Chào tuần mới: 'Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa'

24/01/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bước vào tuần lễ cuối cùng của năm Âm lịch Tân Sửu, việc mọi người quan tâm nhất chính là nghi lễ cúng ông Công, ông Táo và sắm Tết.

Góc nhìn 365: 'Cột mốc' Tết ông Táo

Góc nhìn 365: 'Cột mốc' Tết ông Táo

Chúng ta đang dần nhích tới ngày ông Táo lên trời trong năm Tân Sửu 2021. Ngay từ thời điểm này, mạng xã hội đã tràn ngập các hình ảnh của những món đồ như cá chép, vàng mã, hương hoa... cộng cùng các hướng dẫn về văn khấn hay cách bày mâm cúng.

Với người dân Việt Nam, bếp lửa là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc, nhất là ở các làng quê. Ngọn lửa được thắp sáng trong mái ấm báo hiệu hạnh phúc, ấm no. Vào những dịp cận kề Tết như thế này, nỗi nhớ mong của những người con xa xứ thường là chỉ mong ngày có thể trở về bên gia đình, quây quần bên bếp lửa hồng đỏ rực, trông nồi bánh chưng chờ đón Giao thừa…

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, khi 14 ngày giãn cách xã hội đầu tiên được thực hiện trên toàn quốc vào tháng 4/2020, bữa cơm gia đình bỗng thành chủ đề hấp dẫn. Trước đó, ở nhiều gia đình “hạt nhân”, chỉ bữa cơm tối mới có đủ mặt các thành viên. Còn các bữa sáng và trưa thì có nhiều lựa chọn khác thay thế. Giới công chức thì gọi cơm văn phòng, hoặc ra quán bình dân, hay là vào nhà hàng với đối tác... Trẻ đi học thì ăn bán trú, cánh lao động bình dân thì quán cơm vỉa hè...

Chú thích ảnh
Ông Công, ông Táo lên chầu trời

Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi tất cả, nhất là trong “năm Covid thứ 2”, khi biến thể Delta hoành hành, việc mọi người phải “ai ở đâu ở yên đó” khiến cho các loại hình dịch vụ ăn uống trong nhiều khoảng thời gian buộc phải đóng cửa hoặc chỉ bán mang về, vì vậy chuyện ăn uống hàng ngày hầu hết phải tự làm tại nhà. Lúc này, không gian bếp lại là nơi sum họp.

Cái được thì ai cũng nhìn thấy, đó chính là việc mọi người trong gia đình được đoàn tụ, ăn uống đảm bảo vệ sinh, chưa kể nhiều người còn học thêm được cách chế biến nhiều món ăn mới, ngon và lạ phục vụ gia đình mình. Rất nhiều đàn ông dịp này cũng có cơ hội thể hiện sự khéo tay, sự quan tâm chia sẻ tới người thân của mình. Nhiều bạn trẻ cũng vì dịch bệnh kéo dài đã buộc phải thích nghi, phải tự nấu ăn tại nhà, cũng khám phá được khả năng bếp núc của mình.

Đối với người nghèo, thật may mắn là vẫn còn rất nhiều những “gian hàng 0 đồng”, những bữa cơm thiện nguyện... Đấy có thể coi là sự “chia lửa”, cùng nhau giữ ấm các “tế bào xã hội” trong gian khó. Đến bữa nhà nhà vẫn được nổi lửa nấu cơm, mà cơm có thịt.

***

Với người Việt, việc cúng ông Táo lên trời là nghi thức được các gia đình, cho dù giàu - nghèo hay là sang - hèn đều tiến hành vào cữ 23 tháng Chạp hàng năm với mong ước về một cuộc sống no đủ, mong muốn bếp lúc nào cũng đỏ lửa, nồng đượm và ấm áp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Tết ông Công ông Táo thể hiện mối quan hệ của con người với dương trần và thiên đàng, với đất mẹ và Thượng đế. Qua đây, ta thấy vai trò gia đình của xã hội truyền thống rất lớn. Thần Bếp - 3 ông đầu rau, biết hết mọi việc trong nhà, kể cả các bí mật, chuyện riêng tư. Mọi việc ta làm, sống thế nào ở trần gian này, Thượng đế sẽ biết hết, bởi ông Công, ông Táo trong nhà ta nắm bắt và báo cáo. Điều này nhắc nhở người ta phải nhớ thuyết/luật nhân - quả, các giá trị đạo lý, ở hiền gặp lành...”.

2 năm đại dịch Covid-19 đã diễn ra, ngoài chuyện gây ra những thiệt hại cả về người và của thì cũng làm thay đổi nhiều về nhận thức và lối sống. Mong rằng các gia đình chúng ta tiến hành lễ tiễn ông Táo lên trời theo điều kiện thực tế của mình. Và từ nghi lễ này chúng ta cũng hiểu thêm rằng, việc giữ cho không gian bếp của mỗi gia đình luôn luôn có lửa cũng là góp phần giữ cho văn hóa dân tộc Việt không bị phai mờ.

Không phải ngẫu nhiên, cách đây mấy chục năm, nhà thơ Bằng Việt đã phải thốt lên rằng: “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm