với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề truyền thống và di tích lịch sử. Tăng cường các hoạt động nghệ thuật văn hóa tại các di tích lịch sử để thu hút du khách tới thưởng thức tham quan và góp phần bảo vệ và quảng bá văn hóa.

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 4 & hết): Cần xác định công nghiệp văn hóa là ưu tiên chiến lược quốc gia - Ảnh 3.

Rất đông người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử của di tích Bắc bộ phủ trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Về việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển công nghiệp văn hóa, ông Toàn gợi ý cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng các nền tảng trực tuyến để giới thiệu và bán sản phẩm văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, phải đầu tư vào công nghệ VR (công nghệ thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) để tái hiện các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, nhằm cung cấp trải nghiệm số hóa cho du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội phục vụ cho công tác quảng bá, cần có chính sách riêng biệt cho thử nghiệm các ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa như NFT, blockchain…

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp văn hóa, Việt Nam có thể tham khảo một số mô hình, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Điển hình như Hàn Quốc, nổi tiếng với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa thông qua các trường đại học chuyên ngành nghệ thuật và giải trí, như Đại học Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc (Korea National University of Arts), các học viện và các chương trình đào tạo của công ty giải trí lớn (SM Entertainment, YG Entertainment, HYBE…).

Chính phủ Hàn Quốc đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục văn hóa và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo. Họ cũng hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để cung cấp các chương trình học bổng và hỗ trợ nghiên cứu.

Hoặc như chính phủ Anh khuyến khích sự sáng tạo từ cấp học phổ thông, với các chương trình học tập nghệ thuật tích hợp. Hệ thống giáo dục cung cấp các cơ hội thực hành trong các ngành công nghiệp sáng tạo và kết nối sinh viên với các nhà sản xuất và doanh nghiệp văn hóa. Chính phủ Anh cung cấp các quỹ tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo, đồng thời tổ chức các sự kiện kết nối để hỗ trợ người trẻ gia nhập ngành công nghiệp văn hóa.

Chính phủ Pháp có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghệ thuật, bao gồm các chương trình học bổng và tài trợ cho sinh viên ngành sáng tạo. Ngoài ra, Pháp có các quỹ phát triển dành riêng cho các dự án văn hóa, hỗ trợ tài năng trẻ trong việc phát triển nghề nghiệp. Sinh viên được khuyến khích tham gia vào các liên hoan phim, triển lãm nghệ thuật, và các sự kiện văn hóa để thực hành và xây dựng mạng lưới kết nối trong ngành công nghiệp văn hóa.

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia kể trên, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp văn hóa, Việt Nam cần thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu về văn hóa và sáng tạo, có cả lý thuyết lẫn thực hành, để học viên nắm bắt được kiến thức và kỹ năng áp dụng ngay vào thực tế, nội dung các chương trình đào tạo phải bao gồm cả đào tạo về khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, cần thiết lập các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa, nhờ đó nghệ sĩ và nhà sản xuất Việt Nam tham gia đào tạo tại các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển, từ đó tiếp thu các kiến thức và xu hướng mới.

"Bằng cách tiếp cận, học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm thành công từ các quốc gia khác, song hành với một chiến lược kết hợp khả thi giữa nhà nước và tư nhân, Việt Nam có thể xây dựng một nền công nghiệp văn hóa vững mạnh, không chỉ thúc đẩy kinh tế, mà còn nâng cao quyền lực mềm trên trường quốc tế" - ông Phạm Minh Toàn nhấn mạnh. 

Phạm Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm