Bao giờ thì “Đế chế” Barca diệt vong?

14/03/2013 19:36 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bàn về câu chuyện này vào thời điểm Barcelona vừa chơi một trong những trận đấu hay nhất mùa này của họ (4-0 trước Milan) dường như là điều thật vô duyên. Nhưng có Đế chế nào mà không có ngày lụi tàn?

Barca sẽ là Đế chế bóng đá tồn tại lâu nhất trong lịch sử?

Chúng ta sẽ thử xem các đội bóng vĩ đại trong quá khứ đã từng lùi vào cánh gà lịch sử thế nào, và từ đó, xem Barca tránh các vết xe đổ của lịch sử thế nào.

Quy luật tuổi tác

Một trong số những đội bóng vĩ đại phải lùi vào cánh gà lịch sử vì thiếu sự ứng phó trước quy luật tất yếu này là Real Madrid đã giành 5 Cúp C1 liên tiếp từ 1956-1960. Trận chung kết Cúp C1 năm 1964, họ gặp Inter Milan tại Vienna với một đội hình rất “nhăn nheo”: Ferenc Puskas và Alfredo Di Stefano đều đã 37 tuổi, trong khi Jose Santamaria đã 34, và Francisco Gento 31.

Sandro Mazzola, ngôi sao lớn của Inter thời ấy mới 24 tuổi, đã lập một cú đúp giúp Inter thắng 3-1. Khi đã già, thiên tài cũng phải bó tay. Real Madrid đã thiếu chuẩn bị cho tương lai: Họ không có thế hệ kế cận.

Barca miễn nhiễm: La Masia là một sự đảm bảo. Xavi, năm nay đã 33 tuổi, có thể trông cậy vào Andres Iniesta (28) trong tương lai. Sau họ có thể là Cesc Fabregas (25). Sự đầu tư nghiêm túc vào La Masia trong nhiều năm qua cho thấy Barca được xây dựng dựa trên ý thức kế thừa. Băn khoăn duy nhất là bao giờ tìm được một Messi thứ hai, nhưng nên nhớ, đó là thiên tài trăm năm có một.

Nghi ngờ và mâu thuẫn

Tháng 4/1967, Inter Milan của HLV vĩ đại Helenio Herrera vẫn hơn Juventus 4 điểm và vừa vượt qua Real Madrid ở tứ kết Cúp C1. Nhưng hai trận hòa liên tiếp sau đó, trước CSKA Sofia ở châu Âu và Bologna ở Serie A đã làm mọi thứ đột ngột sụp đổ.

Cả đội bắt đầu nghi ngờ về triết lý phòng thủ của họ, cho rằng đó chỉ là cách thắng dựa trên việc phá lối chơi đối thủ, hơn là tối ưu hóa lối chơi của mình. HLV Herrera bắt đầu được Real Madrid ve vãn. Sandro Mazzola bị cúm. Luis Suarez chấn thương đùi, nghỉ dài hạn. Cả đội chìm trong bầu không khí rất nặng nề.

Inter mệt mỏi ấy thua Celtic 1-2 ở trận chung kết Cúp C1. Một năm sau, HLV Herrera ra đi (sang Roma), và kỷ nguyên thành công của họ khép lại.

Chính Barca thuộc phiên bản “Dream Team 1.0” cũng mắc phải lỗi này. Sau thảm bại 0-4 trước Milan ở chung kết C1 năm 1994, cả đội đã bị sốc nặng, và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. HLV Johan Cruyff hục hặc với Romario. Romario đấu khẩu với người đá cặp Stoichkov. Thủ môn Zubizarreta rời Barca vì không được ký tiếp hợp đồng. Michael Laudrup chuyển sang... Real Madrid. Và giấc mơ đầu tiên ở Camp Nou chấm dứt.

Barca miễn nhiễm: Giáo dục ở La Masia không những dạy các cầu thủ đá bóng, mà còn dạy họ tri thức và sự đoàn kết. Đội hình hiện tại cũng được xây dựng dựa trên sự trọng dụng mạnh mẽ các nhân tố trưởng thành từ La Masia. Barca thậm chí đang “cảnh giác” đến mức cực đoan với các nhân tố “ngoại lai” có thể gây bất ổn (đẩy Ibrahimovic chỉ sau một mùa bóng là ví dụ điển hình).

Tan rã vì sự buông thả

Rinus Michel đã xây dựng một đội Ajax hùng mạnh vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, và tương tự như Tiki-taka của Barca, bóng đá tổng lực của họ là thứ bóng đá đi trước thời đại. Nhưng HLV Stefan Kovacs, người kế thừa di sản ấy từ ông Michel vào năm 1972, đã không duy trì được nó. Ajax vẫn thành công trong hai năm đầu tiên sau khi Kovacs kế nhiệm (đoạt 2 cú đúp VĐQG và Champions League liên tiếp các năm 1972 và 1973), nhưng chỉ thế thôi.

Tiền vệ Gerrie Muehren, một thành viên của đội hình năm ấy, lý giải: “Kovacs là một HLV giỏi, nhưng hiền quá. Rinus Michel chuyên nghiệp hơn, và nghiêm khắc với tất cả mọi người. Trong năm đầu tiên dưới thời Kovacs, chúng tôi thậm chí chơi tốt hơn, vì chúng tôi là những cầu thủ giỏi và được tự do hơn. Nhưng sau đó, kỷ luật đi mất, và mọi chuyện kết thúc”. Ajax trắng tay trong 4 năm tiếp theo, và phải chờ đến năm 1995 mới giành C1/ Champions League thêm một lần nữa.

Barca miễn nhiễm: Kỷ luật của Barca hiện tại không phải là một bàn tay thép có tác dụng trấn áp trong phòng thay đồ để duy trì trật tự, mà hình thành một cách tự nhiên nhờ xây dựng nhận thức cho các cầu thủ trong một quá trình dài. Không dễ để nhổ một cái cây đã bén rễ quá sâu. Barca là một tập thể nhiều ngôi sao, nhưng không có cá nhân mắc “bệnh ngôi sao", kể cả thiên tài Messi.

Vĩ thanh

Không có một tập thể nào từ trước đến nay miễn nhiễm với các sai lầm đã từng chôn vùi nhiều đội bóng vĩ đại trong lịch sử tốt đến thế. Thành công rực rỡ luôn là bắt đầu choquá trình xuống dốc, nhưng với Barca, sự xuống dốc ấy đang được họ kìm hãm tốt nhất có thể. Gốc rễ vững chắc giúp họ vẫn đứng vững, ngay cả khi giông bão đã thổi cho cái cây ngả nghiêng chưa từng thấy trong hai tuần đầy những thử thách lẫn hoài nghi.

Barca không phải là Đế chế bóng đá vĩnh cửu, không thể nằm ngoài quy luật tự sinh tự diệt, nhưng đó chắc chắn sẽ là Đế chế bóng đá lâu nhất trong lịch sử.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Chỉ biến cố lịch sử mới ngăn nổi Barca?

Có không ít những Đế chế đột ngột biến mất không phải vì những quy luật nói trên, mà bởi những biến cố lớn. Đội Torino của Ý vào thập niên 1940, được mệnh danh là “Đại Torino” đã bị hủy diệt vì một thảm họa máy bay gần Turin vào ngày 1/5/1949, thời điểm họ vẫn đang dẫn đầu giải Serie A, còn bốn vòng nữa sẽ kết thúc. 18 cầu thủ đã bỏ mạng trong tai nạn máy bay này.

Ngày 6/2/1985, trên hành trình trở về sau khi cầm hòa 3-3 đội Sao Đỏ Belgrade, chiếc máy bay chở đội Manchester United cũng đã gặp tai nạn., và 7 cầu thủ của thế hệ Vàng này đã tử vong. Phải đến 10 năm sau, Sir Matt Busby, người may mắn sống sót sau thảm họa này, mới đưa M.U trở lại đỉnh cao châu Âu, sau khi đánh bại Benfica ở trận chung kết C1 năm 1968.

Liverpool của cuối thập niên 1990 thì chìm vào bóng tối sau thảm họa Heysel năm 1985, dẫn đến việc bóng đá Anh bị cấm thi đấu ở châu Âu trong vòng 5 năm và tụt hậu hẳn so với mặt bằng chung của bóng đá cựu lục địa.

Bây giờ, chúng ta mong rằng không có những biến cố đau đớn tương tự xuất hiện, cho đội bóng xứng đáng là kim chỉ nam của thế giới nhất vào thời điểm này, Barcelona.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm