27/01/2025 08:53 GMT+7 | Thể thao
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 (gọi tắt là Chiến lược) là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao nước nhà. Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã chia sẻ với Thể thao và Văn hóa về kế hoạch để hiện thực hóa các nội dung chiến lược, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực.
* Thưa ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục TDTT, dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Chiến lược đối với sự phát triển của nền thể thao trong tương lai?
- Trước sự phát triển mạnh mẽ và đầu tư rất lớn của thể thao thế giới thì Việt Nam nhận thức cần phải xây dựng một nền thể thao hiện đại và chuyên nghiệp. Chiến lược mà Chính phủ đã phê duyệt có sự đột phá rất lớn gồm 5 nội dung quan điểm chỉ đạo, 6 mục tiêu chính và 9 nhóm giải pháp và nhiệm vụ rất cụ thể. Việc này giúp khơi thông nguồn lực và giúp các nhà quản lý thể thao trong hoạch định, xây dựng chương trình, đề án và kế hoạch cụ thể trong thời gian tới.
Ngoài ra, từ nội dung của Chiến lược có thể thấy, không chỉ tập trung cho riêng lĩnh vực thể dục, thể thao mà còn liên quan đến việc phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời phát triển kinh tế thể thao để đóng góp vào sự triển chung của nền kinh tế. Tất cả góp phần tạo ra sự phát triển bền vững, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
* Chiến lược vừa là lộ trình, vừa là đích đến trong chặng đường dài phía trước. Nhìn từ thực trạng của thể thao Việt Nam hiện tại, theo ông, việc triển khai thực hiện tiềm ẩn những khó khăn, thách thức nào?
- Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cũng có khó khăn và thách thức. Đầu tiên, cần đáp ứng được kỳ vọng của người dân và xã hội đối với thể thao Việt Nam. Với thể thao phong trào, thực tế ở nhiều địa phương các thiết chế về thể thao chưa được đảm bảo, nhiều nơi, người dân chưa được tiếp cận, tập luyện thể dục thể thao. Mở rộng hơn, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số nhưng hiện tại chưa đến 1% người khuyết tật được tập luyện thể thao thường xuyên. Đây cũng là vấn đề phải suy nghĩ và cần sự hỗ trợ của toàn xã hội để giúp đỡ người yếu thế có điều kiện để tham gia tập luyện.
Đối với thể thao thành tích cao, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa thực sự đảm bảo tiêu chuẩn Olympic để nâng cao trình độ cho VĐV. Vấn đề thành tích có sự phụ thuộc rất lớn vào tài năng thể thao, vào chế độ chính sách cho VĐV, HLV, cũng như hệ thống chương trình đào tạo cần có sự xuyên suốt từ trung ương tới địa phương. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ gồm dữ liệu, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích thi đấu để nâng cao trình độ của các VĐV nhằm đạt được các thành tích ở ASIAD và Olympic.
* Có những mục tiêu lớn được đặt ra trong Chiến lược, theo ông, ngành thể thao cần được hỗ trợ những gì và quá trình chuẩn bị cần có sự thay đổi đặc biệt nào so với trước đây để hoàn thành?
- Mục tiêu trước mắt trong Chiến lược đề cập là thể thao thành tích cao duy trì trong Top 3 tại các kỳ SEA Games và trong Top 20 tại các kỳ ASIAD. Phấn đấu đạt từ 5 đến 7 HCV tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong Top 10 châu Á và bóng đá nữ trong Top 8 châu Á.
Định hướng tới năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong Top 2 tại các kỳ SEA Games, trong Top 15 tại các kỳ ASIAD và Top 50 tại các kỳ Olympic. Bóng đá nam trong Top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup, bóng đá nữ trong Top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Để hoàn thành những mục tiêu này, đòi hỏi ngành thể thao phải có nỗ lực lớn và ngành thể thao cũng cần sự chung tay của toàn xã hội để nâng cao tính khả thi. Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 với 17 môn trọng điểm và Đề án phát triển Điền kinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đối với môn bóng đá, Đề án phát triển Bóng đá Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo đang được xây dựng ngay sau khi Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 kết thúc với mục tiêu có tính thực tiễn cao và phù hợp với tốc độ phát triển của nền bóng đá thế giới.
* Kinh tế thể thao là nội dung mới được đưa vào Chiến lược và Cục TDTT có kế hoạch như thế nào để thúc đẩy kinh tế thể thao phát triển?
- Trong Chiến lược đã xác định các quan điểm, mục tiêu và đặc biệt là có riêng một nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế thể thao và ngành TDTT đang xây dựng kế hoạch triển khai. Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo Cục TDTT xây dựng đề án phát triển kinh tế thể thao trong năm 2025, tổng kết việc thi hành Luật Thể dục, thể thao, tập trung đánh giá những vấn đề bất cập về mặt pháp lý đối với hoạt động kinh tế thể thao được quy định tại luật chuyên ngành làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật Thể dục, thể thao. Đồng thời rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan khác để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển các hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta.
Phát triển kinh tế thể thao với mục tiêu trở thành một ngành kinh tế đóng góp vào sự phát triển chung và hỗ trợ nguồn lực tài chính để thực thi các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao thành tích chuyên môn. Ngành thể thao cũng đã tìm cách thúc đẩy sự phát triển qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm phát hiện điểm nghẽn về chính sách, tìm giải pháp giúp các liên đoàn, hiệp hội thể thao nâng cao khả năng tự chủm chung tay cùng với Nhà nước trong các hoạt động sự nghiệp.
Đồng thời từng bước đẩy mạnh việc chuyển giao việc tổ chức các giải thể thao cho các hội thể thao, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có năng lực để vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa tăng tính hấp dẫn, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách.
Đối với TDTT cho mọi người, định hướng phát triển nhiều môn thể thao không yêu cầu cao về sân bãi tập luyện để thu hút người tham gia. Năm 2024, thể thao Việt Nam đạt 37,6% và định hướng đến năm 2045 là trên 50% dân số tập luyện thường xuyên. Đây là thị trường rất lớn tiêu dùng hàng hóa thể thao giúp cho các ngành sản xuất về trang thiết bị, trang phục, phụ kiện… và công nghiệp thể thao phát triển.
Cải tiến các hoạt động tổ chức sự kiện thể thao theo hướng tăng tính giải trí, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Làm tốt được việc này thì các hoạt động về bản quyền truyền hình, chuyển nhượng và xây dựng giá trị thương hiệu cho VĐV cũng sẽ phát triển.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Xổ số thể thao đóng góp vào sự phát triển của nền thể thao
Theo chia sẻ của Cục trưởng Đặng Hà Việt, qua khảo sát 2 nền thể thao lớn của châu Á gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, nguồn thu từ xổ số thể thao có sự đóng góp đáng kể về nguồn lực tài chính để nền thể thao phát triển. Một phần doanh thu từ xổ số thể thao sẽ được đầu tư cho thể thao và giảm bớt sự đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thông tin từ trang web của Quỹ Xúc tiến thể thao Hàn Quốc (KSPO), KSPO trả lại toàn bộ lợi nhuận từ vé đặt cược Sports Toto cho các dự án vì lợi ích cộng đồng. Sports Toto được thành lập vào tháng 10/2001, nhằm hỗ trợ tài chính cho World Cup 2002. KSPO đã huy động được 1,2 tỷ đô la Mỹ bằng cách bán vé in Sports Toto từ năm 2001 đến năm 2020.
Theo quan điểm của ông Việt, các cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc mô hình về xổ số thể thao ở các quốc gia đã phát triển, nhằm hoàn thiện khung pháp lý để triển khai các hoạt động đặt cược thể thao phù hợp với tình hình, điều kiện tại Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất