Barca của Tito vẫn kém Barca của Pep?

17/12/2012 19:31 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Gần một nửa mùa giải đầu tiên của Tito Vilanova có thể được xem là thành công, từ thành tích thi đấu, những con số thống kê cho tới các kỷ lục. Và khi mà kỳ nghỉ Đông đang tới gần thì đây là lúc để có một đánh giá tổng quát về Barca thời hậu Guardiola.

Barca của Vilanova thiếu tính đột biến so với Barca thời Guardiola.

Sau trận đấu với Atletico Madrid vào rạng sáng nay, Barcelona chỉ còn một trận nữa trong năm 2012, gặp Valladolid ngày 22/12, trước khi bước vào kỳ nghỉ Đông kéo dài 2 tuần. Họ sẽ trở lại vào ngày 6/1 với trận derby Catalunya gặp Espanyol.

Thành tích của Barca trong gần một nửa mùa giải đầu tiên của HLV Tito Vilanova rất ấn tượng. Không tính kết quả trận gặp Atletico, Barca đã giành 43/45 điểm tối đa tại Liga, ghi tới 50 bàn và nếu tiếp tục giữ được hiệu suất làm bàn cũng như “gặt” điểm như hiện tại, Azulgrana sẽ xô đổ kỷ lục về điểm số và số bàn thắng mà Real lập được ở mùa giải trước. Tại các mặt trận cúp, phong độ của “Tito Team” cũng rất tuyệt vời. Lionel Messi thì liên tục nhả đạn và phá vỡ những kỷ lục, khiến thương hiệu Barca thêm lấp lánh. Vilanova vẫn đang sống trong những ngày “trăng mật” cùng Barca.

“Hệ sinh thái Messi”

Tờ El Mundo Deportivo ngày hôm qua đã đăng một bài viết trong đó đề cập tới khái niệm mới “Ecosistema Messi” (Hệ sinh thái Messi). Theo đó, việc chọn lựa cầu thủ ra sân trong mỗi trận đấu ở Barca lúc này giống như xây dựng một hệ sinh thái với trung tâm là Messi và nhiệm vụ là cung cấp bóng cho Messi và khiến anh cảm thấy thoải mái nhất để có thể ghi thật nhiều bàn thắng. Dĩ nhiên, trong một hệ sinh thái luôn tồn tại song song các mối quan hệ tương hỗ và khắc chế nhưng nhiệm vụ của Tito là phải điều tiết chúng để Messi được hưởng lợi tối đa.

Vai trò của HLV người Catalunya lúc này cũng giống như HLV Phil Jackson của Chicago Bulls những năm 1990 khi cố gắng tạo ra những điều kiện tốt nhất cho Michael Jordan ghi điểm. Jordan trở thành VĐV vĩ đại nhất giải NBA, còn Bulls trong 8 năm vô địch tới 6 lần. Hình ảnh những vệ tinh xung quanh Jordan ngày ấy, Scottie Pippen, Toni Kukoc, Horace Grant được tái hiện nguyên mẫu trong Iniesta, Xavi, Pedro…

Dĩ nhiên là để Messi được hưởng lợi thì những người khác phải chấp nhận hi sinh. Mùa giải 2010/11 được xem là đỉnh cao của triều đại Guardiola, Barca chơi thứ bóng đá tuyệt mỹ để vô địch Liga và Champions League. Messi chơi xuất sắc nhưng Pedro và Villa cũng thể hiện vai trò bằng 45 bàn thắng tổng cộng. Riêng tại Liga, Villa ghi 18 bàn và Pedro có 13, tổng cộng đúng bằng Messi. So với 2 năm về trước Messi hiện tại đáng sợ và ổn định hơn nhưng hai cái tên kia lại đi tụt lùi, Pedro mới ghi 2 bàn trong 22 trận, trong khi Villa có 8 pha lập công. Ngoài việc Pedro xuống phong độ còn Villa chấn thương thì một nguyên nhân khiến họ không thể ghi bàn là bởi họ vào sân với ý nghĩ thường trực là chuyền bóng cho Messi. Alexis Sanchez, Tello mỗi lần được sử dụng cũng phải liên tục chạy chỗ thu hút hậu vệ để tạo khoảng trống cho Messi.

Tại sao các tiền đạo lại tình nguyện hi sinh vì Messi? Người ta đồn đại rằng Messi từng gửi một thông điệp đến Guardiola: “Hoặc tôi, hoặc Ibra”, kết quả sau đó thế nào thì đã rõ. Pedro, Alexis hay Tello có lẽ không muốn bị nhắc tên trong một tối hậu thư tương tự gửi tới Tito. Việc Tito quá tin tưởng vào “La Pulga” (để anh đá chính ở những trận kém quan trọng) cũng thể hiện HLV 44 tuổi mất niềm tin vào những cầu thủ khác.

Tiki-takacũng có thể bị phá

Pep Guardiola là người phát triển Tiki-taka lên tới đỉnh cao nhưng dưới thời Tito, các đối thủ đã bắt đầu tìm ra cách hóa giải nó. Real Betis ở vòng 15 là một ví dụ, đội bóng Andalucia tạo ra sự nhiễu loạn ở giữa sân, các tiền vệ Benat và Canas liên tục bám đuổi, dồn ép Xavi, Iniesta mỗi khi 2 đối tác của Messi có bóng. Thậm chí có thời điểm Betis còn chơi pressing toàn sân để bẻ gãy các đợt tấn công ngay trên phần sân đối phương. Phải rất vất vả Barca mới giành chiến thắng, và lại là một cú đúp của Messi. Chiến thuật ấy chắc chắn đã và sẽ được các đội bóng áp dụng khi đối đầu Azulgrana, họ không dại dột kèm người theo kiểu một đấu một mà chơi phòng ngự khu vực và bịt kín mọi lối vào khung thành. Trước Betis, Celtic cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ ấy để đánh bại “Tito Team” ở Glasgow.

Như vậy, dù thành tích thi đấu của Barca thời Tito Vilanova ấn tượng so với thời Guardiola nhưng lối chơi lại quá phụ thuộc vào một cá nhân, dẫn tới tính đột biến và khả năng gây bất ngờ ít hơn. Ngoài ra, Vilanova sau một nửa mùa giải cũng chưa có một phát hiện mới mẻ nào ngoài một chút ấn tượng ở Jordi Alba và Adriano. Tất cả chỉ dừng lại ở đó.

Hoài Trinh
Thể thao & Văn hóa

85% Tỷ lệ chiến thắng của Tito Vilanova trên cương vị HLV trưởng Barcelona là 85% (thắng 22/26 trận), cao hơn so với Pep Guardiola (72,5%, thắng 179/247 trận).

98 Mùa giải 2010/11, bộ ba tiền đạo Messi, Villa, Pedro từng ghi tới 98 bàn thắng cho Barca, một mình Messi có 53 bàn, hai người kia góp 48 bàn. Mùa giải này, Messi vẫn ổn định với 32 pha lập công nhưng tổng số bàn thắng của Villa và Pedro chỉ là 10 bàn (chưa tính trận gặp Atletico).


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm