01/12/2016 07:21 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Là người trực tiếp đi tuyển chọn cũng như đào tạo các cầu thủ trẻ, cựu tuyển thủ quốc gia Văn Sỹ Hùng nhận xét ở Đông Nam Á cầu thủ to cao không thiếu, nhưng những ngôi sao nổi bật nhất ở khu vực đều nhỏ con.
Khi các cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG xuất lò và tạo dấu ấn đậm nét ở U19 Việt Nam, có HLV chuyên đào tạo trẻ từng nhận xét rằng cầu thủ của HAGL Arsenal JMG được huấn luyện về tư duy chơi bóng và kỹ thuật cá nhân rồi sau đó mới phát triển cơ bắp, thể lực. Trong khi đó, các đội bóng Việt Nam thường huấn luyện theo chu trình ngược lại.
Là một chuyên gia đào tạo trẻ, HLV Văn Sỹ Hùng phản bác: “Điều quan trọng nhất của một cầu thủ là tố chất về năng khiếu, sau đó là kiến thức, tư duy và các kỹ năng. Cuối cùng mới đến thể lực, cơ bắp. Khía cạnh này thì phải đến 16, 17 tuổi mới chú trọng, chứ không có chuyện tuyển chọn cơ bắp ngay từ đầu rồi mới đào tạo khâu tư duy, kỹ chiến thuật.
Không chỉ có HAGL đào tạo theo quy trình tư duy, kỹ năng rồi đến thể lực, cơ bắp mà hầu hết các CLB đều làm như vậy. Đó là một quy trình chuẩn. Còn vấn đề đào tạo cơ bắp trước thì chỉ có một vài nơi nào đó, mà đó là những nơi không chuyên nghiệp còn các CLB chuyên nghiệp, không riêng gì ở Việt Nam mà trên toàn thế giới không ai dại gì đào tạo theo kiểu phản khoa học như vậy”.
Theo vị Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ SHB Đà Nẵng, tất cả mọi thứ đều phải theo trình tự nhất định. Đầu tiên là tuyển chọn các em từ nhỏ. Lúc đó, tuyển chọn dựa vào năng khiếu bóng đá, tư duy rồi sau đó đưa về đào tạo kỹ chiến thuật, các kiến thức trong bóng đá. Khi các em tầm 16 tuổi thì mới cho làm quen về việc tăng cơ bắp, sức mạnh. Cũng từ quy trình đó, không chỉ HAGL mà các trung tâm khác như Hà Nội T&T, PVF, Viettel… đều cũng thành công.
Nếu chú trọng đào tạo cơ bắp, thể lực ngay từ đầu thì sẽ đi ngược với quy trình, phản khoa học. Chẳng hạn chúng ta lấy giống lúa, mà hạt giống tốt thì đưa ra chất lượng tốt, còn hạt giống không tốt thì sản phẩm ra không đồng đều.
Cũng với quy trình trên mà theo ông Hùng, nếu chú trọng vấn đề thể lực, cơ bắp đầu tiên thì sẽ dẫn đến hệ quả có thể nhìn thấy được. “Họ sẽ không đá tốt bằng những cầu thủ được đào tạo cơ bản và bị xơ cứng. Bản thân cầu thủ đó đi thi thể hình chứ không phải trở thành cầu thủ bóng đá.
Nếu lấy thể hình từ đầu thì vô kể, thậm chí có một loạt cầu thủ cao trên 180m khi còn nhỏ. Không có năng khiếu thì rất khó để đào tạo thành cầu thủ tốt được. Các CLB trên thế giới cũng như vậy. Họ đi tìm những cầu thủ nhí 6, 7 tuổi để về đào tạo chứ không đời nào lấy người theo thể hình”, ông Hùng cho biết.
Vấn đề của Học viện HAGL Arsenal JMG ở các khóa đầu là thể hình còn hạn chế. Ông Hùng cho rằng, đó là quy trình đào tạo của Học viện Arsenal JMG trên toàn cầu. Họ chỉ chú trọng đến tư duy, năng khiếu và các kỹ năng. Barcelona cũng thế. Ở Đông Nam Á cầu thủ to cao không thiếu gì song như mọi người đều thấy, những cầu thủ nổi bật ở khu vực đều nhỏ con. Đó là Kiatisuk hay Công Phượng, Xuân Trường, Chan Vathanaka… “Mấu chốt vẫn nằm ở khâu tuyển chọn ngay từ đầu rồi mới chú trọng đến các vấn đề về kỹ chiến thuật, tư duy. Khi một cầu thủ hoàn thiện các khâu này rồi thì thể lực, cơ bắp mới được tính đến”, ông Hùng cho hay.
Nam Giao
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất