21/05/2025 10:52 GMT+7 | Thể thao
Ngày 6/2/1971 sẽ luôn là một cột mốc phi thường, gây chấn động toàn cầu với một sự kiện xảy ra cách Trái đất hàng trăm nghìn kilomet.
Tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, đội Milwaukee Bucks dưới sự dẫn dắt của Larry Costello đã đánh bại San Francisco Warriors. Trong khi đó, tại sân hockey, Boston Bruins tiếp tục chuỗi tám trận bất bại bằng chiến thắng trước Buffalo Sabres. Cùng lúc, huyền thoại golf Arnold Palmer ghi 68 gậy để dẫn đầu tại giải Hawaiian Open… Tất cả những sự kiện này tự nhiên chỉ thành bình thường vì ở một nơi xa xôi, phi hành gia Alan Shepard đã làm nên lịch sử bằng cách chơi golf trên bề mặt Mặt Trăng.
Sự chuẩn bị bí mật cho khoảnh khắc lịch sử
Apollo 14 là chuyến bay có người thứ 8 và lần cũng là thứ 3 loài người đặt chân lên Mặt Trăng. Hình ảnh mờ nhạt của Shepard được truyền về Trái đất qua sóng truyền hình, khiến khán giả và cả đội ngũ tại trung tâm điều khiển ở Houston không khỏi kinh ngạc. Đây là một phần của chương trình Apollo, một kỳ tích khoa học và kỹ thuật vĩ đại của nhân loại, được thực hiện trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô (cũ) cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua không gian. Apollo 14, khởi hành ngày 31/1/1971, không chỉ mang lại những khám phá khoa học mà còn để lại dấu ấn độc đáo nhờ hành động bất ngờ của Shepard.
Là một người yêu thích golf, Shepard đã âm thầm chuẩn bị cho sở thích cá nhân này từ trước. Ông tìm đến Jack Harden, một HLV kỳ cựu tại CLB River Oaks ở Texas, để yêu cầu chế tạo một cây gậy đặc biệt. Kết quả là đầu gậy Wilson Staff Dyna-Power 6-iron, được giấu khéo léo trong bộ đồ du hành vũ trụ cùng vài quả bóng nhét trong một chiếc tất. Điều này hoàn toàn không có trong danh mục trang bị của NASA.
Chương trình Apollo, với chi phí khổng lồ gần 25 tỷ USD – tương đương 246 tỷ USD theo giá trị vào năm 2019 theo phân tích của The Planetary Society – là biểu tượng của sự đầu tư táo bạo. Mỗi phút trên Mặt Trăng được tính bằng hàng triệu USD, nên mọi hoạt động, từ thí nghiệm khoa học đến lịch trình đi bộ, đều được lập kế hoạch cẩn thận để đảm bảo hiệu quả tối đa.
Chỉ có Giám đốc sứ mệnh Bob Gilruth được cho là biết về ý định kỳ lạ này. Shepard phải thuyết phục Gilruth với lời hứa rằng anh sẽ chỉ chơi golf vào cuối các hoạt động ngoài tàu (EVA) và chỉ khi còn thời gian dư dả. Sau 9 giờ khám phá bề mặt Mặt Trăng và thực hiện nhiều thí nghiệm quan trọng, khi trở về tàu, Shepard nhận thấy cơ hội đã đến. Anh gắn đầu gậy đặc biệt vào một dụng cụ dùng để xúc mẫu đá Mặt Trăng, sẵn sàng thử sức với một "bẫy cát" khổng lồ – một thử thách độc nhất vô nhị trong vũ trụ – bằng một tay.
"Houston… các anh có thể nhận ra thứ tôi cầm là tay cầm của dụng cụ lấy mẫu dự phòng. Nó tình cờ có một cây gậy 6-iron chính hiệu ở dưới" Shepard nói trực tiếp vào camera, giọng điệu pha chút tự hào. "Tay trái tôi có một viên trắng nhỏ quen thuộc với hàng triệu người Mỹ… Đáng tiếc là bộ đồ quá cứng, tôi không thể dùng hai tay, nhưng tôi sẽ thử một cú đánh bẫy cát nhé". Hai cú đánh đầu tiên thất bại, quả bóng đầu lệch vào một miệng hố gần đó, khiến Fred Haise – người liên lạc từ Houston – không nhịn được cười và trêu: "Nhìn giống cú slice đấy". Tuy nhiên, với tinh thần không bỏ cuộc, Shepard vẫn còn một quả bóng để thử lại.
Cú đánh trên Mặt Trăng của Shepard được dựng lại qua các hình ảnh
Cú đánh thứ hai tạo nên đám bụi Mặt Trăng bay lên, bóng bay xa hơn với lực tiếp xúc tốt. "Hàng dặm, hàng dặm, hàng dặm!" Shepard reo lên đầy phấn khích khi bóng biến mất trong bóng tối không gian. Do không có công nghệ theo dõi cú đánh, Shepard trở về Trái đất mà không biết chính xác quả bóng thứ hai rơi ở đâu. Nó là một bí ẩn để lại cho hậu thế.
Giải mã cú đánh lịch sử
3 năm sau, vào năm 1974, tại Tây Bắc nước Anh, Andy Saunders ra đời. Sau khi tốt nghiệp Đại học Loughborough, anh theo đuổi sự nghiệp cải tạo bất động sản nhưng vẫn ấp ủ đam mê nhiếp ảnh. Gần 50 năm sau, Saunders trở thành người giải mã cú đánh huyền thoại của Shepard. Anh chứng minh quả bóng thứ hai chỉ bay 36,6m – tương đương hai đường bowling 10 pin – thông qua công nghệ hiện đại.
Saunders không có ý làm lu mờ thành tích của Shepard. Động lực ban đầu của anh xuất phát từ sự tiếc nuối khi biết không có ảnh rõ nét về Neil Armstrong trên Mặt Trăng. Trong sứ mệnh Apollo 11, Armstrong là người thực hiện bước đi lịch sử, nhưng cũng là người cầm máy ảnh, khiến hầu hết ảnh biểu tượng đều là của Buzz Aldrin. "Nếu nghĩ theo cách hiện nay, thật khó tin: người đầu tiên lên hành tinh khác mà chỉ mang một máy ảnh", Saunders chia sẻ với CNN. "Họ không chụp selfie như chúng ta bây giờ."
Sử dụng kỹ thuật "stacking" – tách khung hình, xếp chồng và hợp nhất để tăng chi tiết – Saunders tạo ra bức ảnh rõ nhất của Armstrong trên Mặt Trăng. Khi công bố vào dịp kỷ niệm 50 năm Apollo 11 tháng 7/2019, bức ảnh gây tiếng vang toàn cầu. NASA sau đó mở kho phim Apollo – lưu trữ lạnh tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston – và Saunders áp dụng kỹ thuật trên 35.000 ảnh tĩnh cùng hơn 10 giờ phim.
Trong 2 năm, anh tạm gác nghề bất động sản, dành hơn 10.000 giờ phục chế từng khung hình, cho ra đời cuốn sách "Apollo Remastered" với 400 ảnh đẹp nhất, hé lộ chương trình không gian với độ rõ nét chưa từng thấy. Bìa sách là ảnh phi hành gia Apollo 9 Jim McDivitt – từ mờ tối thành chân dung sáng rõ như phim – minh chứng tài năng của Saunders. Phi hành gia Apollo 16 Charlie Duke nhận xét: "Đây là tái hiện chính xác ký ức của tôi, gần nhất với việc ở đó". Saunders hy vọng: "Tôi muốn mọi người cảm thấy như đang bước trên Mặt Trăng."
Khi đến Apollo 14, Saunders quyết tìm quả bóng thứ hai của Shepard. Tách nó khỏi phim gốc mờ nhạt – nơi mọi thứ trông như đá nhỏ – là thách thức lớn, nhưng với kỹ thuật của mình, anh thành công. Xác định khoảng cách khó hơn do thiếu tỷ lệ, Saunders chồng ảnh lên phim từ Lunar Reconnaissance Orbiter – vệ tinh quay quanh Mặt Trăng năm 2009. Không có gió hay xói mòn, cảnh vẫn nguyên vẹn sau 38 năm và kết quả là 36,6m. So với trung bình 291 m của PGA Tour 2022, đây là cú đánh "thảm họa" với golfer thường, nhưng Shepard phải đối mặt bộ đồ cồng kềnh, găng dày, trọng lực 1/6 Trái đất và đặc biệt là phải đánh một tay. "Anh ấy không có vị trí thuận lợi, chỉ thả bóng xuống mặt đất đầy đá và dấu chân như bẫy cát không san lấp. Việc chạm được bóng đã cực kì ấn tượng", Saunders nhận định.
Khát vọng cho tương lai
Saunders tin câu "hàng dặm" là nói đùa, phản ánh bản tính cạnh tranh của Shepard – một phi công chiến đấu. Shepard, qua đời năm 1998 ở tuổi 74, từng giảm ước tính xuống 183 m. Tuy nhiên, tính toán của Saunders cho thấy nếu Bryson DeChambeau duy trì tốc độ đánh trên Trái Đất ở góc 45 độ trên Mặt Trăng, bóng có thể bay 5,49 km. "Thật ra, đúng là hàng dặm như Shepard nói", anh cười.
Tháng 11/2024, NASA phóng Artemis I, tiến gần hơn đến lần trở lại Mặt Trăng sau bước chân cuối của Gene Cernan năm 1972. Điều này khiến Saunders đùa rằng anh có thể thành triệu phú, khi ESPN 2021 định giá mỗi quả bóng ít nhất 9,5 triệu USD và anh sẽ đòi 10% phí tìm kiếm nếu NASA thu hồi. Tuy nhiên, anh không vội nghỉ hưu, tin rằng địa điểm của Shepard sẽ được bảo tồn. Brian Odom, trưởng sử gia NASA, đồng tình: "Có thể một ngày chúng ta có thuộc địa trên Mặt Trăng. Chúng ta cần coi đây là di tích quốc gia, bảo tồn nguyên vẹn."
Ý nghĩa của cú đánh Shepard không nằm ở khoảng cách hay giá trị tiền mà là sự kết nối con người. Đến Apollo 14, công chúng Mỹ đã quen với không gian, mang thái độ "đã làm rồi". Tin golf trên Mặt Trăng đã làm bùng nổ sự hào hứng. Ông là biểu tượng dân tộc. "Mọi người yêu mến Shepard, muốn thấy mình trong anh ấy," Odom nói. "Anh ấy yêu đời, vừa làm việc vừa vui chơi và điều đó hòa quyện khi anh đánh golf trên Mặt Trăng."
Dù không phải cú đánh xa nhất lịch sử, hành động của Shepard đã mê hoặc trí tưởng tượng suốt nửa thế kỷ. "Chúng ta nói về việc lên Mặt Trăng, hạ cánh, trở về – nhưng một hoạt động vì niềm vui sống khiến mọi người trân trọng," Odom chia sẻ. Saunders đồng tình: "Nhiều người biết ai đó chơi golf trên Mặt Trăng, nhưng ít ai biết là Apollo 14. Những khoảnh khắc con người ấy vang vọng mãi mãi."
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất