La Masia không phải là lò đào tạo bóng đá thành công nhất

29/03/2013 20:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Theo xếp hạng của Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc tế (CIES) thì La Masia chỉ xếp thứ 4 trong số 10 lò đào tạo bóng đá thành công nhất châu Âu. Trong khi đó, lò La Castila của Real xếp thứ 10.

Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc tế (CIES) đã khảo sát 31 giải bóng đá có tính cạnh tranh nhất vào năm ngoái với tiêu chí một cầu thủ cần thi đấu cho lò đào tạo bóng đá trẻ ít nhất ba mùa giải trong độ tuổi hình thành từ 15 đến 21.

Lò đào tạo của Ajax đã sản xuất ra 69 cầu thủ hiện đang hành nghề sau khi được huấn luyện ở đội bóng của Hà Lan. Do đó CIES đã kết luận Ajax mới là lò đào tạo bóng đá trẻ thành công nhất chứ không phải La Masia, học viện bóng đá mà nhiều người cho rằng xuất sắc nhất. Mặc dù trong đội hình của Barcelona có nhiều cầu thủ "cây nhà lá vườn" nhưng trên thực tế, chỉ có 53 cầu thủ được đào tạo ở La Masia là đang thi đấu ở các giải đấu lớn. 


Các cầu thủ thuộc lò La Masia - Ảnh: Getty

Lò La Castila của Real Madrid chỉ sản xuất được 43 cầu thủ đang thi đấu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp. Do đó, CIES đã xếp La Castila ở vị trí thứ 10.

Bảng xếp hạng của CIES cũng chỉ ra rằng các học viện bóng đá ở các giải đấu ít tên tuổi thuộc các nước như Bulgaria, Serbia, Croatia, Slovenia, Hungary, CH Czech, Slovakia, Belarus và Phần Lan có thứ hạng cao hơn. Điều này được lí giải bởi các CLB bóng đá ở các quốc gia này không có nguồn tài chính dồi dào để mua cầu thủ và đã chọn cách đào tạo cầu thủ trẻ để tạo nguồn cung cho CLB.

Tuy nhiên các CLB này cũng phải đối mặt với việc không thể giữ chân những tài năng trẻ của mình và buộc phải đứng nhìn cảnh các đội bóng giàu có "hút máu". Con đường duy nhất cho các đội bóng đó là có gắng huấn luyện và tăng thêm giá trị cầu thủ trong các vụ chuyển nhượng với các CLB giàu có. Hơn nữa, tình cảnh "chảy máu" xảy ra ngày càng nhiều khi xuất hiện những người trung gian trong các vụ chuyển nhượng và cả những người sống nhờ mạng lưới liên kết với các HLV và những người chủ của các CLB.

Nhìn chung các đội bóng bị giới hạn về mặt tài chính thường thiết lập một mô hình thể thao và kinh tế dựa trên sự phát triển giá trị gia tăng của các tài năng trẻ, những người phục thuộc vào khả năng đào tạo của CLB.

Sơn Tùng

Theo CIES

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm