Chào tuần mới: "Thuốc mới" cho năm mới!

06/01/2025 06:49 GMT+7 | Văn hoá

"Cảnh tượng lạ","giao thông khác lạ", "sáng nay ra đường thấy lạ quá"... Trong tuần qua, chúng ta có thể đọc được hàng chục nhận xét với thán từ "lạ" ấy - cả trên mặt báo và mạng xã hội - khi nhắc tới giao thông tại các đô thị lớn.

Mà "lạ" cũng đúng. Với những bức ảnh đang được liên tục chia sẻ, cảnh hỗn loạn bát nháo trên đường phố - đặc biệt là tại các ngã tư - hầu như không còn tồn tại. Ở đó, chúng ta được chứng kiến những hàng dài xe máy, ô tô đều tăm tắp xếp hàng trước vạch bộ hành theo tín hiệu đèn đường.

Theo cách nhìn của nhiều người, những thay đổi tích cực đang diễn ra được gắn với Nghị định 168/2024/NĐ-CP (áp dụng trên toàn quốc từ 1/1 năm nay). Vắn tắt, điểm nổi bật ở nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ này là việc tăng mạnh mức xử phạt với các lỗi vi phạm.

Chẳng hạn, người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (quy định cũ phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng).

Chào tuần mới: "Thuốc mới" cho năm mới! - Ảnh 1.

Người dân Thủ đô nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, dừng đèn đỏ khi đi ăn mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng).

Đặc biệt, lỗi mở cửa xe hoặc để cửa xe mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông bị phạt từ 20 - 22 triệu đồng (quy định cũ là 400 - 600 ngàn đồng).

Thực tế, theo thống kê sơ bộ, trong 3 ngày đầu triển khai nghị định này, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 37.600 trường hợp vi phạm, tước hơn 5.800 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 200 ô tô và hơn 11.000 xe máy. Như cách nói nôm na của chúng ta, đó là bài học cho những ai còn nghi ngờ tính thực tế của việc áp dụng nghị định này…

***

Chúng ta cần đồng ý với nhau: căn cốt của việc vận hành giao thông là ý thức tự giác và tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi cá nhân. Và ở một quốc gia đang phát triển, khi hệ thống hạ tầng hoặc giao thông chưa thể hoàn hảo được như ý muốn, rõ ràng ý thức - thậm chí là văn hóa tham gia giao thông, như cách chúng ta đề cao tầm quan trọng của nó - là nhân tố có thể nâng cao trước nhất để đảm bảo lợi ích của xã hội, cũng như mỗi người trong cộng đồng.

Đặt trong bối cảnh ấy, ở một chừng mực, mức xử phạt tăng cao là hình thức tác động nhanh nhất và trực tiếp nhất vào ý thức cá nhân. Theo góc nhìn đó, sự thay đổi này vừa có tính thực tế khi "chạm vào" túi tiền của mỗi người, vừa mang theo những thông điệp về việc thực thi pháp luật nghiêm minh, kèm theo chế tài đủ tính răn đe với các vi phạm.

Có lo lắng trước con số tiền triệu từ các mức phạt, thì hãy nhìn câu chuyện một cách đơn giản: Những gì đang diễn ra là cơ hội để cộng đồng hoàn thiện ý thức của mình khi tham gia giao thông. Mức phạt ấy dường như sẽ không ảnh hưởng gì tới chúng ta, nếu mỗi người đều nhất nhất tuân thủ các quy định cần thiết khi di chuyển trên đường.

Thẳng thắn, khó cơ quan chức năng nào có thể giám sát một cá nhân 24/24 giờ trong việc tham gia giao thông. Nhưng ở hướng ngược lại, câu chuyện không chỉ là ý thức thượng tôn pháp luật, mà còn gắn với tính mạng và hạnh phúc của mỗi chúng ta, cũng như những người thân trong gia đình.

Giống như một thực tế: "Chuyện lạ" trên đường phố mấy ngày qua xét cho cùng lại là điều không lạ. Ở một xã hội đang phát triển, theo thời gian, chúng ta cũng tới lúc phải làm được cái điều tưởng như đương nhiên: Khi có đèn đỏ, dừng lại đúng vị trí trước vạch dừng xe!

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm