25/03/2012 18:55 GMT+7 | Tennis
(TT&VH Cuối tuần)- Khi tỷ phú giàu thứ ba của Mỹ Larry Ellison ký vào tấm séc trị giá 1 triệu USD trao cho Federer, nhà vô địch Indian Wells vừa kết thúc ở California (Mỹ) cuối tuần qua, và cũng là tay vợt giàu nhất thế giới, làng banh nỉ xôn xao bàn chuyện chuyện 99% tay vợt nghèo và 1% kẻ giàu.
Với khối tài sản hơn 39 tỉ USD, Larry Ellison, ông chủ của hãng Oracle, chỉ đứng sau Bill Gates và Warren Buffet về độ giàu ở Mỹ, và đứng thứ sáu thế giới theo công bố của bố của Forbes 2011, bỏ thêm gần 400 ngàn cho đủ 1 triệu USD thưởng cho nhà vô địch giải đấu ông mới mua lại, là chuyện khá nhỏ.
Việc làm của Ellison nằm trong xu thế giải đấu nào cũng tăng tiền thưởng để tăng sự hấp dẫn cả về mặt thể thao lẫn thương mại. Ngoại trừ hai ngày thi đấu cuối giải có gió lớn mưa to, Indian Wells vừa mới kết thúc đã cực kỳ thành công. Nó trở thành sự kiện tennis lớn thứ năm thế giới khi có 370 ngàn lượt khán giả tới xem, và chuẩn bị vượt Wimbledon và Roland Garros.
Song, vấn đề là Larry Ellison lại quên tăng những mức thưởng thấp, dành cho những tay vợt không lọt sâu. Nếu như mức thưởng cho nhà vô địch tăng từ hơn 600 ngàn USD năm 2011 lên 1 triệu USD (64%) thì tiền cho tay vợt thua vòng đầu chỉ tăng 8%, từ 7.115 lên 7.709 USD.
Và một điều khá quan trọng: Nếu như với 1 triệu USD của Federer (tổng thưởng gần 70 triệu USD), anh có thể mua được hơn chục chiếc BMW X6 (giá ở Mỹ là khoảng 90 ngàn USD/xe), thì gần 8 ngàn USD chỉ đủ cho một tay vợt trang trải chi phí cơ bản như mua vé máy bay khứ hồi, thuê khách sạn và ăn uống trong quãng thời gian tham dự giải cho anh ta cùng HLV của mình.
Những khoản tiền thưởng khổng lồ thường rơi vào tay một nhóm ít các tay vợt, trong đó có Roger Federer - nhà vô địch Indian Wells 2012- Ảnh Getty
Sự phân hóa giàu nghèo
Nghiên cứu và thống kê mới đây của tờ USA Today cho thấy, sự phân hóa giàu nghèo trong tennis ngày càng trở nên rõ rệt hơn qua từng năm tháng, tương tự như vấn đề của xã hội Mỹ khi phần lớn tài sản thuộc về số người giàu chỉ chiếm 1% dân số và là nguyên nhân bùng phát cuộc biểu tình “Chiếm phố Wall” đã kéo dài 6 tháng qua. Bộ ba Djokovic, Nadal và Federer trong 5 năm qua, đã luôn bỏ túi khoảng 1/4 tổng số tiền thưởng tennis của các giải chuyên nghiệp nam. Tức là khi nhìn vào bảng xếp hạng 1000 tay vợt chuyên nghiệp nam, 25% của cải (nếu có thể gọi như vậy) thuộc về 0,3%, và 99,7% các tay vợt còn lại chỉ nắm giữ 75%. Nhưng chưa hết, trong số 99,7% lại có những cỗ máy kiếm tiền cũng rất hiệu suất như Murray, Del Potro, Berdych, Ferrer... Thành thử những tay vợt chưa từng lọt vào top 50 hầu hết vẫn chưa vươn tới mục tiêu kiếm được 1 triệu USD tiền thưởng sau 5-7 năm đánh giải.
Mathias Bachinger, 25 tuổi, người Đức, đứng thứ 99 thế giới, sau hơn 6 năm bươn chải các giải mới kiếm được hơn 500 ngàn USD tiền thưởng. Nếu trừ các chi phí (lớn nhất là thuê HLV và đi lại), số tiền tay vợt này kiếm được chỉ nhỉnh hơn mức GDP bình quân đầu người của Đức ghi nhận trong năm 2011 là hơn 37 ngàn USD.
Ryan Sweeting, 25 tuổi, người Mỹ, hạng 86 thế giới (và là người Mỹ có thứ hạng thấp nhất trong top 100) sau 7 năm kiếm được 920 ngàn USD. Nếu khấu trừ các khoản thuế và chi phí, thì Ryan chưa thể nuôi nổi một gia đình theo chuẩn của người Mỹ ước tính phải cần 150 ngàn USD/năm.
Bất công - một kết cục khó tránh
Đó là những điều chưa từng xảy ra ở các giai đoạn trước. Thời của Boris Becker,Stefan Edberg,Ivan Lendl và cách nay hơn chục năm là Pete Sampras, Andre Agassi và Jim Courier, họ chưa bao giờ kiếm được số tiền thưởng lên tới 20% tổng quỹ thưởng.
Và khoảng cách giữa chuyên nghiệp ATP và hệ thống bước đệm lên chuyên Challenger cũng không xa vời vợi như hiện tại: Nếu như tổng tiền thưởng cho cả hệ thống Challenger năm 1990 là 4,9 triệu USD thì năm 2011 chỉ tăng thành 10,2 triệu USD (tăng khoảng 110%), trong khi tiền thưởng năm cho hệ thống ATP tăng 137%, từ gần 34 triệu USD lên hơn 80 triệu USD.
Nếu người biểu tình “Chiếm phố Wall” buộc tội cho sự phân hóa giàu nghèo ở xã hội Mỹ là mặt trái của chủ nghĩa tư bản, sự tham lam của giới chủ và sự đồng lõa của giới chính trị, thì cái có thể là nguyên nhân của sự phân hóa trong tennis là tính thương mại hóa ngày càng rõ nét, sự bàng quan của ATP, và cả sự im lặng của Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp do chính Federer làm Chủ tịch. Ở đây, có thể lấy Golf, môn thể thao còn phổ biến hơn tennis ở Mỹ, làm căn cứ so sánh.
Giải Cadillac Championship 2012 - một trong những giải Golf lớn nếu không tính các giải Grand Slam và vô địch thế giới, kết thúc cách đây 2 tuần có hệ thống tiền thưởng như sau: Nhà vô địch nhận 1,4 triệu USD, còn người đứng thứ 72 (cuối cùng) cũng nhận được 37 ngàn USD. Nên biết, chơi Golf ở Mỹ không đắt hơn chơi tennis là bao.
Nhưng cái lý của những người chi tiền như tỷ phú Larry Ellison, hay những tay vợt giàu càng giàu thêm là trong những năm qua, bộ ba Federer, Nadal và Djokovic đã giành 11 trong tổng 12 Grand Slam gần nhất, và 18 trong tổng số 28 giải Masters 1000 - những giải đấu có tiền thưởng lớn nhất. Hoặc, dù có thể nói không thể có 4 Grand Slam và 9 Masters 1000 hàng năm nếu chỉ có chục tay vợt đấu với nhau qua lại, mà thế giới tennis phải là hệ thống với nhiều giải và nhiều vòng đấu, nhưng Nadal, Federer và Djokovic chính những biểu tượng lớn nhất, nhiều sức mạnh nhất để quyến rũ khán giả tới sân, để người xem TV không chuyển kênh và để các doanh nghiệp đổ tiền quảng cáo.
Cuộc tranh cãi (và có thể là cuộc chiến sau này) mới được khơi lên sẽ còn rất nhiều tranh cãi, nhưng tennis sẽ không đổ vỡ, vì dám chắc một điều rằng tất thảy cùng đến với nó, gắn bó và thậm chí đốt tiền đầu tư cũng là bởi đam mê – thứ không thể đo bằng hay quy ra vật chất.
Phạm Tấn (Pv TTXVN tại Washington D.C)
Match Point Federer tiếp tục nối dài mạch chiến thắng khi đăng quang ở Indian Wells sau khi đánh bại Nadal ở bán kết rồi Isner (người thắng Djokovic) ở chung kết. Đây là danh hiệu thứ ba liên tiếp của Federer trong năm 2012, và là lần thứ tư anh lên ngôi ở Indian Wells - kỷ lục. Vika Azarenka cũng bay bổng với chức vô địch của nữ ở Indian Wells, đánh bại Sharapova ở chung kết 6-2 6-3. Đây là danh hiệu thứ tư liên tiếp trong năm nay của Vika, và chuỗi trận thắng - thua của cô là 23-0. Ngay trong tuần này, Vika sẽ bắt đầu bảo vệ ngôi vô địch ở Miami. Còn nhà đương kim vô địch của nam là Djokovic. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất