Chữ và nghĩa: Đêm trừ tịch và "độ dư cần thiết"

22/01/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Tết Ất Tỵ đã đến gần lắm rồi. Chúng ta chuẩn bị đón giao thừa vào đêm cuối cùng trong năm: Đêm trừ tịch.

Đó là đêm 30 tháng Chạp Âm lịch. Trừ tịch (trừ 除: bỏ, qua đi) nghĩa là "đêm đã qua đi". Ngày nào chẳng có một "đêm đã qua đi"? Nhưng chỉ có ngày 30 tháng Chạp mới có một đêm gọi là "trừ tịch".

Ngày 30 Tết có thể đúng là ngày thứ 30 của tháng (nếu tháng đủ) và cũng có thể là ngày 29 (nếu tháng thiếu, như năm nay - Giáp Thìn). Đêm 30 Tết là đêm đặc biệt nhất trong năm. Cũng bởi đêm này (còn gọi là đêm Giao thừa) chứng kiến sự chuyển giao năm cũ (Âm lịch) qua đi và năm mới đến. Thời khắc thiêng liêng ấy được một vị thần, thay mặt Ngọc Hoàng coi việc nhân gian (gọi là ông Hành Khiển) chứng giám. Vào lúc chuyển giao trời đất giữa năm cũ và năm mới, người dân thường chuẩn bị một mâm cỗ cúng Giao thừa, được bày biện ngoài trời (để ông Hành Khiển "tranh thủ" đi qua mà chứng kiến).

Chữ và nghĩa: Đêm trừ tịch và "độ dư cần thiết" - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Tuy nhiên, xét về mặt ngôn từ, gọi là đêm trừ tịch là ta đã nói thừa chữ "đêm" bởi tịch (夕) tiếng Hán có nghĩa là "đêm". Ta sẽ bàn thêm về tổ hợp định danh khá đặc biệt này nằm trong một nhóm từ cũng khá đặc biệt trong tiếng Việt.

***

Bình thường, từ tiếng Việt được phân thành 2 loại: Từ thuần Việt và từ ngoại lai. Trong số những từ ngoại lai thì từ Hán Việt đang chiếm một tỷ lệ lớn nhất (thống kê mới nhất là khoảng trên 35%), còn lại là các từ gốc Âu - Mĩ (có xuất xứ từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga…). Từ Hán Việt (từ Việt gốc Hán) có lịch sử hình thành và phát triển từ xa xưa. Giống như các từ ngoại lai "nhập tịch" khác, từ Hán Việt có vỏ ngữ âm, dạng văn tự (viết theo Quốc ngữ) riêng. Muốn truy xuất xứ, ta phải "tra ngược" về chữ Hán, phiên cách đọc Hán Việt để hiểu nghĩa.

Tuy nhiên, có một số từ lại có cấu trúc đặc biệt. Đó là những kết hợp định danh giữa 2 thành tố "Việt + Hán Việt". Chẳng hạn: Đêm trừ tịch, ngày sinh nhật, đường quốc lộ, cây cổ thụ, bà quả phụ… Trong các từ này, thành tố đứng trước là từ thuần Việt và có nghĩa trùng với một thành tố Hán Việt: đêm = tịch, ngày = nhật, đường = lộ, cây = thụ, bà = phụ…

Ta thấy, mọi người vẫn nói "đêm trừ tịch", chứ không nói "trừ tịch". Hoặc vẫn dùng "ngày sinh nhật" (song song với cách dùng "sinh nhật") trong giao tiếp, trong thơ ca. Hoặc vẫn dùng "đường quốc lộ". VD: "Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ" (Hoàng Lộc). Hoặc đa số chỉ dùng "cây cổ thụ" thay vì dùng "cổ thụ". Hoặc thường nói "bà quả phụ" chứ ít nói "quả phụ"…

Cách dùng như thế có thể do thói quen (dùng quen rồi khó bỏ), có thể 3 thành tố "tịch" (đêm), "thụ" (cây), "phụ" (bà) ít dùng độc lập, nhưng cũng có thể người ta dùng (thêm một thành tố Việt đi kèm) cho rõ nghĩa, tạo nên sắc thái nghĩa khác hơn.

"Cổ thụ 古樹" đúng là "cây to sống đã lâu năm", "quả phụ 寡婦" đúng là "người đàn bà goá". Nhưng nếu nghe "Trong rừng có nhiều cổ thụ" hay "Mời quả phụ Nguyễn Thị X. lên nói lời cảm ơn" thì ta không chỉ thấy hơi cộc lốc và còn không được lịch sự. Thêm các từ "cây", "bà", "đêm"… vào để thành các từ "cây cổ thụ", "bà quả phụ", "đêm trừ tịch" ta sẽ thấy dễ nghe, dễ hiểu, rõ nghĩa hơn.

Ngay cả khi truy gốc, nhiều người phát hiện ra sự phi lý này, nhưng rồi khi sử dụng (khả năng lựa chọn là 50/50) thì người ta lại nghiêng về cách nói "thừa".

Ngay đối với từ Ấn Âu nhập Việt, có trường hợp người viết vẫn phải thêm yếu tố "dư" cho minh xác hơn. Chẳng hạn, ta vẫn thấy viết: Virus HIV, bệnh AIDS, mặc dù tổ hợp tắt HIV đã bao hàm từ "virus", AIDS cũng bao hàm từ "bệnh".

Thực tế, "cái thừa" và "cái thiếu" trong nói năng giao tiếp nhiều khi không phải vô cớ, mà có cái lý riêng. Người ta gọi đó là "độ dư cần thiết" trong ngôn ngữ.

Ngôn ngữ cần một "độ dư"

Bởi có từ không giống như bình thường.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm