Cuộc đời tay vợt chuyển giới nổi tiếng nhất

17/11/2012 16:49 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi Renée Richards trở thành ngôi sao trên sân đấu quần vợt chuyên nghiệp dành cho nữ, cô đã là một chàng trai người Do Thái, cậu con cưng trong gia đình. Richards sinh năm 1934, tên thật là Richard Raskind, và được mọi người biết đến dưới cái tên Dick. Là con của hai vị bác sĩ ở vùng Forest Hills, Queens, Dick dành những ngày cuối tuần để đi nhặt bóng cho cha mình trên những sân đất nằm cạnh các con đường chằng chịt ở Long Island.

Đại úy quân đội, đội trưởng quần vợt, nhưng muốn làm phụ nữ

Với công chúng, Dick là một vận động viên rất tự tin, đội trưởng đội quần vợt Yale và là một trong số ít những người Do Thái được chọn trong lứa của anh ở các đội quần vợt đại học. Nhưng anh bắt đầu lén mặc đồ của chị gái vào năm lên 9. Ở  ký túc xá trường đại học, anh còn lén cạo lông chân và thay đổi bề ngoài giới tính của mình theo phái nữ. Vào thời điểm đó, anh đổi tên thành Renée, tiếng Pháp nghĩa là “tái sinh”.



Renée Richards trên sân quần vợt

Dick theo học trường y và trở thành một bác sĩ nhãn khoa, đặc biệt giỏi trong các ca phẫu thuật về cơ vòng mí mắt. Anh gia nhập hải quân với quân hàm đại úy và giành được tất cả các danh hiệu quần vợt tổ chức cho quân đội. Nhưng gia nhập quân đội nghĩa là phải cạo râu tóc, và một nhà phân tích tâm lý đã khuyến khích anh hãy dừng ý nghĩ kỳ quặc mang cái tên con gái Renée. Thất vọng và cô đơn đến cùng cực, anh tìm đến chuyên gia tâm thần học chuyên giải quyết vấn đề chuyển giới. Anh bắt đầu được tiêm thuốc hormon progresterone và estrogen. Cơ thể anh mềm ra. Anh chụp những bức hình dưới hình ảnh mới Renée, trông xinh đẹp như một phụ nữ thực thụ, duyên dáng, mảnh khảnh.

Rời quân đội, sau nhiều tháng trời cân nhắc dằn vặt và nhiều năm sống với tâm hồn một phụ nữ trong cơ thể một người đàn ông tại một căn nhà cho thuê nhỏ bé ở Paris, Dick bay đến Casablanca (Morocco) để phẫu thuật hoàn chỉnh lần cuối cùng, vốn là điều bị cấm đoán ở Mỹ. Anh mang số tiền 4.000 USD đến phòng khám. Tuy nhiên, là một bác sĩ, khi được nghe kể về những nguy cơ với sức khỏe, Renée rất lo sợ và cuối cùng anh bỏ về mà không làm phẫu thuật. Anh cũng ngừng sử dụng liệu pháp hormone.

Tôi không còn cách nào khác…

Những người quen biết Renée đều sốc khi anh bỏ lại mọi thứ sau lưng. Tại ngôi nhà của một người bạn thường cố làm mai mối những cô gái cho anh khi Renée còn là một chàng trai bảnh bao hấp dẫn, anh được gặp một người mẫu thời trang mà Dick cảm thấy là người phụ nữ đẹp nhất mà anh được gặp. Dick hoàn toàn mê mẩn, không phải là tình yêu, mà sự ngưỡng mộ mà mong muốn được trở thành như thế. Nhờ tình cảm đó và sự vun vén của người bạn, Dick kết hôn với cô người mẫu 6 tháng sau đó, và cậu con trai của họ, Nicholas, ra đời năm 1972.

Cuộc hôn nhân đổ vỡ ba năm sau. Dick trở lại với chuyên gia tâm lý của anh, người từng nói với anh rằng tuổi 40 là quá đủ cho sự giày vò bấy lâu nay và đã đến lúc để cho Renée sống dậy. Chị của Dick cố gắng thuyết phục anh dừng ý định phẫu thuật. Bạn bè anh lo lắng về tác động của anh với Nicholas. Nhưng như Richard đã nói, trong bộ phim tư liệu xuất sắc của Eric Drath năm 2011 mang tên Renée, “Tôi không còn cách nào khác.”

Trên con đường trở thành Renée, Richards rời bỏ nhà ở New York nơi con trai cô còn ở đó. Cô bắt đầu lại việc thực tập nhãn khoa ở California, bắt đầu chơi ở các giải quần vợt nghiệp dư của Mỹ dành cho nữ. Cô mang giày cỡ số 12 với vớ mini, sau đó còn có thêm dây chuyền mezuzah, loại trang sức có khắc chữ Hebrew của những người Do Thái giáo, khi cô thấy nhiều đối thủ đeo thánh giá trên cổ. Bạn bè cảnh báo Richards rằng sẽ có lúc cô bị phát hiện ra. Thực vậy, khi cô giành chức vô địch giải La Jolla năm 1976, một phóng viên đã tìm tòi và khám phá ra câu chuyện bí mật: Nhà vô địch nữ từng là một người đàn ông.

Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) phản hồi bằng một hình phạt: Cấm Richards thi đấu tennis chuyên nghiệp. Giận dữ với ẩn ý của họ rằng cô không phải là phụ nữ thực sự, cô đã đệ đơn yêu cầu được tham dự giải đấu danh giá US Open. “Sau 30 năm phải xin lỗi bản thân và cả thế giới nói chung, tôi đã xin lỗi quá nhiều rồi”, cô viết trong quyển hồi ký. “Đã đến lúc nhờ tới luật pháp công minh.”

Thế giới quần vợt bị chia rẽ sâu sắc bởi cuộc chiến giữa Richards và USTA. Billie Jean King và Martina Navratilova, những người cùng thời, đều ủng hộ quyền được thi đấu của Richards. “Là một người đồng tính, tôi cảm thấy như kẻ ngoài cuộc”, King hồi tưởng lại. “Có lẽ đó là sự thông cảm tôi dành cho Renée, vì tôi biết cảm giác không được mọi người đón nhận như thế nào”. Richards cũng nhận được sự ủng hộ từ người hâm mộ. Trong một giải đấu, một người phụ nữ chuyển giới khiếm thị đã đến để chào hỏi. “Tôi đã bật khóc”, Richards nhớ lại. Đám đông đã ủng hộ cô nồng nhiệt trong trận chung kết năm 1977 tại một câu lạc bộ ở Santiago, Chile. “Đối thủ của tôi nói rằng: Tôi chưa bao giờ thấy nhiều cổ động viên như vậy ở một giải thế này”, Richards nhớ lại. “Tôi bảo cô ấy: Cô không hiểu rồi, đó là câu lạc bộ của người Do Thái”.

Đời là vậy

Dù vậy, các giải đấu chuyên nghiệp vẫn không phải là điểm đến dễ dàng cho cô. Một số tay vợt chuyên nghiệp danh tiếng như Chris Evert và Virginia Wade bày tỏ ý kiến muốn hạn chế quyền được thi đấu của Richards. Vào thời điểm mà quần vợt nữ chỉ vừa mới bắt đầu được tổ chức, nhiều người lo ngại sẽ có nhiều đàn ông đi theo con đường của Dick Raskind. “Nếu chúng ta đảm bảo chỉ có trường hợp của Renée thôi, thì tôi nghĩ chúng ta có thể tiếp tục”, một vận động viên giấu tên nói trên báo Washington Post. “Nhưng lúc nào cũng có những nghi ngại rằng sẽ có nhiều trường hợp chuyển giới khác, trẻ hơn, khỏe hơn, và có vị thế tốt hơn để gia nhập các giải đấu”. Hai tay vợt thậm chí đã ra sân đấu với chiếc áo phông mang dòng chữ “Tôi là phụ nữ thực thụ”. Những vận động viên khác từ chối bắt tay Richards sau khi bị đánh bại.

Liệu Richards có lợi thế một cách không công bằng? Kích cỡ không quyết định được câu trả lời. Những nữ vận động viên khác, Pam Shriver vào thời đó, hay Lindsay Davenport và Venus Williams sau này, cũng cao như cô (Renée cao 1,88 mét). Vì liệu pháp hormone, cô mất 30% cơ bắp và 40 pound (18 kg) trọng lượng cơ thể, xuống còn 142 pound (64 kg). Richards nhấn mạnh, ở tuổi 43, cô thực sự không thể chiếm ưu thế trong các giải đấu. Nhưng nhiều người vẫn không tin hoặc không muốn tin, nhất là những tay vợt bị cô đánh bại, như Chris Evert.

Pháp luật phải vào cuộc sau rất nhiều tranh cãi. Tòa thượng thẩm liên bang ở New York đã ra phán quyết khẳng định Richards là một phụ nữ. Thẩm phán nói rằng bà đã bị thuyết phục bởi sự chứng nhận của các bác sĩ, rằng sự phát triển cơ bắp, cũng như cân nặng, chiều cao của Richards “phù hợp tiêu chuẩn của phụ nữ”. Dẫu vậy, việc Richards tham dự các giải nữ vẫn rất hạn chế dù cô đã lọt vào chung kết đánh đôi US Open năm 1977 và đạt vị trí thứ 19 trên bảng xếp hạng quốc tế năm 1979. Cô cũng huấn luyện Navratilova giành hai danh hiệu đơn Wimbledon trước khi trở về với nghiên cứu nhãn khoa.

Bất chấp những thành công cùng sự nghiệp quần vợt, Richards vẫn phải đối mặt với những mâu thuẫn quá khứ ở một thời đại thiếu cởi mở hơn hiện giờ rất nhiều. Cô vẫn tự hào rằng mình là “người đầu tiên đứng lên vì quyền của người chuyển giới”, nhưng Richards cũng phải đắn đo rất nhiều: “Có thể trong quá khứ, tôi đáng lẽ đã không được phép tham dự giải dành cho nữ. Đáng lẽ tôi nên đầu hàng và tự nhủ: Đó không phải mà điều mà tôi nên theo đuổi khi đã trở thành phụ nữ. Tôi nghĩ người chuyển giới có quyền thi đấu, nhưng có lẽ không phải ở cấp độ chuyên nghiệp, bởi vì đó không phải là sân chơi cân bằng”. Cô đã chống đối luật của Ủy ban Olympic quốc tế  (IOC) năm 2004 cho phép người chuyển giới tham dự các cuộc thi sau khi phẫu thuật và hai năm sau liệu pháp hormone.

Quan điểm khoa học về phân biệt nam và nữ trong thể thao vẫn còn rất lộn xộn. Và Richards đã tin rằng quá khứ đàn ông của mình đã trao cho cô những lợi thế so với những đối thủ khác. “Sống trong quá khứ 30 năm đó, tôi biết rằng nếu tôi phẫu thuật năm 22 tuổi, và năm 24 tham gia giải đấu, không một người phụ nữ đích thực nào dám đến gần tôi. Vì thế mà tôi lại cân nhắc ý định của mình”, Richards giải thích. “Có một điều mà một người phụ nữ chuyển giới không thể mong đợi được phép làm. Đó là chơi thể thao chuyên nghiệp. Cô ấy có thể kết hôn, sống như phụ nữ, làm tất cả mọi thứ khác, và không ai được phép lấy đi của họ cuộc sống như thế. Nhưng đời là vậy. Tôi biết, vì tôi đã sống như thế”.

Những vận động viên chuyển giới nổi tiếng

Mianne Bagger, Đan Mạch, golf Bagger sinh năm 1966 với khai sinh là nam.

Năm 1995, cô làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính và bắt đầu tham gia các giải nghiệp dư ở Úc. Nhiều người cho rằng gốc gác nam giới sẽ giúp Bagger có lợi thế, nhưng do Hiệp hội golf Úc không có luật cấm vận động viên chuyển giới, Bagger vẫn được tham gia. Năm 1999, cô giành chức vô địch đầu tiên ở giải Nam Úc. Năm 2004, sau nhiều đấu tranh, cô được ban tổ chức giải Ladies European Tour, một giải chuyên nghiệp nổi tiếng, cho phép tham dự. Năm 2005, Bagger lần đầu được tham gia British Open và US Open, hai giải danh giá nhất, dành cho nữ. Tuy nhiên, Bagger vẫn không thực sự thành công và không có ưu thế nào nổi bật so với các đối thủ.

Roberta Cowell,Anh, đua xe Cowell, sinh năm 1921, được ghi nhận không chỉ là nữ vận động viên đầu tiên, mà còn là người Anh đầu tiên từng phẫu thuật chuyển giới và công khai điều đó.

Tên khai sinh là Robert Cowell, bà từng phục vụ trong không quân hồi thế chiến thứ hai và tham gia đua xe sau đó. Bà phẫu thuật chuyển giới năm 1951 và đổi tên thành Roberta.

103

Trong lịch sử, có tới 103 vận động viên thể thao tham dự Olympic là những người đồng tính hoặc chuyển giới. Trong số họ, có tới 52% từng giành huy chương. Người đầu tiên công khai nhận mình là đồng tính ở Olympic là vận động viên chạy cự ly trung bình người Đức Otto Peltzer, tranh tài các năm 1928 và 1932. Dù rất thành công và là đội trưởng đội điền kinh Đức, Petlzer bị truy lùng gắt gao sau khi Quốc xã lên nắm quyền và buộc phải trốn ra nước ngoài. Những người đồng tính và chuyển giới tham gia nhiều nhất ở môn bóng đá và các quốc gia có nhiều người như vậy nhất trong lịch sử Olympic là Mỹ (27 vận động viên), Đức (14), Hà Lan (10), Thụy Điển và Úc (mỗi nước chín người).

Nhật Nguyễn




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm