Cái nhìn bao dung của thế hệ trẻ Nhật Bản với văn hóa xăm mình

12/11/2022 13:00 GMT+7

Cái nhìn bao dung của thế hệ trẻ Nhật Bản với văn hóa xăm mình

Xăm mình vẫn chưa quá phổ biến ở Nhật, nhưng mọi người đã có một cái nhìn cởi mở hơn về sở thích này.

Văn hóa xăm mình có một lịch sử lâu đời và phức tạp ở Nhật. Thái độ kỳ thị hình xăm, có từ thời Edo, khi hình xăm được dùng để trừng phạt tội phạm. Những kẻ này bị xăm nhiều nét trên trán, mỗi hình xăm lại có một ý nghĩa miệt thị riêng. Cùng thời, những cô gái làm nghề bán hoa cũng xăm mình để tỏ lòng hiếu khách. 

Ở xã hội Nhật Bản hiện đại, hình xăm ngoài chức năng nghệ thuật còn mang dụng ý tâm linh: bảo vệ bản thân khỏi các linh hồn xấu xa hay thiên tai. Những người lính cứu hỏa thường xăm theo chủ đề nước, các họa tiết phổ biến là cá chép, rồng nước và thác nước. 

Văn học Nhật Bản đôi khi xuất hiện Irebokuro - hình xăm mang ý nghĩa cam kết, ràng buộc. Các cặp đôi yêu nhau, người làm nghề mại dâm hay các thầy tư tế có thể dùng hình xăm Irebokuro. Tiểu thuyết gia Junichiro Tanizaki viết rằng du khách đến các khu vui chơi giải trí ở Edo (tên cũ của Tokyo) thích thuê những người đưa kiệu có hình xăm lộng lẫy.

Cái nhìn bao dung của thế hệ trẻ Nhật Bản với văn hóa xăm mình - Ảnh 1.

Trong quá khứ, hình xăm thường được vẽ trên trán tội phạm.

Thế nhưng nghệ thuật xăm mình chưa bao giờ được chấp nhận chính thức ở Nhật Bản. Vào thời Edo, hình xăm là dấu hiệu cho thấy một người đang có mưu đồ lật đổ chính quyền. Khi đất nước mở cửa vào những năm 1860, sau gần 250 năm cô lập, các đạo luật cấm xăm mình đã được thực thi, nhưng không phải lo ngại bất ổn xã hội, mà do sợ rằng người phương Tây sẽ chê tục lệ xăm mình tại đây là man rợ. 

Trớ trêu thay, những người phương Tây này về sau lại trở thành khách quen tại các cửa tiệm xăm mình tại Nhật. Một số khách hàng nổi tiếng có thể kể đến Nữ hoàng Olga của Hy Lạp, Vua George V của Vương quốc Anh. 

Cái nhìn bao dung của thế hệ trẻ Nhật Bản với văn hóa xăm mình - Ảnh 2.

Người phụ nữ với hình xăm phủ kín lưng.

Việc đồng nhất hình xăm với các hành vi vi phạm pháp luật đã bị phản đối và chấm dứt sau Thế chiến thứ hai, nhưng sự kỳ thị vẫn còn đó. Việc này xuất phát từ băng nhóm tội phạm nổi tiếng Yakuza và sự củng cố của truyền thông. Hình xăm xuất hiện dày đặc trong các phim tội phạm thời hậu chiến của xưởng phim Toei và Nikkatsu. Các gã tội phạm, đầu sỏ xuất hiện trong phim với cơ thể phủ đầy những hình xăm nghệ thuật. 

World Cup Rugby 2019 tại Nhật Bản, ban tổ chức khuyến cáo cầu thủ, người hâm mộ che kín hình xăm. Xứ sở hoa anh đào cũng có những quy định khắt khe với khách du lịch, ví dụ người có hình xăm bị cấm bước vào các suối nước nóng hay phòng tắm công cộng. Nhiều công ty tại Nhật cũng không chấp nhận ứng viên có hình xăm.

Từng bước gỡ bỏ khuôn mẫu

Văn hóa xăm hình ở Nhật đang từ từ thay đổi, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi. Năm 2022, có khoảng 1,4 triệu người trưởng thành ở Nhật xăm mình, gần gấp đôi năm 2014. Khoảng 60% người xăm rơi ở độ tuổi 20. Theo tờ New York Times, 60% người ở độ tuổi 20 mong muốn các quy tắc chung liên quan đến hình xăm nên được nới lỏng.

Takafumi Seto, 34 tuổi, một barista sống tại trung tâm Tokyo nhận định: “Tôi nghĩ rằng rào cản về hình xăm đã nhẹ bớt. Trên Instagram, mọi người khoe hình xăm của mình. Chúng ta đang bước vào thế hệ mà hình xăm dần được chấp thuận”.

Cái nhìn bao dung của thế hệ trẻ Nhật Bản với văn hóa xăm mình - Ảnh 3.

Bên trong một tiệm xăm tại Tokyo.

Cái nhìn bao dung của thế hệ trẻ Nhật Bản với văn hóa xăm mình - Ảnh 4.

Ayaka Kizu, một web designer, đang che hình xăm trước khi đi làm.

Ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka, nhiều nhân viên phục vụ ăn uống, nhân viên bán lẻ và người làm ngành thời trang bắt đầu xăm mình nhiều hơn. Hiroki Kakehashi là một thợ xăm ở Nhật gây chú ý vì có khả năng xăm những hình nhỏ như đồng xu nhưng tinh tế. 

Anh cho biết khách hàng của mình đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, thậm chí nhân viên chính phủ, giáo viên trung học, hay y tá cũng từng đến xăm mình, nhưng thường là xăm chỗ kín đáo, dễ che hình xăm. 

Không chỉ hình xăm, Nhật Bản cũng có nhiều quy tắc liên quan đến ngoại hình, trang phục cách ăn mặc, ví dụ các nhân viên lái tàu phải cạo râu cho gọn gàng. Học sinh phải để tóc đen, nếu có tóc nâu bẩm sinh thì cần nhuộm đen. 

Sau nhiều cuộc đấu tranh của sinh viên, công nhân và ban giám hiệu trường học, các chính sách nới lỏng mới được thực thi. Năm 2019, công ty Coca-Cola Nhật Bản thông báo cho phép công nhân mặc quần jean và đi giày thể thao để “khuyến khích bản sắc cá nhân”. 

Năm 2022, Hội đồng Giáo dục của chính quyền Tokyo thông báo 200 trường công lập về việc bỏ bớt nhiều quy định ngoại hình, bao gồm cả yêu cầu buộc học sinh để tóc đen hoặc mặc một số loại đồ lót nhất định.

Khi thợ xăm và người xăm âm thầm đấu tranh

Năm 2020, xăm mình được chấp nhận rộng rãi hơn khi Tòa án tối cao của Nhật cho phép  việc xăm hình có thể được thực hiện bởi những người không phải là chuyên gia y tế. Sự thay đổi này, công lớn là nhờ Taiki Masuda, một thợ xăm 34 tuổi ở Osaka. Năm 2015, anh bị phạt tiền vì vi phạm đạo luật hành nghề y. 

Trước đó, Bộ Y tế nước này chỉ cho phép người làm trong lĩnh vực y tế (và được cấp chứng nhận) xăm hình, tẩy lông bằng laser. Thay vì ngậm ngùi chịu phạt như bao người, Taiki quyết định ra tòa. Vụ kiện này đã tạo bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp xăm mình ở Nhật.

Cái nhìn bao dung của thế hệ trẻ Nhật Bản với văn hóa xăm mình - Ảnh 5.

Vụ kiện của Taiki Masuda tạo bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp xăm mình ở Nhật.

Để khuyến khích chính phủ thực hiện nhiều quy tắc nới lỏng, cũng như giúp người dân có cái nhìn thiện cảm với văn hóa xăm, các tổ chức xăm Nhật Bản tổ chức khóa học trực tuyến về vệ sinh và an toàn. Khoảng 100 nghệ sĩ đã tham gia khóa học. Hiện có 3000 thợ xăm hợp pháp tại Nhật.

Moeko Heshiki, một nghệ sĩ xăm hình trẻ tuổi, đang thực hiện dự án khuyến khích mọi người sử dụng phương pháp “handpoke”. Handpoke liên quan đến việc sử dụng laser để thay thế các phương xăm bằng mực và kim truyền thống. Chất lỏng khi xăm được tạo ra từ hỗn hợp của awamori (một loại rượu địa phương) và mực của con mực. Heshiki tự tin rằng văn hóa này sẽ tiến hóa từ “hổ thẹn” sang “tự hào”. 

Mặc dù các nghệ sĩ xăm mình rất khó có thể nhận được khoản hỗ trợ đủ lớn để phổ biến tác phẩm của mình, nhưng họ đang cất tiếng nói kiêu hãnh và không ngừng tìm kiếm sự tôn trọng. 

Rion Sanada, 19 tuổi, cũng là một trong những người trẻ mới bước chân vào thế giới của hình xăm. Mặc dù sắp bắt đầu tìm công việc toàn thời gian, Sanada không hề lo lắng về khả năng nhận được việc. “Ngày nay, hình xăm phổ biến hơn trước rất nhiều. Tôi sẽ chỉ nhận công việc cho phép tôi mặc những bộ quần áo rộng thùng thình, che được hình xăm”.

Rồi cô liếc nhìn xuống cánh tay của mình, nơi có một chú chuột với đôi cánh nhỏ hình trái tim: “Rồi tôi sẽ làm việc ở đó đến khi xã hội bắt kịp thời đại. Lúc ấy tôi hoàn toàn tự do”. 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm