(TT&VH) - Ngày 13/10, các thợ mỏ đầu tiên trong số 33 con người bị kẹt lại dưới lòng mỏ đồng và vàng San Jose ở Chile đã lên mặt đất, qua đó đánh dấu thành công bước đầu của một trong những hoạt động giải cứu người bị nạn nhận được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận.
Chiến dịch “giải cứu” bắt đầu trong đêm qua theo giờ Chile, khi khoang cứu hộ Fenix 2 di chuyển tới nơi những người thợ mỏ Chile bị mắc kẹt và đưa họ lên mặt đất. Tới lúc người thợ đầu tiên, anh Florencio Avalos, ôm chầm lấy những người trên mặt đất, các thợ mỏ đã có 69 ngày bị mắc kẹt dưới lòng đất. Thoát khỏi “địa ngục”Tới 21h đêm qua, đã có 10 thợ mỏ được giải cứu, trung bình mỗi giờ đồng hồ lại có thêm một người được cứu thoát. Mỗi người trong số họ đã có những phản ứng khác nhau. Người thợ đầu tiên được đưa lên, anh Florencio Avalos, đã tươi cười rạng rỡ và ôm lấy mọi người đứng xung quanh, lúc bước đi trở lại trên mặt đất. Tiếp đó, anh dành một ít thời gian để ôm lấy những người thân trong gia đình, đang òa khóc vì xúc động, trước khi được đưa đi kiểm tra y tế trong tiếng hò reo của những người chứng kiến.
Nỗi vui mừng của Mario Sepulveda, người thợ mỏ thứ hai được giải cứu
Ngay khi bước ra khỏi Fenix, người thợ mỏ thứ hai Mario Sepulveda, đã thò tay vào một cái túi lớn màu vàng và đưa những viên đá lấy từ dưới hầm mỏ làm quà tặng cho các quan chức và nhân viên cứu hộ. Sepulveda thậm chí còn pha trò với những người cứu hộ và bắt nhịp để đám đông tung hô Chile. Khi người đàn ông 40 tuổi này được đưa đi kiểm tra y tế, ông còn quay sang trêu vợ: “Con chó ở nhà sao rồi em?”.
Juan Illanes, một kỹ sư điện, là người thứ ba được giải cứu. Illanes không nói gì nhiều, chỉ mỉm cười và ôm lấy những người giải cứu. Ông đeo kính để bảo vệ đôi mắt khỏi ánh sáng bên ngoài. Ông đã thể hiện mình là người lạc quan và dí dỏm qua các lá thư gửi cho vợ. Thợ mỏ thứ tư lên mặt đất, Carlos Mamani, là người Bolivia. Anh đã được chào đón bằng một rừng cờ của cả 2 nước. Mamani đã quỳ trên mặt đất và chỉ vào một hình ảnh thể hiện lá cờ Chile trên chiếc áo của anh trong tiếng hò reo của đám đông. Anh cũng đã ôm lấy Tổng thống Chile Sebastian Pinera trước lúc đi kiểm tra y tế. Người thợ mỏ thứ năm được giải cứu, Jimmy Sanchez, 19 tuổi, cũng là thành viên trẻ nhất trong nhóm thợ. Anh tâm sự rằng bản thân không thích các không gian chật chội và đang rất nhớ những bữa ăn của mẹ. Người thợ mỏ thứ sáu Osman Araya ngã vào vòng tay của vợ và hôn lấy hôn để cô. Anh cũng giơ nắm đấm lên không khí biểu lộ sự lạc quan vui vẻ khi được đưa đi. Người thợ thứ bảy Jose Ojeda đã mang theo một lá cờ Chile lớn và phất nó trước đám đông. Ojeda nằm trong nhóm các thợ mỏ yếu nhất, bản thân anh đang bị bệnh tiểu đường hành hạ. Claudio Yanez là thợ mỏ thứ tám được cứu thoát. Anh đã lao về phía vị hôn thê của mình và ôm lấy cô, khiến cô rơi cả mũ. Mario Nicolus Gomez Heredia, người thợ mỏ cao tuổi nhất (63), kiêm thủ lĩnh tinh thần của cả nhóm, là thợ mỏ thứ chín bước ra khỏi thiết bị cứu hộ, giang rộng hai tay và giơ ngón cái lên với những người cứu hộ. Ông cũng ôm hôn vợ nồng nhiệt. Thợ mỏ thứ mười được cứu là Alex Vega, 31 tuổi. Anh đã ôm hôn bạn gái ngay khi lên mặt đất.
Florencio Avalos, người thợ mỏ đầu tiên được đưa lên bờ,
ôm chầm lấy Tổng thống Sebastian Pinera vì vui sướng
Những tiến bộ về an toàn trong ngành khai mỏ
Theo giới phân tích, cuộc giải cứu thần kỳ ở Chile, vốn dự kiến phải tới tháng 12 này mới có thể xong, đã cho thấy những tiến bộ lớn về công tác an toàn trong ngành khai mỏ. Họ chỉ ra rằng dù độc hại hơn nhiều nghề khác, sự an toàn trong nghề khai mỏ đã tăng lên đáng kể. Người ta cũng tin rằng ngoài một số điểm nóng như ở Trung Quốc, ngày nay, các công nhân trong ngành khai mỏ dễ mất mạng bởi tai nạn giao thông hơn nhiều so với khi họ làm nghề. “Trong quá khứ, suy nghĩ bạn có thể mất mạng là chuyện bình thường” - Michael Nelson, một giáo sư chuyên ngành khai mỏ ở Đại học Utah, Mỹ, nhận xét - “50 năm trước, một thợ mỏ thiệt mạng và người ta sẽ nói rằng ‘sinh nghề tử nghiệp’. Công ty khai mỏ sẽ gửi một tấm chi phiếu bồi thường tới cho bà quả phụ và chuyện chấm hết”. Nhưng Nelson cho rằng trong vòng 10 năm trở lại đây, quan điểm trên đã thay đổi và người ta không còn chấp nhận tai nạn trong ngành khai thác mỏ. Các tiêu chuẩn, trang bị an toàn cho thợ mỏ được tăng cao. Cơ hội sống sót theo đó cũng tăng lên. Có thể thấy điều đó qua các thảm họa sập hầm và hoạt động cứu hộ diễn ra ở một mỏ than tại Thiểm Tây, Trung Quốc hồi năm nay, tại một mỏ vàng Philippines hồi năm 2008 và tại mỏ Quecreek của Mỹ hồi năm 2002, trong đó thợ mỏ được cứu sống sau thời gian dài mắc kẹt. Tất cả các vụ đó đã cung cấp kinh nghiệm cứu hộ cho ngành khai mỏ để xử lý vụ tai nạn ở Chile. Được biết trong không khí vui mừng từ những thành công bước đầu của hoạt động giải cứu, một số thân nhân các thợ mỏ đã “nhắc nhở” những người có trách nhiệm cần tránh các vụ tai nạn tương tự. “Hy vọng sẽ không còn ai phải trải qua những chuyện như thế này” - Alonso Contreras, một họ hàng của người thợ mỏ Barrios thổ lộ - “Không bao giờ nữa”. Đó cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia an toàn khai thác mỏ toàn cầu, những người tin rằng vụ tai nạn ở Chile sẽ là bài học giá trị cho khu vực cũng như thế giới.
Tường Linh