Cafe đầu tuần: Từ Guardiola đến Amorim, những triết lý vĩnh viễn không thành hình

06/01/2025 14:50 GMT+7 | Bóng đá Anh

Ruben Amorim có lẽ không thể tưởng tượng được rằng thách thức nhắm vào ông lại trở nên phức tạp đến cỡ này: Khi Manchester United thất thủ trước Newcastle tuần trước, đấy là thất bại sân nhà thứ 3 liên tiếp tại Premier League và là trận thua thứ 4 liên tiếp của họ trên mọi đấu trường.

Theo sau trận thua đó là một sự sụp đổ toàn diện về mặt phong cách. Gary Neville dè bỉu đội bóng cũ là "tệ hại đến từng xu". MU thể hiện một lối chơi hoàn toàn không rõ ràng, với sự bạc nhược của các cá nhân lẫn toàn hệ thống. Vị trí thứ 14 trên bảng xếp hạng Premier League hiện tại hoàn toàn xứng đáng với đội áo đỏ.

Nhưng trong phòng họp báo, chúng ta được chứng kiến một màn vệ thành của triết lý: "Tôi không thể thay đổi ý tưởng của mình chỉ trong một ngày vì chúng ta thua nhiều hơn" - Amorim khẳng định quan điểm của mình. "Tôi ở đây vì triết lý của mình và tôi sẽ tiếp tục theo đuổi ý tưởng đó đến cùng. Tôi buộc phải bán được ý tưởng của mình, vì tôi không có ý tưởng nào khác nữa".

Đấy là một khoảnh khắc kỳ lạ nói lên sự thay đổi của bóng đá hiện đại: Giữa cơn khủng hoảng, một HLV đã ngồi thẳng thừng khẳng định sự ưu tiên của ông ta sẽ luôn là triết lý, chứ không phải chuyện thắng thua. Nghe có vẻ vô lý, nhưng sự cực đoan này đã trở thành một xu hướng chủ đạo trên ghế cầm quân trong một thập kỷ qua.

Amorim đã thua đến 6/11 trận đầu tiên dẫn dắt Man United, mà vẫn có cơ hội diễn dịch màn trình diễn tệ hại ấy sang một câu chuyện về trách nhiệm với triết lý bóng đá, thì đó hẳn là câu chuyện của thời đại. Hãy nhìn qua một ví dụ khác: Massimiliano Allegri, cựu HLV của Juventus. Ông này đã từng giành đến 6 chức vô địch Serie A và 2 lần vào chung kết Champions League, nhưng vẫn không phải cái tên hấp dẫn trên thị trường HLV vì một lẽ giản đơn: Ông không có triết lý nổi bật.

Claudio Ranieri, bất chấp việc là một trong những HLV hiếm hoi từng giành chức vô địch Premier League với một đội hạng trung bình khá như Leicester, vẫn chỉ được coi là "gã thợ hàn", tức người ta sẽ tìm đến ông khi cần một giải pháp chữa cháy, hơn là ý định nghiêm túc. Ông cũng không phải là người có triết lý nào nổi bật, hoặc triết lý của ông là luôn luôn hài lòng với những gì đang có, không bao giờ phàn nàn về sự thiếu thốn con người hay cơn bão chấn thương.

Cafe đầu tuần - Từ Guardiola đến Amorim: Những triết lý vĩnh viễn không thành hình - Ảnh 1.

Như Amorim, các HLV bây giờ nói quá nhiều về triết lý

Tháng trước, cũng có một HLV thua trận đã ngồi nói dõng dạc trong phòng họp báo rằng không đời nào ông ta chịu thay đổi: Ange Postecoglou của Tottenham. "Tôi đã rất kiên nhẫn trong 18 tháng qua ngồi ở đây trả lời những câu hỏi giống nhau hết lần này đến lần khác" - Postecoglou trả lời sau trận thua Liverpool 3-6. "Tôi không biết kế hoạch B hay C là gì. Nếu mọi người muốn tôi thay đổi cách tiếp cận, điều đó sẽ không thay đổi. Chúng tôi đang làm điều này là có lý do".

Đấy có lẽ là hệ quả của một thập niên mà những người chiến thắng đều có phong cách hao hao Pep Guardiola, Họ là những nhà hùng biện với bản sắc rõ ràng và sự kiên định trong việc xây dựng một triết lý bóng đá.

Các CLB ủng hộ ý tưởng này: Họ không chỉ muốn những HLV biết cách giải quyết tình huống và xoay xở. Họ muốn những người có tầm nhìn và dám bảo vệ tầm nhìn.

Lý do: Triết lý thực ra có những lợi ích rõ ràng về mặt thực tiễn. Một tầm nhìn nhất quán mang lại cho cầu thủ sự trật tự, sự rõ ràng, sự quen thuộc, đảm bảo rằng mọi người đều biết những gì họ cần làm. Nó cũng giúp đơn giản hóa việc tuyển mộ con người, và cung cấp những thước đo để đánh giá sự tiến bộ.

Quan trọng nhất, nó cũng mang lại cho toàn đội một mục tiêu để phấn đấu. Một thực tế phũ phàng đang ngày càng gia tăng trong bóng đá hiện đại là hầu hết các CLB đều không thắng. Họ chắc chắn không giành được danh hiệu và, thường xuyên hơn chúng ta nghĩ, họ không thắng các trận đấu. Tỷ lệ thắng của Tottenham trong 5 mùa giải qua là 49,7%. Spurs chỉ thắng chưa tới một nửa số trận của họ và, trong khoảng thời gian đó, họ đã là 1 trong 6 đội bóng tốt nhất tại Premier League.

Cố gắng thu hút người hâm mộ lấp đầy sân vận động hoặc đăng ký truyền hình với lời hứa về chiến thắng, do đó, không chỉ là một điều gì đó mơ hồ không trung thực mà còn là một yêu cầu rắc rối. Và lời hứa này chính là các cam kết về triết lý: Chúng tôi chưa thắng chỉ là chưa đến lúc thôi, chứ không phải không có khả năng.

Nhưng trên sân cỏ, sự đào thải diễn ra khốc liệt hơn rất nhiều. Thực tế là thế giới này chỉ có một Pep Guardiola mà thôi, và 99% chỉ là những bản sao của ông, với điệu bộ, ngoại hình, thậm chí quần áo, cách thức hùng biện giống nhau.

Và một triết lý mãi không thành hình.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm