Manchester United: Sẽ còn thống trị Premier League dài dài?

07/05/2013 07:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chức vô địch Premier League mùa giải 2012-13 đã có chủ. Một lần nữa, Manchester United lại là ông vua của bóng đá Anh, lần thứ 20 trong lịch sử, và là lần thứ 13 trong kỉ nguyên Premier League. Liệu họ sẽ còn thống trị bóng đá Anh đến bao giờ?



M.U sẽ còn thống trị Premier League

Mạnh cả trong lẫn ngoài sân cỏ

Như mọi lần, sẽ có những tranh cãi về việc M.U có xứng đáng vô địch không. Đủ mọi loại lí do: không thuyết phục, may mắn, trọng tài giúp sức, các đối thủ tự bắn vào chân… Nhưng các con số thống kê cho thấy việc Quỷ Đỏ giành chức vô địch là không có gì phải bàn cãi: Họ được nhiều điểm nhất (85, tính đến vòng 35), ghi nhiều bàn nhất (79), hòa và thua ít nhất (bốn). M.U dẫn đầu bảng từ vòng 13, và kể từ đó không bao giờ nhường lại ngôi cho ai nữa. Đội bóng của Sir Alex Ferguson đã đánh bại tất cả các đối thủ lớn: Chelsea, Manchester City, Arsenal và Liverpool.

Khác với mùa giải năm ngoái, khi cuộc đua vô địch căng thẳng đến những vòng cuối cùng, M.U dù thi đấu sa sút kể từ sau trận thua Real Madrid ở Champions League, vẫn biết cách kiếm đủ điểm để đăng quang sớm bốn vòng đấu. Trong lịch sử Premier League kể từ khi giải đấu mang tên gọi hiện tại từ mùa giải 1991-92, trừ Chelsea của Mourinho, không đội nào vô địch được hai mùa liên tiếp. Giai đoạn trắng tay dài nhất của M.U là từ 2004-2006, nhưng họ cũng là đội duy nhất ở Premier League có hai lần vô địch ba mùa liên tiếp. Nhà Vua có thể có lúc sa cơ, nhưng sẽ không dễ dàng nhường ngai cho bất cứ ai.

Không chỉ thi đấu tốt, M.U cũng có khả năng tài chính vững mạnh. Họ liên tục nhận được những khoản tài trợ kỉ lục, như với Nike, Chevrolet, Aon… Không phải ngẫu nhiên mà có tin đồn M.U đang muốn chiêu mộ Radamel Falcao. Khả năng tài chính hoàn toàn cho phép họ thực hiện những vụ chuyển nhượng bom tấn, điều khó có thể xảy ra cách đây ít năm. Đội hình hiện tại của họ cũng đã khá ổn định, và sẽ không cần chi tiêu ào ạt để tăng cường sức mạnh. Nhìn sang các đối thủ trực tiếp, có vẻ M.U đã, đang và hứa hẹn sẽ còn thống trị giải đấu này trong một thời gian dài nữa. Lí do là bởi luật công bằng tài chính, sẽ chính thức có hiệu lực từ mùa giải sang năm.

Thống trị lâu dài nhờ luật công bằng tài chính?

Trước tiên, là Man City. Dù nhận được tiền bạc từ các ông chủ A-rập giàu có, những người đã đổ hơn 1 tỉ bảng kể từ khi mua lại Man City, ngân sách của đội bóng cũng có giới hạn, đặc biệt là ngân sách chuyển nhượng. Đã qua rồi cái thời Man City thích mua ai là có được người đó, bằng cách đổ ra số tiền chuyển nhượng khổng lồ và khoản lương trên trời. Chính việc vung tay quá trán như vậy đã làm hại Man City. Các đối tác hét giá trên trời với các cầu thủ mà Man City quan tâm, và đội chủ sân Etihad vật vã trong việc thanh lí những cầu thủ không cống hiến được nhiều mà vẫn hưởng lương cao. Đó đều là những phi vụ mà Man City lỗ nặng.

Đó cũng là lí do Man City thất bại trong vụ Van Persie. Cựu giám đốc điều hành Brian Marwood quả quyết rằng họ phải bán được người, rồi mới mua. Man City lừng khừng trong việc chiêu mộ tiền đạo người Hà Lan, để rồi M.U nhảy vào cuộc và chiến thắng với mức giá 24 triệu bảng, và lương kỉ lục 250.000 bảng mỗi tuần. Những gì diễn ra sau đó thì chúng ta đều biết, Van Persie liên tục nổ súng, đưa M.U đến chức vô địch. Mùa hè này cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Man City muốn mua Edinson Cavani, thì trước tiên phải bán được Edin Dzeko cái đã.

Chelsea đã lần đầu tiên trong kỉ nguyên Roman Abramovich làm ăn có lãi. Nhưng chỉ… 1,4 triệu bảng, chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà ông chủ người Nga bỏ ra. Abramovich không muốn cứ phải bỏ tiền ra mà không thu lại được gì cả. Đội hình của Chelsea đang phình to quá mức. Mùa giải qua, họ mua tám người, nhưng cũng phải đẩy bớt đi 13 người, và đang cho mượn tới… 31 người trên toàn châu Âu. Chelsea đang tính chiêu mộ Falcao, nhưng trước tiên họ sẽ phải đẩy bớt người đi đã. Hay trong vụ Andre Schuerrle, Chelsea đang tính gán cầu thủ trẻ đang chơi rất lên chân Kevin De Bruyne, người mà họ mới mua từ Club Brugge hè vừa qua.

Arsenal sống khỏe nhờ tình hình tài chính vững mạnh, nhưng họ lại đã trắng tay trong tám năm qua, bởi việc cứ lần lượt bán đi các trụ cột của mình. Liverpool thì giờ đã không ngồi cùng mâm với Man City, M.U hay Chelsea nữa… Khi các đối thủ chính đều gặp những vấn đề khác nhau, M.U hoàn toàn đủ khả năng thống trị Premier League dài dài.

Khoảng trống trên băng ghế huấn luyện

Điều duy nhất có thể ngăn cản họ là chiếc ghế của Sir Alex Ferguson. Ở tuổi 71, chiến lược gia người Scotland vẫn cho thấy mình là một trong những huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới. Hai mươi sáu năm ở M.U, ông đã xây dựng nên biết bao thế hệ chiến thắng, đánh bại mọi đối thủ sừng sỏ như Kenny Dalglish, Arsene Wenger, Jose Mourinho, Carlo Ancelotti và giờ là Roberto Mancini. Khi Sir Alex đến M.U, họ mới có bảy chức vô địch Anh. Giờ đã là 20. Với tài cầm quân và khả năng dùng người của ông, M.U luôn là một ứng viên cho ngôi vô địch giải Ngoại hạng. Nhưng vấn đề là ông sẽ không còn ở sân Old Trafford thêm lâu nữa. Có lẽ chỉ hai năm nữa thôi.

Chính vì ông quá thành công, huấn luyện viên tiếp theo của M.U sẽ phải chịu một sức ép khổng lồ. Dù Sir Alex sẽ đích thân chọn người kế nhiệm mình, việc một nhà cầm quân mới xuất hiện có thể mang đến những xáo trộn nhất định cho đội bóng, vốn đã ổn định trong suốt thời gian Sir Alex ngồi trên băng ghế huấn luyện. Nếu vị huấn luyện viên mới không đáp ứng được kì vọng rất lớn ở Old Trafford, M.U sẽ phải trải qua một giai đoạn giao khó khăn và đầy thách thức. Khi đó, họ hoàn toàn có thể đánh mất vị trí thống trị ở Premier League.

    THANH HOÀI

Những bản hợp đồng bom tấn của M.U

1. Chevrolet – Tài trợ áo đấu Thời hạn hợp đồng: Bảy năm, bắt đầu từ mùa giải 2014-15 Giá trị hợp đồng: 357 triệu bảng (53 triệu bảng/năm)

2. Nike – Tài trợ trang phục Thời hạn hợp đồng: Đang đàm phán, dự kiến 15 năm Giá trị hợp đồng: 1 tỉ bảng (66 triệu bảng/năm)

3. Aon – Mua tên sân tập và xuất hiện trên áo tập Thời hạn hợp đồng: Tám năm, bắt đầu từ mùa giải 2013-14

Giá trị hợp đồng: 180 triệu bảng (22,5 triệu bảng/năm)

So sánh với các đối thủ

Man City: Nike (trang phục, 12 triệu bảng/năm), Etihad (áo đấu, tên sân 40 triệu bảng/năm)

Chelsea: Adidas (trang phục, 20 triệu bảng/năm), Samsung (áo đấu, 18 triệu bảng/năm)

Liverpool: Warrior( trang phục, 25 triệu bảng/năm), Standard Chattered (áo đấu, 20 triệu bảng/năm)

Arsenal: Nike (trang phục, 7,8 triệu bảng/năm), Fly Emirates (áo đấu, tên sân 30 triệu bảng/năm)




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm