Đà Nẵng: Phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là động lực phát triển kinh tế - xã hội

26/10/2021 12:19 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 775/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang, nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm trở thành điểm đến hấp dẫn du lịch và nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, du khách.

Từ những tiềm năng sẵn có

Hiện nay, về di sản văn hóa vật thể, thành phố Đà Nẵng có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn), 17 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố và 06 hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Cùng với các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, các hoạt động văn hóa lễ hội, văn hóa tâm linh được quan tâm và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các lễ hội đình làng, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng quy mô đi vào nề nếp, có nét mới, đảm bảo được nội dung ý nghĩa truyền thống. Bên cạnh đó, thành phố đã tăng cường khai thác hiệu quả các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đối với Nghệ thuật Bài Chòi, Lễ hội Cầu ngư, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng và văn hóa cộng đồng người Cơ Tu.

Chú thích ảnh

Để phát huy giá trị và quảng bá các di sản văn hóa phục vụ du lịch, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư nhiều hoạt động giữ gìn, tôn tạo, bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thông của địa phương. Một số di tích đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương như danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng; hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống tại Đà Nẵng như tuyến sông Hàn - Khu căn cứ cách mạng K20, tuyến sông Hàn - Túy Loan - Thái Lai, tuyến du lịch sông Cu Đê…

Đứng trước những khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của thành phố về thu hút đầu tư, xã hội hóa kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp, sự thách thức của thiên tai và biến đổi khí hậu, công tác tuyên truyền, quảng bá chưa hiệu quả, ý thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của các di sản văn hóa địa phương chưa được nâng cao…; vào tháng 9/2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025” lấy việc bảo tồn di sản văn hóa bền vững gắn với phát triển du lịch làm trọng điểm đang là vấn đề hết sức cấp thiết, mang tính chiến lược lâu dài, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Du khách đến thăm quan Bảo tàng Đà Nẵng

...đến công tác bảo tồn di sản văn hóa là trong nhiệm vụ trọng tâm

Theo đó, Đề án tập trung vào các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa thông qua công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích, quy hoạch di tích, trùng tu, tôn tạo di tích và chống biến đổi khí hậu; khôi phục, duy trì và nâng cao chất lượng của các di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức các hoạt đông để phát triển du lịch văn hóa, tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nối và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thông của đồng bào (cộng đồng Cơ Tu); thực hiện số hóa một số di sản văn hóa tư liệu (dịch tư liệu Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, sắc phong tại đình làng, gia phả…); nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng, đổi mới nội dung, hình thức, đa dạng hóa các hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hệ thống các bảo tàng.

Chú thích ảnh
Lễ hội Cầu Ngư của người dân Đà Nẵng

Song song với đó, thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai đồng bộ với các giải pháp khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch như: chú trọng đánh giá cách tổ chức không gian du lịch, sức chứa phù hợp khả năng chịu tải của tài nguyên, môi trường du lịch tại di tích; hình thành những sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng, kết nối các điểm di sản, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh gắn với các loại hình du lịch công vụ MICE, du lịch làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch cộng đồng… theo hướng du lịch xanh, bền vững; tiếp tục triển khai các đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái (Sơn Trà), phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô, đề án phát triển du lịch Khu Căn cứ cách mạng K20, đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định bản sắc văn hóa mảnh đất và con người Đà Nẵng hiện đại, là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố.

Cùng với sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, sự đồng hành và chung tay hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, huy động sức mạnh của toàn xã hội sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, giá trị di sản trên địa bàn thành phố, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn và tăng cường hiệu quả quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng.

Khôi Nguyên

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm