26/04/2025 11:23 GMT+7 | Giải trí
Nghệ sĩ điêu khắc Daniel K.Winn trải lòng về cuộc đời và sự nghiệp nhân dịp dự án điện ảnh "Chrysalis - Chiếc kén" đang thực hiện tại Việt Nam.
Daniel K.Winn là tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật và sản xuất tại Mỹ. Anh sinh ra tại Biên Hòa, Việt Nam. Hành trình đầy thử thách đã đưa anh từ một cậu bé tị nạn trở thành một nghệ sĩ và nhà từ thiện được công nhận trên toàn cầu, nổi tiếng với sự sáng tạo không giới hạn và các tác phẩm độc đáo.
Không chỉ là một nghệ sĩ, Daniel còn là một nhà sản xuất tài năng, tham gia vào nhiều dự án điện ảnh và nghệ thuật quốc tế, đồng thời thường xuyên tổ chức triển lãm tại Mỹ, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Câu chuyện đời thực của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim điện ảnh quốc tế Chrysalis – Chiếc kén.
Nghệ sĩ điêu khắc - doanh nhân Daniel K.Winn. Ảnh: NVCC
* Bên cạnh công việc của nghệ sĩ nhà điêu khắc - doanh nhân, anh còn là một nhà từ thiện. Anh có thể chia sẻ về các hoạt động thiện nguyện của anh ở Việt Nam?
- Tôi làm thiện nguyện ở Việt Nam thông qua các buổi đấu giá những bức tranh của các nghệ sĩ điêu khắc hoặc hoạt hình mà tôi đại diện hoặc là tác phẩm của chính tôi. Số tiền gây quỹ được, theo tôi ước tính, cũng hơn 10 triệu USD trong khoảng mười mấy năm qua.
Số tiền này dành cho nhiều tổ chức từ thiện trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, tôi không nắm rõ con số cụ thể. Tuy nhiên, tôi biết một phần đã được chuyển đến các bác sĩ ở đây để hỗ trợ phẫu thuật cho các em nhỏ bị hở môi, hở hàm ếch, bệnh tim hoặc dị tật...
Phần đóng góp trực tiếp của tôi là mỗi khi về Việt Nam, nếu có thời gian, tôi thường nhờ người quản lý bên này chuẩn bị sẵn gạo, đồ chơi, sữa, thuốc men, nước tương, nước mắm, mì, bún và nhiều thứ khác để mang đến.
Tôi thường đến thăm các trại trẻ mồ côi và những nơi chăm sóc người già. Tôi hỗ trợ họ trong khả năng của mình, vì có lẽ họ không có đủ điều kiện. Nếu có thời gian và cơ hội, tôi luôn cố gắng làm từ thiện".
Ảnh: NVCC
* Danh hiệu hiệp sĩ của anh có liên quan gì tới các hoạt động thiện nguyện mà anh đã tham gia?
- Năm 2018, trong một sự kiện đấu giá từ thiện, một nhân vật đã mời tôi ăn trưa. Trong bữa ăn, anh ta hỏi tôi rất nhiều điều về sự nghiệp, cuộc đời và hoạt động từ thiện.
Sau đó, anh ta nói sẽ tiến cử tôi với Hoàng tử Waldemar Stephen zu Schaumburg-Lippe trao cho tôi danh hiệu Hiệp sĩ. Do bất ngờ, tôi hỏi 1 câu hơi bất lịch sự: "Tôi phải trả bao nhiêu tiền cho danh hiệu này?". Anh ta nghiêm mặt nói danh hiệu này không thể mua bằng tiền.
Khoảng 6-7 tháng sau, Hoàng tử Waldemar Stephen zu Schaumburg-Lippe và vợ sang Mỹ, tổ chức buổi trao danh hiệu quy tụ hàng trăm người, báo chí đến rất đông.
Nguồn gốc danh hiệu hiệp sĩ của Daniel (giữa) khiến nhiều người cảm thấy thú vị. Ảnh: ĐPCC
Kể từ đó, tên tôi luôn kèm danh hiệu này là Sir Daniel K. Winn, thường dùng trong các hoạt động thiện nguyện. Nhờ danh hiệu này, tôi làm từ thiện dễ dàng hơn, giảm khá nhiều giấy tờ, thủ tục tại các tiểu bang hoặc quốc gia xa lạ.
Dù vậy, tôi không quá chú trọng nó. Bạn có thể gọi tôi là "Sir" hay bất cứ cách nào mình muốn.
* Được biết, cùng với hoạt động thiện nguyện, anh còn tham gia làm phim?
- Hiện tại tôi muốn tập trung vào làm phim. Nhưng trong những bộ phim đó, tôi muốn lồng ghép yếu tố nghệ thuật. Bên cạnh đó, tôi cũng ấp ủ dự định tổ chức triển lãm ở Việt Nam cho tất cả khán giả của mình. Bởi vì tôi thấy thị trường nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn khá lạ lẫm với những chất liệu mà tôi thường sử dụng. Ở Việt Nam, người ta thường làm điêu khắc từ đá hoặc bằng chất liệu khác, chứ không phải bằng đồng, inox hay là lucite như phong cách của tôi.
Nghệ sĩ điêu khắc có nhiều ký ức những năm tuổi thơ sống ở Việt Nam cùng bà nội
* Tuổi thơ của anh ảnh hưởng như thế nào đến phong cách nghệ thuật của anh?
- Tuổi thơ có ảnh hưởng sâu sắc và không bao giờ phai nhạt trong ký ức tôi. Khoảng thời gian từ 7 đến 9 tuổi, sống với bà nội ở quê hương Biên Hoà, là những ký ức tuyệt đẹp và tràn đầy niềm vui trong lòng, dù cuộc sống vật chất có thể thiếu thốn. Những hình ảnh và cảm xúc đó luôn sống động trong tâm trí tôi. Chính vì vậy, mỗi khi nhớ về quãng đời này, những tác phẩm hội họa hay điêu khắc của tôi dường như cũng trở nên đặc biệt hơn.
Nếu không có những năm tháng đó ở Việt Nam, từ 7 đến 9 tuổi, tôi nghĩ mình đã không thể tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật như bây giờ.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất