27/05/2025 07:23 GMT+7 | Tin tức 24h
Theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thì điều này là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện, phải được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá.
Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính. Nhà khoa học là nhân tố then chốt. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Như vậy, cả Nghị quyết số 57-NQ/TW lẫn Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị đều thể hiện lối tư duy táo bạo, mang tính đột phá.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân". Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Nếu Nghị quyết số 68-NQ/TW coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia thì Nghị quyết số 57-NQ/TW khẳng định rằng doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo.
Bộ Chính trị đánh giá, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi.
Chính vì vậy, để Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới thì những chủ trương an toàn, ổn định là chưa đủ mà chúng ta cần có quyết sách mang tính chiến lược, cách mạng nhằm tạo đột phá phát triển khoa học-công nghệ. Đó chính là chuyển trọng tâm đổi mối sáng tạo lên vai các doanh nghiệp, không ỉ lại, trông chờ vào Nhà nước.
Không chỉ quan điểm chỉ đạo mà mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng mang tính đột phá. Theo đó, đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức trên 55%; mức xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Mức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%, giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40%...
Giải pháp mới, rất táo bạo để thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng tới đổi mới sáng tạo là đưa ra cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Việt Nam sẽ có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Cơ chế vĩ mô phải đi kèm các chính sách cụ thể. Đó là sự ưu đãi, khuyến khích hết sức thiết thực đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư ra nước ngoài.
Việt Nam sẽ có chính sách đủ mạnh để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược trong nước quy mô lớn để phát triển hạ tầng số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh những chính sách khuyến khích về nhân lực, tài chính và phi tài chính thì việc xây dựng thói quen và ý thức đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp cũng được các chuyên gia coi là giải pháp cần chú trọng.
Theo đó, Chính phủ cần xây dựng, triển khai các chương trình, chiến dịch nhằm tăng cường ý thức, thói quen, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, Chính phủ xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá toàn diện, bền vững để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành cơ chế để nhân rộng, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm thành công trong đổi mới sáng tạo.
Về phần mình, các doanh nghiệp cần vượt qua tư duy ngại thay đổi trong văn hóa tổ chức, phải tự tạo động lực nội tại, khuyến khích sự sáng tạo và xây dựng môi trường linh hoạt để thích nghi với biến động của thị trường, không ngại thử nghiệm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, học hỏi kinh nghiệm từ những thất bại.
Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ đóng góp tới 4 - 5% vào sự tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam (mục tiêu là tăng 8 - 10%), trong đó phần đóng góp từ đổi mới sáng tạo chiếm tới 3%, còn lĩnh vực khoa học-công nghệ chỉ chiếm 1%. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế hiện đại, qua đó gián tiếp khẳng định vị trí của các doanh nghiệp trong việc đưa GDP của đất nước đi lên.
Dây chuyền lắp ráp xe Mazda trong Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: TTXVN
Theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (đang được xây dựng) lần đầu tiên có một chương riêng dành cho các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp ở Việt Nam được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chính sách "mồi" tài chính, theo nguyên tắc "Nhà nước chi 1 đồng để thu hút 3-4 đồng từ doanh nghiệp". Đây là lý do Nghị quyết số 57-NQ/TW được ví là "khoán 10 trong khoa học-công nghệ".
Đồng thời với việc tạo nhiều thuận lợi thì quá trình toàn cầu hóa cũng đặt ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, đổi mới sáng tạo được xem là động lực hết sức quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Luật Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2013 khẳng định: Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Đổi mới sáng tạo không những là một trong những chỉ số quan trọng của doanh nghiệp mà là thước đo về hiệu suất hoạt động của nền kinh tế, là yếu tố quyết định cho sự tiến bộ của mỗi quốc gia.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất