22/10/2021 17:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - ... sẽ như vắng tiền đạo chủ lực vậy! Khán giả và truyền thông chính là bộ đôi tiền đạo trong sơ đồ 4-4-2 chuẩn mực của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Vì thế, việc các trận đấu của đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản và Saudi Arabia diễn ra tại Mỹ Đình vào tháng 11 tới vừa được phép đón khán giả vào sân, giống như đón... tiền đạo chủ lực vậy.
Bóng đá luôn cần khán giả, như ở đây lại là vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19, sự an toàn cho cộng đồng phải được đặt lên cao nhất, dù vẫn biết, đá không khán giả, thì đội tuyển Việt Nam không những đánh mất tất cả những lợi thế sân nhà, mà VFF còn thiệt bao nguồn thu. Ước tính cả chục tỷ đồng.
"So với TP.HCM đã trải qua 5 tháng cao điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Hà Nội lúc này là vùng khá an toàn. Nên nếu khán giả không thể vào sân xem đội tuyển thi đấu, thì thật là thiệt thòi. Thiệt thòi không những cho người hâm mộ, mà còn là cho đội bóng. Tôi nghĩ, HLV Park Hang Seo và các học trò, đang rất cần sự ủng hộ của khán giả nhà", ông Nguyễn Thành Nam - một thầy giáo thể dục mẫn cán tại TP.HCM, chia sẻ.
Không chỉ với bóng đá đỉnh cao, ngay cả mảng thể thao, bóng đá phong trào cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của toàn xã hội. Kể từ ngày 1/10 vừa qua, TP.HCM bắt đầu bước vào giai đoạn "bình thường mới", một số các dịch vụ, sản xuất và các hoạt động thể thao có điều kiện đã dần trở lại mang tới nhiều tín hiệu đáng mừng cho đời sống dân sinh.
Tuy nhiên, giữa tập luyện và thi đấu (chơi giải) là những khái niệm không hề giống nhau, để tạo được "bong bóng Covid" (vùng an toàn cho giải đấu) là chuyện cực khó và thực tế, mùa giải 2021 của bóng đá chuyên nghiệp cũng đã phải xóa bỏ vì không thể làm được điều này.
Vẫn lời ông Nguyễn Thành Nam, thầy giáo cấp 1 trường Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM đã có hơn 10 năm tận tụy vì bóng đá trẻ, việc sân Mỹ Đình được phép đón khán giả vì thế mang ý nghĩa rất lớn.
Bóng đá đỉnh cao "bình thường mới" trở lại, thì đương nhiên bóng đá phủi đến bóng đá trẻ em cũng có cơ hội hồi sinh. Mà bóng đá trẻ, bóng đá học đường, chính là tương lai của nền bóng đá nước nhà.
Trở lại với chiến dịch vòng loại FIFA Word Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam. Đây là một ca quá khó cho nền bóng đá và năng lực chinh phục của đội bóng. Khó quá, không có nghĩa là đầu hàng, mà đòi hỏi phải nỗ lực tối đa.
Thể thao & Văn hóa đã nhận định trước các trận đấu thuộc vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022. Rằng chúng ta sẽ thất bại nhiều hơn. Không còn thói quen chiến thắng hay cố gắng để chiến thắng bằng mọi giá nữa. Bởi đây là các trận đấu tính điểm, khác với knock-out. Tất cả các đối thủ đều mạnh hơn thầy trò HLV Park Hang Seo về mặt năng lực chinh phục.
Vậy nên việc đội tuyển Việt Nam về lại sân nhà, chính là cơ hội để kiếm điểm, tất nhiên, nếu có khán giả ủng hộ nâng cao tinh thần chiến đấu bù đắp cho những nhược điểm chuyên môn, thay vì sân khấu vắng người.
Với các đội bóng mạnh ở bảng B, vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, họ có thể không cần khán giả, bởi họ mạnh hơn. Thực tế, nhiều trận đấu với chúng ta, hoặc trên sân nhà hoặc sân trung lập, cũng không có khán giả. Nhưng đội tuyển Việt Nam thi đấu mà không có khán giả, nó sẽ triệt tiêu phần lớn sức mạnh của đội bóng vốn dựa nhiều vào yếu tố cảm xúc.
"Triệu trái tim lại chung nhịp đập với bóng đá, ủng hộ đội tuyển Việt Nam giành 3 điểm trận tới đây. Lên luôn anh em ơi!", đó là lời kêu gọi của người đứng đầu Hội CĐV Việt Nam, Hoàng Yến trên trang facebook cá nhân của cô. Lời kêu gọi tiếp thêm sức mạnh giúp đoàn quân áo đỏ tiến lên để giành lấy chí ít là những điểm số đầu tiên ở sân chơi lần đầu góp mặt mà mỗi 1 điểm số, đã là 1 thành công.
Và với khoảng 10 nghìn khán giả dự kiến được vào sân theo dõi 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản và Saudi Arabia vào tháng 11 tới đây thực sự là những người may mắn, may mắn khi họ thực sự là những tiền đạo chủ lực trên khán đài.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất