Nhìn từ án phạt cấm chuyển nhượng: Barca và hình ảnh vẩn đục

23/08/2014 18:54 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Barca sẽ kháng án cấm chuyển nhượng từ FIFA lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS). Nhưng vấn đề không nằm ở việc Barca có thể kháng án thành công hay không, mà là giá trị của CLB đang vẩn đục.

Không chỉ là danh hiệu và những ngôi sao, Barca còn đang sống chung với nhiều bê bối.

Từ CAS đến CAS

Barca sẽ trở lại trụ sở của CAS ở Thụy Sĩ trong thời gian sớm nhất. Vài ngày trước, Barca đã cử luật sư và đại diện của mình sang Thụy Sĩ để bảo vệ quyền lợi cho Luis Suarez. Kết quả thu về khá tốt: CAS quyết định giảm án cho Luis Suarez, với việc cho phép cầu thủ người Uruguay được phép tập luyện với các đồng đội mới, và chờ ngày chính thức trở lại sân cỏ.

Sắp tới, khi trở lại trụ sở CAS, điều Barca phải thực hiện là bảo vệ quyền lợi chính mình. Quá trình làm việc với FIFA chỉ khiến Barca nhận một cái tát mới từ tổ chức quyền lực này. FIFA quyết định cấm Barca tham gia hai kỳ chuyển nhượng sắp tới (tháng Giêng và mùa hè 2015). Trước đó, khi xin phép được giới thiệu Luis Suarez ở Camp Nou, Barca đã bị FIFA từ chối thẳng thừng.

Án phạt mà FIFA áp dụng với Barca ngay lập tức tạo làn sóng lớn cho truyền thông châu Âu, từ Anh, Đức, Italy, cho đến Pháp… Trong đó, Le Monde - tờ báo nước Pháp có “thâm thù” với Barca (từng đăng loạt bài tố cáo CLB sử dụng doping), được dịp chỉ trích đội bóng xứ Catalunya. Từ án phạt của FIFA, liên quan việc chuyển nhượng và đăng ký cầu thủ vị thành niên, Barca bị chỉ trích không fair-play khi tuyển mộ các tài năng trẻ. Cách làm việc mang tính chất gian lận này là yếu tố quan trọng để La Masia trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về đào tạo cầu thủ.

Một bộ sưu tập hình ảnh bê bối

Barca đang dính vào một loạt những vụ bê bối. Câu chuyện đình đám đầu tiên là vụ Lionel Messi bị cáo buộc trốn thuế. Rắc rối này không xuất phát từ chính Barca lẫn cá nhân Messi. Cáo buộc trốn thuế liên quan đến Jorge Messi, cha của Leo, và người đại diện cũ của anh. Họ lấy danh nghĩa Messi để lập công ty riêng và trốn được nhiều khoản thuế.

Vụ việc khiến Messi phải ra tòa giải trình. Đáng nói hơn, khi ngay cả những trận đấu giao hữu mang tính chất từ thiện cũng bị điều tra. Bản thân Messi nhiều lần móc tiền túi để nộp bổ sung thuế. Những rắc rối này ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng Barca.

Cũng liên quan đến cáo buộc trốn thuế, trong vụ chuyển nhượng Neymar, Barca trực tiếp vi phạm. Thẩm phán Tòa án tối cao đã phải vào cuộc điều tra, và phanh phui Barca gian lận khoản thuế không nhỏ. Theo đó, Barca không kê khai nhiều khoản phí khác nhau khi mua Neymar, mà chỉ thừa nhận mức 57,1 triệu euro. Những tài liệu điều tra được công khai, và Barca giải trình phí mua Neymar lên đến 86,2 triệu euro. Sau đó là một khoản phí khác hơn 13,5 triệu euro được nộp vào Sở thuế. Hiện tại, cuộc điều tra vẫn tiếp diễn liên quan đến cựu chủ tịch Sandro Rosell và cả Barca.

Kinh tế Tây Ban Nha khủng hoảng nặng nề, với tỷ lệ thất nghiệp cực cao (có thời điểm khoảng 1/4 dân số đất nước). Chính phủ TBN từng xin viện trợ từ Liên minh châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng tưởng như không có hồi kết. Thế nên, việc gian lận nhiều triệu euro tiền thuế là không thể chấp nhận. Messi bị chỉ trích, rồi Barca đối mặt với cáo buộc hình sự cũng vì lẽ đó. Barca thực tế vốn nhận được rất nhiều ưu đãi từ chính phủ về các khoản lệ phí (cũng như Real Madrid, Sociedad, Osasuna).

Barca cùng với Real Madrid và Man United là 3 đội bóng có ảnh hưởng lớn nhất hành tinh về mặt truyền thông cũng như kinh doanh. Những hoạt động của họ luôn tạo tiếng vang rất lớn. Nhưng khi mà Real và Man United không dính đến những bê bối, thì Barca lại liên tục phải đối mặt với những hình ảnh xấu bên ngoài sân cỏ.

86,2 Barca từng công bố giá chuyển nhượng Neymar là 57,1 triệu euro. Tuy vậy, sau cuộc điều tra của Tòa án Tối cao, Barca công khai các khoản phí khác và giá mua Neymar lên đến 86,2 triệu euro.

13,5 Barca từng phải nộp bổ sung 13,5 triệu euro tiền thuế từ vụ mua Neymar. Nếu tính thêm phần này, tổng giá trị của Neymar sẽ là 99,7 triệu euro, đắt hơn cả Cristiano Ronaldo.

14,1 Messi đã phải nộp bổ sung 14,1 triệu euro tiền thuế sau quá trình điều tra của Tòa án. Lần đầu là 4,1 triệu euro, cho cáo buộc trốn thuế giai đoạn 2007-2009. Sau đó là 10 triệu euro cho giai đoạn 2010-2011.


Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm